Nước mắt khỉ chúa

ANTĐ - Năm ấy, trung đội tôi có nhiệm vụ tăng gia sản xuất, tự túc lương thực cho cả đại đội. Nhờ trời, đất bazan Hạ Lào tốt quá, lại mưa thuận gió hòa. Chúng tôi làm chơi ăn thật. Cây bắp nào cũng ra đều ba trái to nần nẫn bằng bắp tay ấy. Còn sắn thì khỏi nói. Có gốc chúng tôi bới được trên mười ký, lại còn đỗ xanh nữa. Tôi chưa từng thấy ở đâu đỗ xanh tốt như ở cao nguyên. Nương đỗ nào cũng tốt lút đầu người. Trung đội trưởng thực là một lão nông tri điền. Ngay khi gieo đỗ, anh đã bắt chúng tôi để luống rõ rộng và gieo thật là thưa. Những chùm quả đỗ cứ sai như giàn chông.

Nước mắt khỉ chúa ảnh 1

Minh họa: LÊ ANH VÂN

Chúng tôi đang hí hửng trước một vụ ngô sắn đỗ bội thu thì một tai họa khủng khiếp bất ngờ ập đến. Đó là tai họa khỉ. Cơ man nào là khỉ. Khỉ ông, khỉ bà, khỉ bố, khỉ mẹ, khỉ con, khỉ cháu, khỉ chúa, khỉ quân nhiều vô kể. Chúng sống từng bầy. Mỗi bầy dăm bảy chục con trong dãy núi đá phía đông bắc nhất loạt tấn công nương bắp, nương sắn của chúng tôi. Chúng ranh ma, tinh tường lắm. Chúng cứ nhằm vào nương bắp nào đã khô cờ, vàng bẹ mà bẻ. Bắp to bẻ trước. Bắp nhỏ bẻ sau. Có tổ chức có chỉ huy hẳn hoi. Có khỉ gác vòng trong, có khỉ gác vòng ngoài. Lại có cả hiệu lệnh nữa. Con khỉ gác vòng ngoài, thấy chúng tôi là rú lên một tiếng thật dài. Thế là lập tức tiếng rú ấy được con nọ truyền cho con kia. Và cả bầy khỉ chạy roàn roạt, như có từng cơn lốc xoáy đen cuốn lên. Bắn phát một thì khó trúng. Bắn liên thanh thì bị lộ. Chỉ vài giờ sau B52 sẽ đến ném bom rải thảm hoặc thám báo, biệt kích nhảy dù.

Nhìn nương ngô xơ xác, nương sắn bị bật gốc ngổn ngang, chúng tôi nghĩ tiếc cái công trồng tỉa, chăm sóc của mình. Xót ruột quá! Càng tiếc của tiếc công, chúng tôi càng căm giận bầy khỉ.

Trung đội trưởng thành lập một tổ trinh sát năm người do anh trực tiếp chỉ huy. Anh bảo, phải tìm lối vào tận hang ổ của lũ khỉ quái đản xem chúng cất ngô, cất sắn vào đâu mà hết nhiều đến thế. Hay chúng vừa ăn vừa vứt đi. Phải tìm cách đoạt lại.

Ra khỏi con đường mòn, chúng tôi lần theo vách đá nhẵn thành lối mà leo. Leo mãi lên lưng chừng núi. Nhiều chỗ phải treo mình trên những sợi dây rừng. Vừa tới cửa hang, lũ khỉ canh gác đã la hét om sòm. Cửa hang chỉ to hơn miệng chiếc thúng một chút. Trung đội trưởng bảo để anh vào trước xem thế nào đã. Anh vừa nép người cho đầu không va vào cửa hang thì bầy khỉ hét chí chóe và trung đội trưởng vội vàng bật trở ra. Trên mặt, trên cổ, trên tai và cả trên đầu anh nữa đầy những vết cào, vết cắn xước xát. Máu chảy đỏ cả mặt, cả tóc, cả cổ. Chúng tôi lấy bông băng cứu thương lau những vết máu và băng tạm những vết thương nặng cho anh. Anh bảo: "Chỗ nào có vết răng khỉ chúng mày chịu khó nặn máu thật kỹ cho tao. Khỉ cắn độc lắm đấy, không thể qua quýt được đâu".

Trung đội trưởng bảo, dù khôn ranh đến mấy, láu cá đến mấy vẫn là cái giống khỉ. Chúng ta không thể quay về. Không thể bỏ cuộc. Không thể đầu hàng!

Trung đội trưởng lệnh cho tôi để nấc bắn phát một khẩu AK báng gập. Tôi chĩa đầu nòng vào cửa hang và cứ vài phút lại nã một viên. Lửa đạn lóe sáng khiến bầy khỉ khiếp đảm thét om sòm. Chúng chưa kịp hoàn hồn, trung đội trưởng đã vào gọn trong hang. Súng AK giương lê, anh đứng bảo vệ cho từng người vào. Chao ơi, cái cửa nhỏ mà lòng hang thì rộng quá là rộng. Giống như tất cả những cái động đá vôi, ở giữa có một khoảng sáng đục mờ, khi đứng bóng ánh mặt trời rọi xuống tận đáy tạo nên một nong vàng óng ánh như tơ tằm.

Bầy khỉ chống lại dữ dội và quyết liệt. Cứ từng tốp, từng tốp bốn năm con treo mình trên nhũ đá bất thần nhảy xuống tấn công chúng tôi. Chúng tôi vừa tiến sâu vào hang vừa đâm lưỡi lê ra tứ phía. Bần cùng lắm, chúng tôi mới nổ súng uy hiếp. Bởi vì tiếng nổ ở trong hang vọng to tới mức óc chúng tôi như long hết cả ra.

Rút cuộc, chúng tôi cũng đã vào đến kho lương của bầy khỉ và vô cùng kinh ngạc trước sự bảo quản và tích trữ lương thảo của chúng. Tất cả các bắp ngô đều bóc lộn ngược bẹ lên và túm thành từng túm treo nhũng nhẵng đầy các nhũ đá. Trung đội trưởng bảo, chúng nó y như người. Nhưng nó lại hơn con người ở chỗ là leo, trèo, nhảy, đu đến được các nhũ đá cao chót vót trên vòm hang để treo bắp.  Chỉ có điều tịnh không thấy một củ sắn nào. Lạ quá! Chả lẽ chúng đã chén sạch cả cái nương sắn tốt ngút trời! Chúng tôi vừa tiếp tục chiến đấu vừa bấm đèn pin lùng sục các ngóc ngách nhưng không thể nào tìm ra kho chứa sắn. Chúng tôi bắn, đâm lê bảo vệ cho nhau khuân ngô ra cửa hang. Còn bầy khỉ vừa la thét choe chóe vừa liều chết nhảy vào cướp lại. Ngô bắp rơi vãi khắp nơi. Quần áo chúng tôi bị chúng giật rách tơi tả. Mặt mũi, mình mẩy xước xát, tóe máu…

Để trả thù chúng tôi, để bù lại số lương thực bị con người lấy lại, bầy khỉ đua nhau tàn phá nương ngô, nương sắn quyết liệt! Chúng tôi không tài nào giữ nổi. Bởi vì, chúng tôi không đủ người, đủ sức canh gác những nương ngô, nương sắn rộng bát ngát ấy.

Một buổi chiều, trung đội trưởng bị sốt rét nằm trùm chăn. Khi dứt cơn sốt, anh tung chăn ngồi dậy và chợt nhìn thấy những túi đựng mặt nạ phòng hóa treo ở góc lán từ lâu lắm rồi. Nhưng chẳng ai để ý đến nó, kể cả trung đội trưởng. Và cũng chả có ai ngoài trung đội trưởng lại có ý nghĩ sáng lóe đến lạ lùng là dùng những cái mặt nạ phòng hóa ấy để bắt khỉ. Lúc đầu, chúng tôi nhao nhao phản đối. Giống khỉ ranh ma lắm. Đừng hòng đánh lừa được nó. Nhưng trung đội trưởng vẫn quyết tâm. Anh bảo, khôn như con người, mau trí như con người mà vẫn bị lừa nữa là con khỉ. Anh cắt cử người canh gác mãi gần cửa hang khỉ để chúng tôi đào hầm mai phục giữa nương ngô. Trong lúc chờ đợi bầy khỉ, chúng tôi đeo mặt nạ phòng hóa và khoác áo mưa.

Quãng nửa giờ sau khi các trạm gác cuối cùng rút quân, lác đác có dăm ba con khỉ ra trinh sát. Chúng vẫn theo đường mòn xuống nương ngô, đi một vòng như kiểu người đi thăm ruộng rồi chia nhau đi cắt chéo qua nương. Sau đó, những tên khỉ này tỏa ra đứng gác trên các lối mòn rẽ vào nương và kêu choe chóe… đánh tín hiệu về tổ. Và chỉ trong tích tắc, đàn đàn, lũ lũ nhà khỉ ào ào tràn xuống nương ngô y như một cơn lốc đen. Thật khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến  một bầy khỉ đông đến như thế. Chúng nhoáng nhoàng bẻ bắp như người. Được bắp nào, chúng xé toạc bẹ lộn ngược cài luôn vào sợi dây thắt ngang lưng.

Giữa lúc bầy khỉ đang bẻ bắp (có lẽ lúc lao động say sưa nhất cũng là lúc mất cảnh giác nhất) thì trung đội trưởng vỗ hai bàn tay vào nhau đánh bốp một cái. Lập tức cả trung đội bật nắp, xông lên. Bầy khỉ bàng hoàng, hai tay bịt mắt, thét lên từng tiếng vô cùng khiếp đảm, có con sợ đến chết ngất nằm quay đơ trên luống bắp. Có lẽ từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, bầy khỉ chưa bao giờ nhìn thấy con vật nào lạ lùng đến thế. Thân hình người, chân tay người nhưng có cánh và cái cánh mỏng tang như cánh dơi, đầu tròn lốc, mắt tròn xoe, to thô lố, vòi dài xun xoăn vắt vẻo như vòi voi. Sợ lộ tung tích, chúng tôi không ai dám hé miệng nói câu nào mà cứ lặng lẽ nhìn nhau qua mắt kính to bằng đít chai và cắt dây rừng trói diệt từng con khỉ một. Bầy khỉ nằm ngổn ngang, la liệt khắp nương ngô, không một con nào thoát nạn kể cả mấy con khỉ canh gác.

Trung đội trưởng ra hiệu cho chúng tôi lui. Ra tới bờ con suối cạn lổn nhổn những hòn đá cuội, chúng tôi mới tháo mặt nạ, gấp áo mưa. Mệt muốn đứt hơi. Mồ hôi ướt đẫm tóc. Trung đội trưởng bảo, cứ để cho lũ khỉ phơi vài cái nắng gió Lào rồi sẽ tính sau. Quả thực, cho đến lúc này, chúng tôi cũng chưa biết sẽ xử lý ra sao với hàng trăm con khỉ. Cho mỗi con một viên AK hay một nhát lưỡi lê? Hay đào hố chôn sống tất cả. Trung đội trưởng chẳng nói gì. Nhưng tôi biết anh đang cấn cá, đang suy nghĩ mung lung để tìm cách xử lý bầy khỉ đã phạm tội cố ý cướp đoạt "tài sản tập thể".

Tôi chỉ xin lưu ý bạn đọc là mấy ngày đêm liền giấc ngủ của chúng tôi cứ chập chờn giữa tiếng kêu thảm thiết, não lòng của bẩy khỉ. Đã sang ngày thứ ba. Tiếng kêu của bầy khỉ yếu dần, cuối cùng chỉ là tiếng rên rỉ tuyệt vọng.

Tôi hỏi trung đội trưởng:
- Bây giờ tính sao đây với lũ khỉ khốn kiếp?
Trung đội trưởng bảo:
- Tớ nghĩ kỹ rồi. Phải theo các cụ thôi.
- Nghĩa là thế nào?
- Lấy ân báo oán. Chứ giết hàng trăm con khỉ một lúc cũng lạnh tay lắm.
- Nó lại xuống phá nương thì làm thế nào?
- Hãy cứ làm phúc một lần đi.

Nghĩ cho cùng cũng chả còn cách nào hay hơn. Hôm đó, hàng trăm con khỉ đã được chúng tôi phóng thích. Vừa cởi trói cho từng con, chúng tôi vừa nói: "Chúng mày không cải tà quy chính ăn hớt tay trên của người khác thì sẽ bị tiêu diệt cả đàn. Nhớ chưa?" Thoạt đầu là khỉ chúa được tha. Chúng tôi đoán vậy. Bởi đó là con khỉ đực to nhất, lông đầu đã rụng - gọi là khỉ hói, lông mi và râu nó đã điểm bạc. Được tha nhưng con khỉ hói không đi ngay. Nó ngồi buồn thiu nhìn đồng loại, nước mắt ứa ra, chảy thành dòng. 

Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cảnh tượng thê lương đến vậy. Khỉ to dìu khỉ nhỏ, khỉ khỏe cõng khỉ yếu, đàn đàn lũ lũ xiêu vẹo, vất vưởng dắt díu nhau lê lết về phía bìa rừng…

Chẳng hiểu bầy khỉ có còn ở trong núi đá nữa hay đã chuyển đi nơi khác rồi mà vụ ngô nương tiếp theo không thấy chúng ra phá nữa.