NSND Thúy Mùi: Giọng chèo ngọt ngào ngày nào, giờ đã là một "đại gia"

ANTD.VN - Sau khi thôi đảm nhận chức Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thúy Mùi đã không lựa chọn việc lui về bên gia đình, tận hưởng những tháng ngày thảnh thơi. Trái lại, chị đang lao vào con đường khó mà không ít cánh mày râu cũng phải… “lắc đầu ngao ngán”.

Dạn dày kinh nghiệm quản lý

Về làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam, không có lương, không có bao cấp, cả nhân viên và sếp đều tự “bơi”, nhưng NSND Thúy Mùi lại khá hồ hởi với nhiệm vụ mới. Ngay khi đảm nhận cương vị này, chị đã dẫn “quân” đi biểu diễn vào dịp lễ hội năm 2018 rồi vòng qua Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và còn nhiều dự án nghệ thuật khác đang được chị lên kế hoạch và ra mắt trong thời gian tới.

Trong đó, có thể kể đến việc liên kết với các đơn vị lữ hành du lịch mở tour xem nghệ thuật truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, rồi dự án biến địa điểm 51 Trần Hưng Đạo (Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) thành một sân khấu biểu diễn chèo, tuồng, cải lương và cũng là nơi biểu diễn để tôn vinh các tên tuổi trong làng sân khấu, dự án số hóa dữ liệu về các nghệ sỹ sân khấu nổi tiếng của Việt Nam…

NSND Thúy Mùi cho biết, chị thấy may mắn khi làm lãnh đạo một đơn vị không được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nhờ cơ chế mới này, chị không bị gò bó và được tự do thực hiện các chương trình hút khán giả đến với rạp hát. Điều này trái ngược hoàn toàn với niềm lo lắng của những người đứng đầu đơn vị trước lộ trình tự chủ đang thực hiện. Tất nhiên, để có được sự tự tin ấy, Thúy Mùi đã có trong tay kinh nghiệm dày dạn từ những ngày còn làm quản lý tại Nhà hát Chèo Hà Nội và bản lĩnh của một “đại gia” sân khấu với nhiều chương trình nghệ thuật “đắt sô” ngay tại Thủ đô Hà Nội.

Nói không với các chương trình nhảm nhí

Với nhiều người, Thúy Mùi thực sự là một “đại gia” tận tâm khi làm đâu thắng đấy, đem lại đời sống khá giả cho các nghệ sỹ và rất “chịu chơi” khi mạnh tay thết đãi các nghệ sỹ. Do vậy, việc chị tiếp quản công việc mới tại Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo ra một làn gió mới cho tình hình sân khấu truyền thống hiện nay.

NSND Thúy Mùi chia sẻ, vì tình yêu của chị với sân khấu còn quá lớn, trong khi ấy, đứng nhìn các loại hình nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, chị muốn góp chút sức mọn cùng các nghệ sỹ yêu nghề khác, đưa khán giả trở lại với rạp hát.

Tiết mục của nhà hát Chèo Hà Nội

Có ngồi trò chuyện với chị mới biết, sân khấu Việt còn nhiều lắm những tấm lòng yêu mến các làn điệu kịch hát ngọt ngào và thấm đẫm tâm hồn Việt. Có chăng, cái khó ở đây là tìm ra những sợi dây kết nối giữa những người yêu mến và các nghệ sỹ. Và người nghệ sỹ này sẽ làm công việc ấy bằng sự tận tâm và sáng tạo.

Nhưng trong cơ chế thị trường, việc chạy theo lợi nhuận sẽ dễ làm người nghệ sỹ đánh mất mình. Bà giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam khẳng định, không phải đến bây giờ, chị mới đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu. Muốn gây dựng thương hiệu, đơn vị nghệ thuật ấy phải biết lấy yếu tố giải trí làm trọng và cân bằng với yếu tố nghệ thuật. Nếu một trong hai yếu tố ấy quá nặng, các chương trình sẽ có vấn đề.

Hay đúng hơn, dù tự nuôi nhau và một lần nữa dấn thân cùng nghề, nhưng chị sẽ nói không với các chương trình nhảm nhí. Nghệ thuật cần sự nâng niu và chăm chút trong từng câu hát, lời thoại.