Vở cải lương “Vua Phật” vừa ra mắt:

Sa đà chi tiết vụn vặt

ANTĐ - Tái hiện cuộc đời vua Trần Nhân Tông, vở cải lương “Vua Phật” vừa ra mắt tối 23-11 tại rạp Âu Cơ đã khiến nhiều khán giả cảm thấy... buồn ngủ vì quá rườm rà, tham chi tiết và thời lượng kéo dài.
Sa đà chi tiết vụn vặt ảnh 1

Phần đời chiếm chủ đạo trong vở “Vua Phật”

Thiếu chi tiết đắt

“Vua Phật” do các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn mục đích chuyển tải đến người xem 2 khía cạnh về cuộc đời vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm: “vua đời - vua đạo”. Chính tầm vóc lớn lao của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với ê kíp sáng tạo. Tham vọng tái hiện được đầy đủ cuộc đời vua Trần Nhân Tông trên sàn diễn đã khiến đạo diễn Triệu Trung Kiên sa đà vào các chi tiết vụn vặt. Tác phẩm cái gì cũng có nhưng một chi tiết thật đắt, liền mạch đi thật mạch lạc lại thiếu. Điểm qua một vài màn diễn, có thể dễ dàng nhận ra là nếu mạnh tay hơn, đạo diễn Triệu Trung Kiên có thể lược bỏ 2 đến 3 màn để rút ngắn thời lượng của tác phẩm. 

Trong 2 cảnh diễn liên tiếp thể hiện hào khí Đông A, khí thế “Sát Thát” của nhà Trần chống quân Nguyên - Mông, thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn không có nhiều thay đổi. Trong khi, một cảnh thể hiện nhiều ý kiến trái chiều để đánh giặc Nguyên Mông, còn một cảnh thể hiện sự đồng lòng, hiệp đồng đánh giặc, nếu như khéo léo hơn, đạo diễn có thể gộp 2 màn này làm một, vừa bớt rườm rà lại tô đậm được tinh thần đánh giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt. “Vua Phật” chỉ thực sự trở nên hay ở những màn về cuối, thể hiện rõ tài chỉ huy quân sự của vua Trần Nhân Tông, các chính sách tiến bộ làm cho đời sống của nhân dân ấm no và hạnh phúc. 

Sa đà chi tiết vụn vặt ảnh 2

Vở cải lương “Vua Phật” bị loãng” do tham chi tiết 


Chưa làm thỏa mãn khán giả

Nhiều chi tiết thừa đã khiến “Vua Phật” bị loãng. Có lẽ, do thời lượng phần “đời” của vua quá nhiều, trong khi phần “đạo” ngắn. Khán giả chỉ thấy hình ảnh vua Trần Nhân Tông sau khi trao ngôi cho con là vua Trần Anh Tông đã dứt bỏ bụi trần, toàn tâm toàn ý lên núi Yên Tử tu hành. Tác phẩm tái hiện cả việc quyên sinh của các cung nữ bên con suối Giải Oan. Thực ra, cảnh diễn này vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là bởi, trước đó, đã có một cảnh diễn thể hiện cảnh níu kéo đức vua trở về cuộc sống trần tục, thiếu là bởi, con đường tu hành của vua Trần Nhân Tông chưa được thể hiện rõ và âm nhạc Phật giáo không được sử dụng trong phần kết. Sự đắc đạo của một vị vua bỏ hoàng cung đi tu không lẽ lại chỉ được lướt qua như vậy?

Vở diễn đã khép lại nhưng 2 khía cạnh về cuộc đời vua Trần Nhân Tông vẫn chưa làm khán giả thỏa mãn. Sự chắp nối các sự kiện lịch sử về cuộc đời của vua Trần Nhân Tông không hề đơn giản. Trong khi ấy, người đời luôn tham vọng được biết nhiều hơn, được hiểu nhiều hơn về ngài. Và đặc biệt, trong nghệ thuật,  sự tham vọng ấy càng được thể hiện rõ hơn. Chỉ tiếc là, nếu như đạo diễn Triệu Trung Kiên khéo léo hơn, tiết chế tốt hơn thì tác phẩm về một con người có tầm vóc lớn lao trong lịch sử Việt Nam như Phật hoàng Trần Nhân Tông chắc sẽ đậm và mạch lạc hơn. 

 Vở cải lương “Vua Phật” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vừa ra mắt từ ngày 23 đến 25-11 tại rạp Âu Cơ. Sau đó, tác phẩm sẽ được lưu diễn và mở cửa tự do dành cho khán giả trên toàn quốc.