Phim điện ảnh "Tik tak Anh yêu em": "Ngố" mà không "lố"

ANTD.VN - Một trong những suất chiếu bộ phim “Tik tak Anh yêu em” vào sáng qua tại rạp tháng Tám (Hàng Bài) suýt phải hủy nếu không có 3 khán giả kịp thời mua vé đến xem. Đó cũng là 3 người xem duy nhất của suất chiếu này. 

Ít người xem vì không chịu… PR?

Không “trống giong cờ mở” như nhiều phim điện ảnh khác, “Tik tak Anh yêu em” của đạo diễn Trần Ka Mỹ lặng lẽ ra rạp. Có rất nhiều cái đầu tiên có thể kể đến ở “Tik tak Anh yêu em”, ví như đây là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Trần Ka Mỹ, là lần đầu tiên nhà sản xuất bộ phim này - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản quyết định đầu tư kinh phí làm phim chiếu rạp, lần đầu tiên Lương Thế Thành đảm nhận vai chính trong một bộ phim điện ảnh...

Tuy nhiên, những điều đó rõ ràng chưa đủ sức gây chú ý với khán giả, nhất là khi êkip sản xuất bộ phim này ngay từ đầu đã chọn PR bộ phim theo cách “sạch sẽ” và lặng lẽ chứ không ồn ào hay tận dụng những chiêu trò thường gặp, kiểu như nghi án tình cảm giữa các diễn viên. Hơn nữa, phim lại không chọn diễn viên “chân dài” với “ngôi sao” nên công bằng mà nói, rất khó để kéo người xem đến rạp giữa thời buổi này. Ngay cả khi NSƯT Thành Lộc và nam diễn viên Hiếu Hiền nhận lời đóng hai vai phụ trong phim thì cũng không đủ tạo sức hút.

Minh chứng là trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn phim ảnh rất ít những lời bàn ra tán vào về bộ phim. Còn ở ngoài rạp Tháng Tám, một trong những suất chiếu vào sáng qua 9-8 suýt phải hủy nếu không có 3 khán giả kịp thời mua vé đến xem. Đó cũng là 3 người xem phim duy nhất của suất chiếu này. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi nhà sản xuất “Tik tak Anh yêu em” cho tới giờ vẫn không chịu tiết lộ gì về kinh phí sản xuất phim lẫn doanh thu đạt được sau gần 2 tuần công chiếu, bởi được biết đó đều là những con số rất khiêm tốn. 

Vừa vặn và dễ thương

Bộ phim của đạo diễn Trần Ka Mỹ có tựa đề ban đầu là “Chàng ngố khoái ăn sang” (nói lái của câu “sáng ăn khoai”). Đứng ở góc độ gây tò mò với người xem thì cái tên này “đắt” hơn nhiều so với “Tik tak Anh yêu em”. Song có lẽ như nhà sản xuất bộ phim này từng khẳng định muốn làm một bộ phim chiếu rạp theo phong cách bình dân, từ câu chuyện đến cách đặt vấn đề, vì vậy sau đó đã quyết định thay tên phim là “Tik tak Anh yêu em”. Tuy nhiên, giữa thời buổi khán giả có thói quen lướt “list” (danh sách) để chọn “title” (tên) phim hay thì đây có vẻ không phải sự lựa chọn đúng đắn của nhà sản xuất. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến phim vắng người xem.

“Tik tak Anh yêu em” được xây dựng theo môtip không mới - một anh chàng ngố sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, hay bị mọi người bắt nạt nhưng có tính cách trượng phu và cực kỳ tốt bụng. Cuộc đời của chàng ngố có tên “Tài” (biệt danh Tài Khoai) thay đổi sau khi anh tình cờ ra tay bắt cướp giúp một vị đại gia và sau đó được người này âm thầm giúp đỡ lại. Kèm theo sự giúp đỡ có chủ đích đó là mối duyên tình cờ giữa Tài Khoai và một người con gái có mối quan hệ thân thiết với vị đại gia kia.

Môtip nhuốm màu cổ tích này không mới, cái mới là ở cách kể của bộ phim. Cụ thể là việc xây dựng hình tượng nhân vật Tài Khoai tuy ngố nhưng không quá “lố”. Không có bất cứ một câu thoại hay tình huống chọc cười nào theo kiểu nhảm nhí lấy được, khiến người xem có cảm giác vô duyên thừa thãi. Mặc dù đôi chỗ đạo diễn hơi quá tay khi tô vẽ Tài Khoai làm cho nhân vật này từ chỗ ngô ngố trở thành hơi không bình thường, kiểu như chàng trai đã ở tuổi trưởng thành mà vẫn tè dầm, vừa đuổi bắt cướp vừa ăn khoai, mặc nguyên bộ pijama đi xin việc hay bẽn lẽn quấn váy chống nắng ngồi sau xe máy…

Song những chi tiết có vẻ hơi quá ấy được gỡ lại bằng sự thể hiện cực kỳ hồn nhiên của Lương Thế Thành khiến người xem không có cảm giác khó chịu, càng không thể ghét nhân vật mà anh hóa thân dù có không bình thường đi chăng nữa. Có thể nói, diễn xuất tự nhiên của nam diễn viên này đã giúp bộ phim lấy được tình cảm của khán giả một cách rất nhẹ nhàng. 

Cũng bởi tiêu chí bình dân được nhà sản xuất đặt ra ngay khi đầu tư thực hiện bộ phim này nên trong phim không có nhiều hình ảnh góc rộng hay cảnh quay đẹp mắt, bối cảnh cũng không có gì ấn tượng. Đôi chỗ, lời thoại phim vẫn hơi “sến” theo ngôn ngữ kịch và phim truyền hình.

Đặc biệt, có lẽ vì nhà sản xuất phim hoạt động trong lĩnh vực nông sản nên nhân vật chính - Tài Khoai được xây dựng hơi gượng gạo, từ đầu đến cuối phim chủ yếu chỉ… ăn khoai, kể cả khi đã làm bố của 2 đứa trẻ con thì vẫn ngấu nghiến ăn khoai và đến kết phim thì quyết định đi theo nghề trồng rau. Tuy nhiên chi tiết khiến bộ phim mất điểm nhất là việc để nhân vật đại gia vốn là một quan chức cấp cao xử lý việc chung theo tình cảm cá nhân, cụ thể là sang tên một lô đất “vàng” cho con gái sử dụng vào mục đích riêng.

Điều này vô tình làm mất đi màu sắc cổ tích và hình tượng đẹp về nhân vật Tài Khoai. Dù vậy, đây vẫn là một bộ phim đáng được ghi nhận giữa lúc thị trường phim Việt chiếu rạp đầy rẫy phim hài nhảm và nỗ lực “câu” người xem bằng đủ các chiêu trò.