Phim điện ảnh "Thần tiên cũng nổi điên": Thiếu duyên nên người xem kém "mặn"

ANTD.VN - “Thần tiên cũng nổi điên” những ngày đầu ra rạp vắng hoe hoắt. Trong không gian phòng chiếu rộng mênh mông, người nào yếu tim dễ bị hoảng bởi cách hóa trang như trong phim kinh dị của bộ ba nhân vật chính.

Cảnh lãng mạn hiếm hoi trong bộ phim

Kịch từ tạo hình đến kỹ xảo

Ông Tơ, bà Nguyệt - hai nhân vật nổi tiếng trong tích chuyện dân gian mang màu sắc Á đông với tài phép se duyên vợ chồng; thần Tình yêu Cupid - vị thần nổi tiếng trong thần thoại phương Tây với những mũi tên gắn kết các cặp đôi. Ba nhân vật này cùng xuất hiện trong bộ phim của đạo diễn Cao Tấn Lộc với tư cách 3 vị thần tiên xuống trần, cùng nhau vi hành đến thế giới loài người để tìm hiểu những mối quan hệ tình cảm mà họ chưa bao giờ se duyên nên không thể giải thích được. 

Tuy nhiên ngay khi các nhân vật này xuất hiện, khán giả đã hết hồn bởi tạo hình chẳng có chút gì liên quan đến hai chữ “thần tiên”. Trong khi ông Tơ, bà Nguyệt mặc nguyên bộ quần áo trắng rộng thùng thình, tóc dài rủ xuống xõa xượi, vật vờ đi lại trông không khác gì các hồn ma trong phim kinh dị, thì thần Tình yêu Cupid cũng không phải là chú bé bụ bẫm kháu khỉnh, có đôi cánh bằng vàng sau lưng mà giống hệt một tay giang hồ bặm trợn. 

Cũng bởi tạo hình kỳ quái này mà màu sắc thần thoại trong phim bị mất đi rất nhiều, không còn sự thi vị và huyền bí. Chưa kể, mỗi lần 3 nhân vật này cất tiếng cười cũng đủ làm người xem khiếp vía vì nghe giống điệu cười… từ địa ngục.

Có lẽ bởi Cao Tấn Lộc là biên kịch - đạo diễn sân khấu và đây là phim điện ảnh đầu tay mà anh thực hiện nên ngay từ khâu tạo hình nhân vật đã thấy rõ màu sắc của sân khấu kịch. Trong phim, có một vài cảnh quay sử dụng hiệu ứng kỹ xảo nhưng đúng kiểu sấm chớp lòe loẹt, không thì cũng giống như các chiêu luyện chưởng thường thấy trong các bộ truyện tranh giả tưởng dành cho thiếu nhi, ở một số cảnh khác thì nhân vật ăn mặc không khác gì diễn tuồng với đóng kịch. 

Hài nhưng khó cười

Để tìm ra một tình huống nào đó trong “Thần tiên cũng nổi điên” khiến người xem cười rất khó, có lẽ bởi cách mà đạo diễn Cao Tấn Lộc chọn để “cù” khán giả không mới.

Kiểu như chiêu sử dụng nhân vật đồng tính nói một vài câu, làm một vài hành động yểu điệu “khó đỡ” hay chêm vào trong phim một số câu thoại có tính gieo vần với tác dụng vừa gây cười vừa dễ nhớ…  vốn đã cực kỳ cũ, nay lại được tái vận dụng một cách nhạt nhẽo khiến người xem càng không cười nổi.

Nếu không xem phim, khó mà tưởng tượng đây lại là ông Tơ với bà Nguyệt

Minh chứng là xem xong phim, chẳng có câu thoại nào đọng lại trong trí nhớ của người xem để có thể trở thành câu cửa miệng – điều vẫn thấy ở nhiều bộ phim trước đó. Chưa kể, nhiều lời thoại trong phim rất kém duyên, ví như màn hóa thân thành “người trần” và biểu diễn nhảy nhót tưng bừng của ba vị thần tiên trên sân khấu buổi “casting” tuyển diễn viên, quanh đi quẩn lại chỉ là một hai câu hát vô nghĩa: “Em sợ, sợ cái em sợ”, “Sợ, em sợ cái hai bà kia sợ”…

Cái được của bộ phim có lẽ là  hài nhưng không quá “nhảm”, thậm chí còn chứa đựng nhiều thông điệp rất ý nghĩa. Ví dụ như chi tiết ba vị thần tiên hóa thân thành diễn viên, cũng ngầm ý cho thấy sự dễ dãi trong showbiz khi diễn viên chẳng cần tài, chỉ cần có “chiêu trò”, hay sự thao túng bằng quan hệ và cảm tính của các “ông bầu”…

Đặc biệt, thông điệp quan trọng nhất của bộ phim này chính là về tình yêu. Những câu chuyện tình trái ngang giữa hai người đồng giới, tình yêu giữa hai người khác giới nhưng lại có “mùi” toan tính danh vọng và tiền bạc, tình yêu giữa cặp chị em chênh lệch nhau về tuổi tác….

Sự xuất hiện của bộ ba vị thần tiên kể trên cũng là để điều chỉnh lại các mối quan hệ nhằng nhịt rắm rối này, đưa nó trở về quỹ đạo ban đầu theo đúng ý mình. Tuy nhiên sau cùng, thì cả ba đều phát điên vì bất lực trước con người. “Hãy để con người tự quyết định tình yêu của mình” – câu thoại của bà Nguyệt khi đã chấp nhận rũ bỏ mọi tài phép trước khi tan biến dường như cũng chính là điều mà bộ phim này muốn gửi gắm đến người xem.

Có lẽ việc để 2 vị thần tình yêu Á Đông và 1 vị thần tình yêu phương Tây cùng kết hợp với nhau trong chuyến “vi hành” cũng là dụng ý của bộ phim, rằng cho dù là vị thần ở bất cứ nơi đâu cũng không thể điều khiển được tình yêu của con người và tình yêu trên cuộc đời này thực chất là sự lựa chọn sau cùng của hai người yêu nhau chân thành chứ không phải sắp đặt của mối lương duyên trời định nào đó.