Nỗi cô đơn trong không gian đô thị

ANTD.VN - Trong liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” lần thứ 7 sắp tới, chủ đề “Đô thị” được chọn như một điểm nhấn và phản ánh thời đại vừa thực tế, vừa độc đáo.

Nỗi cô đơn trong không gian đô thị ảnh 1Múa đương đại ngày càng đến gần hơn với khán giả Việt

Nữ nghệ sĩ Isabelle Schad, người cùng Laurent Goldring lên ý tưởng cho vở múa “Hang ổ” (kéo dài 45 phút), cũng là người trình diễn vở múa này chia sẻ: “Đi trên những con đường ở Việt Nam, điều khiến tôi dành sự quan tâm chú ý là hình ảnh người phụ nữ ngồi trên xe máy. Bởi lần đầu tiên tôi đến đất nước này, tôi đã cảm thấy thật ngạc nhiên. Tôi đặt câu hỏi, vì sao người phụ nữ đi ngoài đường che kín mít, không rõ ánh mắt, không thấy được nụ cười”. Isabelle có một niềm thắc mắc ngọt ngào: “Tuy nhiên, đến buổi tối, người phụ nữ Việt Nam lại chuyển mình khác hẳn, họ dịu dàng trong váy ngắn…”. 

Sự ẩn dụ thú vị

Rồi Isabelle nhận ra đó là vì khí hậu Việt Nam nắng nóng và hào hứng với mong muốn thể hiện tư duy, suy nghĩ của cô qua các góc nhìn từ một nền văn hóa khác. Dần dần, các ý tưởng “Hang ổ” mở ra, ẩn dụ về một khoảng không gian cá nhân cơ thể cần cho riêng nó. Muốn truyền tải tác phẩm tốt nhất, không thể thiếu được sự quan trọng của chất liệu. Cô đi sâu vào sự đối lập giữa có quần áo và không có quần áo: Quần áo như là lớp bảo vệ - ý tưởng thể hiện những chuyển động khác nhau. Mỗi chất liệu vải lại một đặc tính, có loại xuyên ánh sáng, có loại dày.

Từ ngày 20-9 đến 14-10-2017, tại Nhà hát Tuổi trẻ, Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) sẽ diễn ra Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” lần thứ 7 với các tác phẩm múa từ 6 quốc gia: Việt Nam, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Canada, Tây Ban Nha. Đặc biệt, liên hoan năm nay còn mở rộng thêm 3 triển lãm được trình bày dưới các hình ảnh tĩnh và động về chủ đề “Múa và Hình thể”. Các triển lãm mang tên: “Điêu đắp hang ổ”; “Điểm nhìn chung”; “Chuyển mình hứng khởi” nhằm chứng minh rõ: động lực sáng tạo trong không gian tạo ra những hình thức thị giác hoàn toàn mới mẻ độc đáo cho nghệ thuật múa.

Một điểm thú vị, không chỉ gói gọn trong không gian nhà hát, các nghệ sĩ đến từ Tây Ban Nha sẽ trình diễn ngay tại phố đi bộ Hoàn Kiếm và Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA. Không đạo cụ hay ánh đèn sân khấu, không phục trang cầu kỳ, các nghệ sĩ sẽ trình diễn ngoài trời, trên đất cứng.

Sự kết hợp hai yếu tố kịch và vũ đạo trong vở múa “Câu chuyện nhỏ trong một sự kiện dài” hứa hẹn tạo nên ấn tượng với khán giả Thủ đô. Và dòng chảy hàng ngày của người dân sẽ hòa cùng vở múa “Tape riot”, giữa âm thanh hỗn tạp của xe cộ, pha trộn với biển báo trên phố tạo nên một sự chuyển hướng thú vị của các luồng giao nhau…

Vẫn cứ len lỏi nỗi cô đơn

Có một điều vô hình khó lý giải khi con người ngày càng khác nhau và cách xa nhau, họ trở nên ích kỷ hơn, đôi khi cục cằn, yếu đuối hơn. Nỗi cô đơn không chỉ riêng ở châu Âu hay châu Á. Thông qua các tác phẩm múa, các nghệ sĩ thể hiện sự cô đơn của con người trong xã hội hiện đại và họ cũng muốn nói về không gian xung quanh. Vì không gian chính là thứ bao quanh con người về mặt vật lý và văn hóa.

Các nghệ sĩ đến từ mọi miền sẽ cung cấp cho khán giả những cách thức tiếp cận và hình thức biểu hiện nghệ thuật. Thực chất, múa đương đại không chỉ dành cho giới trẻ, có những người khoảng 60 tuổi vẫn đi xem. Ông Lê Hải Minh - Trưởng khoa Biên đạo và Huấn luyện, trường Cao đẳng Múa Việt Nam - trợ lý của nhà biên đạo Dieter Heitkamp vở “Stigmergy” bật mí: “14 nghệ sĩ trên sân khấu không đồng loạt nhưng là 14 chuyển động khác nhau”.

Ông Lê Hải Minh đưa quan điểm: “Múa đương đại mang yếu tố triết lý với nhiều tầng ý nghĩa. Ví như đối với đứa trẻ thì nước là một thứ bảo tồn sự sống; với thanh niên, nước là cà phê đắng không đường; với người phụ nữ, nước sẽ là sinh tố bơ làm đẹp”. Múa đương đại đi theo một chu trình, từ đôi mắt nhìn đến trái tim của khán giả, là cảm nhận, rồi đồng cảm. Nếu chưa hiểu có thể nhớ và quên, đến một phút giây nào đó sẽ tự thấu suốt.