Sắc màu độc đáo nơi cửa ngõ Thành Nam (2): Muôn vẻ chuyện làng rối

ANTD.VN - Nói tới nghệ thuật múa rối ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, ngoài tục rối đầu gỗ “ổi lỗi” chùa Đại Bi, người dân trong vùng còn nhắc tới một nghệ nhân có công mang những con múa rối ra thế giới, đó là nghệ nhân Phạm Văn Mẽ. 

Nghi thức dâng tượng hầu thánh

Rối hầu thánh Nam Giang 

Ngự giữa thị trấn Nam Giang bây giờ, chùa cổ Đại Bi không chỉ là bảo vật mà còn là “thánh địa” tâm linh của người dân địa phương, chùa thờ vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo lời ông Nguyễn Dũng, nghệ nhân của phường rối thì tục rối cạn hầu thánh hay còn gọi là rối đầu gỗ “ổi lỗi” có liên quan đến vị Thiền sư thời Lý này.

“Một lần, Thiền sư dạo thuyền trên sông thấy một cái bọc trên sóng nước. Ngài vớt lên, mở ra xem thì thấy trong đó có sáu đứa trẻ quái thai. Thiền sư đem sáu đứa trẻ ấy về chùa nuôi dạy. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng để tưởng nhớ đức hạnh của nhà tu hành, người trong vùng đã sáng tạo ra sáu đầu rối mang khuôn mặt của sáu người kia và bắt đầu cho một tục lệ rối hầu thánh. Trò rối này còn được gọi là “ổi lỗi”, tuy nhiên vì sao gọi như vậy thì không rõ. Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng chưa phân định được gốc gác của thuật ngữ này”, ông Dũng cho hay. 

Trước khi tổ chức một cuộc hát rối thì các nghi thức phải được thực hiện đầy đủ. Đầu tiên là tế lễ xin phép rước và đưa thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn. Theo lệ cổ xưa, thì phần lễ trọng hơn mọi phần trọng khác. Lễ xin phép được chia làm bốn phần: Thánh y, rước tượng, tắm tượng và dâng tượng. Kể ra thì gọn vậy nhưng làm xong những phần lễ này đã mất trọn nửa ngày. 

Ông Dũng dẫn tôi vào trong chùa, xong khoản lễ bái mới được nhập phòng mà ngắm “thập nhị thánh tượng” gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ. Như một nhà hướng dẫn lịch sử, ông Dũng giới thiệu: “Sáu tượng rối lớn cùng cỡ được gọi là sáu ông Lộng được làm từ gỗ mít khoét rỗng. Trong đó, hai đầu tượng gọi là chúa Lộng mang gương mặt quan văn và quan võ có màu đỏ sẫm, hai chòm ria vểnh sang hai bên, mắt nhìn thẳng quắc thước.

Đôi tượng Chàng Cát, có tên nôm là Cóc Vàng mặt màu hồng nhạt. Cuối cùng là hai đầu tượng Tùy Trắng miệng rộng đang cười biểu thị cho giàu có, trí lực. Ngay sát sáu thánh tượng lớn là sáu tượng rối nhỏ cũng bằng chất liệu gỗ mít tượng trưng cho sáu nhân vật: Chàng đội mũ, hai nàng tiên, ông Chớp, hoàng hậu và ông Mách mặt to”. 

Phía bên trái chùa Đại Bi là nơi trưng bày nhạc cụ phục vụ lễ hát rối. Đó là những bộ gõ với trống bản, trống cơm, thanh la não bạt, mõ tre, trống túc, chuông đẩu và trống cái cầm canh chuyển điệu mỗi khi sang bài, chuyển nhịp. Hiện ở phường múa rối hầu thánh Nam Giang, chức trùm phường vẫn được duy trì. Họ là những người có kinh nghiệm và đủ uy tín để dẫn dắt cả phường hội hoạt động. 

Cụ Vũ Huy Rính, Chánh trùm phường rối hầu thánh chùa Đại Bi đã ngoài 80 tuổi. Tuy còn nhớ tất cả từng lời kinh, từng lễ nghi cho một cuộc múa rối linh đình đêm 30 Tết hay hội chùa làng, nhưng tuổi cao, sức yếu nên cụ không thể trực tiếp múa phục vụ cho những nghi thức cần đến sức lực. Thế nhưng, cụ lo cho mình thì ít mà lo cho phường rối thì nhiều. Cụ bảo, phường rối được vài chục người nhưng đều đã có tuổi. Người còn trẻ thì không thuộc hết lời kinh, hoặc thuộc kinh nhưng không thuộc nghi thức. 

Ông Mẽ bảo, làm ra rối thì dễ nhưng để rối hoạt động uyển chuyển mới khó

Người thổi hồn cho những con rối

Ông là nghệ nhân Phạm Văn Mẽ, người làng Rạch thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nói tới ông, nhiều người yêu múa rối đều biết và đều mê mẩn trước những hình hài gỗ tượng sống động, uyển chuyển như một phép màu bước ra từ cổ tích được chính tay ông tạo ra. Khách đến đang trong lúc tay bào tay đục, nhưng như một thói quen trước lúc bỏ đồ nghề xuống, ông đưa khúc gỗ sắp thành hình kia hôn vào đó một cái đánh chụt. 

Trong khi chờ trà ngấm, ông Mẽ tự giới thiệu là người “ăn đời ở kiếp” với rối. Vừa có mặt trên cõi đời, ông đã biết đến những con rối do bố làm ra. Rối cũng là đồ chơi con trẻ thay cho những thứ trống bung, trống cóc. Những năm sau đổi mới, rối làng Rạch gần như chìm vào quên lãng. Ông Mẽ cũng buồn bã xếp đục, xếp bào và tưởng đã phải chia tay với thứ nghề cổ truyền này.

Biểu diễn rối cạn chùa Đại Bi là một tục cổ còn sót lại

Khi thấy nghề cổ của làng sắp biến mất, chính ông Mẽ quyết tâm phục dựng lại bằng mọi giá. Mầy mò từ năm 1994, rồi ông cũng thành lập được hội rối vỏn vẹn 9 người. Có lần, đi diễn ở một huyện xa với các tích truyện Công chúa xứ Tràm; Chiếu dời đô; Cưỡi ngựa xem hoa, diễn xong, chẳng ai vỗ tay trừ một vị khách lạ. Sau đêm đó, ông khách lạ mới đến tận làng Rạch tìm hiểu và bảo “Cái thứ nghề cổ của làng ông là thứ nghề quý. Nếu biết phục dựng thì không thiếu đất dụng võ”.

Để có tiền cho phường rối hoạt động, ông Mẽ âm thầm dùng đôi bàn tay tạo tác ra những con rối, những hình chú Tễu để bán. Phường rối trong Nam, ngoài Bắc nghe tiếng hoặc chỉ nhìn con rối là biết có phải do tay ông Mẽ làm ra hay không. Tiếng lành đồn xa, những phường rối nước ngoài biết đến ông Mẽ như một nghệ nhân uy tín. Họ về tận làng Rạch, đặt ông làm con rối. Bởi vậy, những con rối do ông làm ra đã theo khách hàng sang Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu.  

Ông Mẽ hồi tưởng lại quãng thời gian ấy mà giọng cứ lạc đi: “Lúc ấy, tôi đứng đầu hội rối. Nhiều lần đưa anh em đi các nơi biểu diễn, dù là không công nhưng thấy người ta háo hức, thích thú thì mình cũng thêm động lực”. Vậy là, một tay ông Mẽ “dựng” lại nghề cổ từ các tích truyện rồi tìm đường hướng biểu diễn. Sau những buổi biểu diễn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, phường múa rối làng Rạch được các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Thụy Điển, Pháp, Mỹ… biết tiếng và mời biểu diễn. 

Cho đến bây giờ, dám nhận mình là người “ăn đời ở kiếp” với rối, ông Mẽ đã đủ một cơ ngơi mà ông tạm gọi là bảo tàng rối để ai cũng có thể đến xem. Không chỉ có những con rối mới do chính tay ông làm ra, trong bảo tàng ấy còn có cả những con rối cũ mà xem chất liệu độ màu có thể đoán định đã vài chục năm tuổi. Hỏi ra mới biết, mấy năm trước ông đã lặn lội khắp nơi tìm mua lại những con rối từ thời bao cấp cho bộ sưu tập đủ cả kim cổ.

(Còn tiếp)