"Sách photo" tràn lan trên mạng đang "tiêu diệt" sách chính gốc

ANTD.VN - Thay vì vào nhà sách để mua sách chính gốc, phần lớn các bạn học sinh, sinh viên lại chọn cách ở nhà gõ máy tính “sách photo” trên mạng xã hội facebook để mua...

Anh Lương Văn Thùy - Giám đốc nhà sách giáo dục Lovebook

Một vấn đề không còn quá mới, nhưng nó đang là "vấn nạn" cho các nhà xuất bản cũng như các nhà sách. Nói về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Lương Văn Thùy, Giám đốc nhà sách Lovebook.

PV: Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều trang facebook bán sách photo với giá rẻ, hấp dẫn, là một nhà sách lớn có uy tín, anh nói gì về tình trạng này?

Anh Lương Văn Thùy - Giám đốc nhà sách Lovebook: Thực trạng này là vấn đề nan giải chung của hầu hết các nhà sách, nhất là các nhà sách về giáo dục, sách tham khảo. Với cá nhân mình, tôi nghĩ, đó là sự phát triển tự nhiên của mạng internet, mạng xã hội. Bên cạnh đó, giá thành sách hiện nay khá cao, vì thế nhiều em giờ không còn hào hứng mua sách về đọc như trước nữa. Do đó, để mua một cuốn sách mà so với cùng một nội dung như vậy thì các em sẽ chọn hình thức mua sách photo, để tiết kiệm hơn.

- Đây là thực trạng chung của nhà xuất bản, hay nhà sách, anh có thể nói rõ thêm?

Tôi nghĩ tình trạng sách photo hiện nay là tình trạng chung, không chỉ góc độ nhà sách, hay nhà phát hành, mà là vấn đề đau đầu chung của toàn xã hội. Từ khi sách photo bùng nổ, tôi tiếp xúc với một số tác giả, thấy họ đã không còn mặn mà, đầu tư tâm huyết để ra những cuốn sách hay nữa. Nếu thực trạng này không giải quyết được, thì tri thức trên các trang sách sẽ giảm đi rất nhiều.

- Do không còn mặn mà với sách chính gốc nên các bạn học sinh chọn cho mình những cuốn sách photo trên mạng với giá thành rẻ, hay do chúng ta chưa thực sự chú ý đến việc đăng ký bản quyền sách, để rất nhiều những tài khoản facekook, những fanpage bán sách photo công khai và không bị kiểm soát?

Đúng như bạn nói, có lẽ hiện nay một số các bạn học sinh không còn mặn mà với sách chính gốc nữa.

Bởi từ khi sách photo trên mạng bùng nổ với nhiều hình thức, các em chỉ cần ngồi ở nhà nhấp một “cú chuột” là ra hàng loạt tài khoản để các em có thể đăng ký mua.

Về vấn đề quản lý các tài khoản facebook các fanpage, kinh doanh sách photo, thực sự chưa được thắt chặt. Bởi vì, một số fanpage và facebook cá nhân vẫn đăng lên bán sách photo giá rẻ hàng ngày và có rất nhiều người theo dõi.

Tôi rất mong cơ quan chức năng, nhất là lực lượng an ninh văn hóa nên phối hợp với các đơn vị mạng xã hội để kiểm soát nội dung liên quan đến photo và vi phạm bản quyền. Ở nước ngoài, thậm chí mình đăng bìa sách của họ mà không xin phép, là họ đã báo cáo lên cơ quan quản lý về vấn đề vi phạm bản quyền. Nhưng ở Việt Nam điều đó lại chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Nhiều tài khoản facekook lập lên để bán sách photo giá rẻ mà không bị kiểm soát

- Nhiều cuốn sách được xuất bản, nhưng không đăng ký bản quyền. Phải chăng đó là kẽ hở để các tài khoản facebook photo sách bán công khai mà không bị kiểm soát? Theo anh nhà quản lý nên làm gì để giải quyết tình trạng này?

Theo tôi chúng ta nên nâng cao ý thức đăng ký bản quyền sách và nhà quản lý nên có một cơ chế “dễ thở” hơn một chút. Bởi một  số cuốn sách viết ra để đáp ứng các kỳ thi, nhưng khi tác giả mang đi đăng ký bản quyền có khi 3,4 tháng mới được cấp giấy phép. Vậy thì lúc đó, kỳ thi đã qua và nhà sách đâu có thể bán được, kinh doanh được.

Từ đó, việc bán sách photo online càng thêm bùng nổ, thậm chí họ còn công khai và hoạt động thường xuyên khi đưa ra những cuốn sách với giá thành khá rẻ, và sẵn sàng gửi về tận nơi cho người sử dụng.

- Có cách gì khác để cải thiện tình trạng này?

Tôi nghĩ mình nên có một cái gì đó tác động đến các em thông qua các giáo viên ở trường, hoặc là có những phong trào sách giá rẻ, để cho các sinh viên tiếp cận hướng tới và tạo thành một thói quen sử dụng sách chính gốc.

Như tôi đã nói, nạn sách photo tràn lan đã khiến nhiều tác giả trong ngành sách giáo dục không còn hào hứng viết sách. Vì thế, càng ít sách sách hay. Từ đó, học sinh, sinh viên càng không còn động lực để mua sách, để nâng niu sách nữa.

Do đó, tôi mong muốn các nhà sách, nhất là sách giáo dục, mặc dù đứng trước “vấn nạn sách photo” như vậy, nhưng cố gắng làm những cuốn sách có tâm nhất. Để “dựng” lại phong trào đọc sách chính gốc đến mỗi em học sinh.