Nở rộ các phiên đấu giá mỹ thuật dịp cuối năm

ANTD.VN - Dù còn nhiều bất cập trong hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật hiện nay nhưng sự nở rộ của các phiên đấu giá trong nước vào dịp cuối năm vẫn được xem như một tín hiệu tích cực của mỹ thuật Việt Nam. 

Phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam 

Các nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật đều cho rằng, các phiên đấu giá nghệ thuật như một hoạt động đánh thức sự quan tâm của mọi người đến thị trường mỹ thuật vốn đìu hiu nhiều năm nay.

Cuối năm ồn ào 

Không hẹn mà thành, tại hai trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội và TP.HCM liên tiếp diễn ra các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Hà Nội lần đầu tiên diễn ra phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được tổ chức bởi Công ty đấu giá Lạc Việt. Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu tháng 11-2016, TP.HCM lại ồn ào với phiên đấu giá gây nhiều tranh cãi xung quanh tính xác thực về tác phẩm của họa sỹ Bùi Xuân Phái, sau khi đấu giá, bức tranh được bán với giá kỷ lục 2,3 tỷ đồng. 

Cũng vì các phiên đấu giá nghệ thuật mới xuất hiện, lại diễn ra trong bối cảnh thị trường mỹ thuật Việt Nam chưa hình thành nên sự chỉn chu, chuyên nghiệp là điều không thể có trong một sớm một chiều. Hầu hết thông tin về phiên đấu giá được biết đến dựa vào phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong khi ấy, với các nhà đấu giá chuyên nghiệp nước ngoài như Sotheby, Christine… đều thiết lập một kênh thông tin riêng nhờ vào website và nắm trong tay các nhà đấu giá quốc tế. Hơn thế, trình tự các bước để tổ chức các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật trong nước còn chưa đúng quy trình. Đặc biệt là khâu thẩm định tác phẩm còn yếu và gần như bỏ trống. Việc các bức tranh giả có mặt trong các phiên đấu giá không phải là chuyện hiếm.

Hơn nữa, việc các phiên đấu giá chỉ nở rộ vào dịp cuối năm lại cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của thị trường mỹ thuật Việt Nam, với thói quen mua bán tác phẩm diễn ra vào một thời điểm cố định trong năm. Ấy là lúc Tết đến xuân về, nhà nhà sửa sang đón năm mới thì nhu cầu mua tranh về treo mới xuất hiện.

Bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của Bùi Xuân Phái được đấu giá tới gần 2,3 tỷ đồng nhưng bị tố là tranh giả

Dự báo khả quan

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận xét: “Ở phiên đấu giá nghệ thuật lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, tôi không cảm nhận được sự sang trọng cần thiết. Việc điều hành và tổ chức phiên đấu giá còn nghiệp dư, chưa rõ ràng về các bước”. Nhưng dẫu sao, việc đấu giá nghệ thuật diễn ra thời gian gần đây lại đưa ra những dự báo khả quan về thị trường mỹ thuật Việt Nam như nhu cầu của người dân về mua bán tranh đang có xu hướng tăng và hoạt động giao dịch đã tiến hành công khai, qua đơn vị trung gian, không dừng lại trong phạm vi nhỏ hẹp và mang tính trực tiếp giữa tác giả và người mua tranh. Đó là sự khởi động để hình thành thị trường mỹ thuật Việt Nam. 

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật Việt Nam): “Các phiên đấu giá trong nước đang gặp vấn đề trong quy trình tổ chức là bởi các đơn vị điều hành, tổ chức không phải các nhà đấu giá chuyên nghiệp. Đặc biệt, với đấu giá từ thiện, sự thiếu cẩn trọng của các nhà tổ chức bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết và các “scandal” mỹ thuật đã có dịp bùng phát từ các phiên đấu giá như thế. Tuy nhiên, để thị trường mỹ thuật trong nước định hình trọn vẹn, Việt Nam sẽ phải trải qua các bước này”. 

Cũng theo nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, để từng bước chuyên nghiệp các khâu tổ chức trong đấu giá nghệ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước bắt buộc phải mạnh. Sự tác động qua lại của hai yếu tố này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào quá trình mua bán tác phẩm, tác động tích cực tới đời sống của người nghệ sỹ.

 Do vậy, khi thị trường mỹ thuật Việt Nam còn chưa hình thành thì việc đòi hỏi hay so sánh các phiên đấu giá trong nước với quốc tế là hoàn toàn khập khiễng. Chỉ biết rằng, tín hiệu tích cực, lạc quan từ các phiên đấu giá như thế đã rất rõ ràng và chỉ ra một tương lai gần cho mỹ thuật Việt Nam.