Nhớ trò chơi trẻ thơ một thuở

ANTD.VN - Như con trẻ ở các vùng miền trên cả nước, con trẻ ở Hà Nội cũng rất thích các trò chơi dân gian. 

Nhớ trò chơi trẻ thơ một thuở ảnh 1Như con trẻ ở các vùng miền trên cả nước, con trẻ ở Hà Nội cũng rất thích các trò chơi dân gian. 

Nhưng do sống ở đô thị nên  trẻ con Hà Nội lại có các  trò chơi riêng. Ngoài chơi các trò chơi dân gian như: nhảy dây, đánh chuyền, ô ăn quan… đám con gái cũng thích chơi đồ, búng chun, cá ngựa, trí uẩn… Đám con trai cũng có nhiều trò để chơi nhưng có lẽ bóng đá là trò được thích nhất.    

Từ  những năm 1920, trẻ học tiểu học, trung học cơ sở ở Hà Nội đã chơi bóng đá. Bóng đá vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo nhưng cũng là trò chơi tập thể. Bất cứ khoảng trống nào trong phố cũng trở thành sân bóng cho lũ trẻ. Trò chơi này được duy trì đến thời bao cấp. Cứ buổi  chiều, nhất là mùa hè, trong công viên Thống Nhất, Bách Thảo, ngã tư vắng xe cộ  đều có “đội bóng phố tôi”.  Lứa  nhi đồng  đá bằng bóng cao su, thiếu niên đá bóng da. Bên trong quả bóng da  là  véc xi  cao su, khi bơm căng phải nhét đầu véc xi vào trong nên quả bóng hiếm khi tròn. Quả bóng lăn suốt ngày và lũ trẻ dường như không biết mệt.

Một trò khác mà cả con trai con gái đều chơi được và thích là sô vê.  Sô vê (sauver) tiếng Pháp nghĩa là cứu nhưng  trẻ không gọi là chơi cứu mà quen gọi là sô vê. Trò này  chia làm  2 nhóm, số  người của mỗi  nhóm có thể nhiều hay ít tùy theo số trẻ tham gia  nhưng  phải bằng nhau. Sau khi đại diện 2 nhóm “oẳn tù tì”, nhóm  thua phải làm “quân gian”, nhóm thắng sẽ là “cảnh sát”. Nhóm “cảnh sát” có nhiệm vụ  đi bắt “quân gian” trong một con phố mà 2 nhóm đã thống nhất. Khi  phát hiện ra “quân gian”, “cảnh sát” đuổi theo và phải đập vào  “quân gian” 3 cái, nếu chỉ đập được 2  là chưa bắt được.

Sau khi bắt được “quân gian”, “cảnh sát” đưa về “đồn” (là góc phố hay cột điện). Đồn luôn  có “cảnh sát” bảo vệ vì “quân gian” lúc nào cũng rình để cứu đồng bọn. Nếu phe “quân gian” xông vào cứu và  đập vào đồng bọn 3 lần coi như cứu được và “quân gian” được giải thoát sẽ hô: sô vê. Trò chơi luôn gay cấn vì một  nhóm lúc nào cũng muốn bắt còn nhóm kia lúc nào cũng tìm cách cứu đồng bọn. Có khi  đến khuya mà “cảnh sát” vẫn chưa bắt hết “quân gian” nhưng  đành phải giải tán về nhà  vì đến giờ đi ngủ.

Ở Hà Nội có một trò chơi xếp hình khơi gợi trí tưởng tượng không chỉ con trẻ mà cả người lớn cũng bị cuốn vào là chơi Trí Uẩn. Trò  này được thiếu nhi Hà Nội say mê ngay cả khi đi sơ tán và chơi cả trong lúc ở dưới hầm tránh bom Mỹ.  

Có rất nhiều trò khác “rất Hà Nội”  xuất hiện  thời bao cấp như:  xèng, cá chọi, búng chun, móc hình từ dây, đồ, bắn súng phốc bằng quả cây cơm nguội... Xèng được làm từ nắp chai bia Trúc Bạch đập phẳng ra. Khi chơi, đồng xèng được  rải xuống đất sau đó dùng cái đúc bằng chì chọi vào các chỗ quân xèng dính vào nhau, các quân tan ra là ăn. Vì cha mẹ không thích con cái chơi món  này nên lũ trẻ thường giấu  xèng  trong túi quần, thế nhưng đồng xèng rất sắc nên túi quần bị  rách. Khi giặt quần áo, bố mẹ  thấy túi quần rách biết ngay con mình đã đánh xèng. Còn chơi cá   chọi thường bắt đầu kỳ  nghỉ hè.

Lũ trẻ quần đùi áo may ô đến chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Hàng Bè, có đứa đi tàu điện lên Yên Phụ rồi cuốc bộ vào  làng Nghi Tàm mua  cho rẻ. Chúng suốt ngày chăm những con cá màu tím than, ra cống móc giun cho cá ăn, cho tập vè trước gương chuẩn bị cho cuộc đấu. Và thường buổi trưa trốn ngủ, mấy đứa rủ nhau ra góc phố chọi cá. Đứa nào cũng có “đồng bọn” đi cùng để hò hét cổ vũ. Khi chúng oang oang, người già ở phố  ra la mắng, chúng lại bê lọ cá chạy ra chỗ khác cho chọi tiếp. Nhưng vui nhất là chơi hội  đồng tổng cốc.

Lũ trẻ quây quần và “oẳn tù tì”, đứa nào thua phải cúi đầu làm tội đồ. Khi tội đồ  ngẩng đầu lên nhìn xung quanh dò xét đứa nào đã cốc mình thì  cả lũ mặt cô hồn nhìn nhau cứ như mình vô can. Nếu đoán đúng  đứa  cốc, thì đứa đó phải làm tội đồ  còn sai lại tiếp tục cho đến khi đoán đúng. Thỉnh thoảng  đứa đầu trò  nháy mắt ra hiệu  tất cả thông đồng nên tội đồ có đoán đúng  chúng vẫn bảo sai và  dù ức nó vẫn phải cúi đầu tiếp.  

Đến Tết Trung thu thì càng có nhiều đồ để  chơi. Có đứa  được bố mẹ chiều, đèo lên tận phố Hàng Thiếc mua cho cái tàu thủy bằng sắt tây. Tàu thủy có nhiều loại nhưng dài  nhất cũng  không quá 20cm. Thế là rủ đám trẻ cùng phố ra hồ rồi gắn miếng  xà phòng  vào đuôi tàu, xà phòng gặp nước tan ra đẩy tàu chạy phía trước. Có khi tàu chạy ra giữa hồ thì  hết xà phòng. Gió thổi đẩy tàu xa hơn thế là một đứa đành phải cởi quần áo bơi ra mang vào bờ. Lại có lúc xà phòng gắn lệch nên tàu chạy lệch thế là chìm nghỉm. Vài đứa chổng mông lặn mò mãi mới thấy. Đêm Trung thu thế nào các chị lớn tuổi cũng tổ chức rước đèn ông sao. Tay cầm đèn đi thành hàng, có đứa còn  mặt đeo mặt nạ Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, chú Tễu hay Phăng-tô-mát trông ngộ nghĩnh. 

Trong khi  chơi  các trò thế  nào cũng cãi nhau, đứa này bảo đứa kia ăn gian. Rồi làm hòa và chơi tiếp nhưng cũng có khi không dàn hòa được phải giải tán, hôm sau  lại rủ nhau chơi như chưa từng xảy ra chuyện gì.  

Cùng với sô vê, nhiều trò chơi của con trẻ Hà Nội  một thời nay  không còn. Chẳng thấy cảnh  ba bốn đứa  trẻ chụm đầu chơi cá ngựa, chẳng  còn đội bóng  phố tôi vì đô thị ngày càng chật hẹp, đông đúc. Nhớ  những trò chơi lấy vui là chính và  thương con trẻ ngày nay không có tuổi thơ trọn vẹn vì  bị cuốn vào học thêm.