Phát hiện khảo cổ học lớn nhất về loại "ngói rồng" tại điện Kính Thiên

ANTD.VN -Sau gần 1 năm khai quật thăm dò và nghiên cứu, kết quả khảo cổ học sơ bộ về khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017 đã được các nhà khoa học công bố vào sáng ngày 17-4-2018 tại Hà Nội. 

Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hoá dày gần 4,5m với các lớp văn hoá có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại. 

Các nhà khoa học tìm thấy dải bó nền hoa chanh lớn nhất từ trước tới nay

Một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng đã được phát lộ trong cuộc khai quật này gồm có: móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Trong số này, dấu tích nổi bật tìm thấy là dải bó nền hoa chanh của thời Trần, được cho là lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,1m2).

Theo giả thuyết của các nhà khoa học, đây có thể là đường bó công trình kiến trúc (hàng hiên để che mưa che nắng) hoặc là đường bó chân tường bao. Với kích thước lớn lên tới 1m1, các nhà khoa học nghiêng về khả năng, đây là dấu tích còn sót lại của đường bó hàng hiên cung điện nhiều hơn.

Loại ngói rồng màu xanh với số lượng lớn được tìm thấy trong đợt khai quật năm 2017

Về di vật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau, gồm đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó có một số lượng lớn là gạch ngói. PGS.TS Tống Trung Tín nhận định, điểm nổi bật nhất của lần khai quật này là các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật bằng gốm, sành, sứ thời Lê sơ.

Trong đó, có nhiều di vật làm bằng men xanh, những mảnh ngói có hoạ tiết rồng đậm nét. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều bát hình rồng, phượng điển hình của thế kỷ XVI. 

Trong các loại vật liệu xây dựng, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí thuộc thời Lê sơ (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại ngói rồng lợp cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên.

Dù đây không phải lần đầu tiên tìm thấy ngói rồng tại khu vực Hoàng thành. Tuy nhiên, lần khai quật năm 2017, các nhà khảo cổ đã tìm thấy số lượng lớn các di vật ngói rồng.

PGS.TS Tống Trung Tín báo cáo kết quả khảo cổ học năm 2017

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, phong cách tạo nên các loại ngói rồng này rất đặc biệt mà chưa ở đâu tìm thấy. Vì mái cung điện Kính Thiên dành cho vua nên họa tiết rồng được sử dụng làm chủ đạo. Một dãy mái được lợp loại ngói này sẽ thành hình một con rồng chạy từ đỉnh mái tới diềm mái. Trang trí trên lưng ngói và đầu ngói tròn cũng là hình con rồng. Về màu sắc, ngói rồng được tìm thấy có hai màu là xanh và vàng.

Theo TS. Trần Minh Trí, Viện Khảo cổ học Việt Nam, bộ mái điện Kính Thiên thời Lê Sơ đã bước đầu được hình dung nhờ vào các di vật ngói rồng có số lượng lớn của lần khai quật này. Rất có thể, toàn bộ bộ mái của cung điện đã bị phá hủy để thay thế bằng một kiến trúc khác.

Tuy nhiên, để vén bức màn của lịch sử, các nhà khoa học lịch sử đề nghị cần phải mở rộng khu vực đào để thúc đẩy nhanh việc khảo cổ toàn bộ khu di tích, từ đó sớm báo cáo và bàn giao cho TP Hà Nội. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề nghị cần phải lập được bản đồ tổng thể, kết nối các kết quả khảo cổ học từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về di tích, người dân bình thường có thể nhìn vào bản đồ tổng thể để hiểu hơn về di sản.

GS Phan Huy Lê khẳng định, kết quả ban đầu của cuộc khai quật khảo cổ học năm 2017 là rất đáng trân trọng. Nhưng điều các nhà khoa học cần làm hiện nay là liên hệ các di vật với bối cảnh từng thời kỳ lịch sử. Điều người dân quan tâm không chỉ là những mảnh ngói vỡ, những mảnh bát vỡ mà là những sự kiện lịch sử gắn với di vật. Đặc biệt, việc phục dựng không gian điện Kính Thiên rất cần các nhà khoa học bắt tay vào thực hiện từng bước và có kế hoạch.