Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc

ANTD.VN -Từ ngày 15-7 đến 24-7-2018, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24-7-1968/24-7-2018) và tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ chủ trì, phối hợp phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc ảnh 1

Cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong được đặt ở vị trí gần trung tâm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, trên triền núi Mũi Mác

Theo đó, tối 21-7 tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi: “Đồng Lộc – Ngã ba vận mệnh"  tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Lễ kỷ niệm là hoạt động để nhân dân tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, các lực lượng làm nhiệm vụ và 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Cùng với đó, cũng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và tại một số địa điểm của tỉnh Hà Tĩnh, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được tổ chức như: chương trình gặp mặt các cựu thanh niên xung phong tiêu biểu; lễ cầu siêu các liệt sĩ; lễ khánh thành Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc (ngày 15-7); hội thảo khoa học “Chiến thắng Đồng Lộc – Giá trị hiện thực và lịch sử” (ngày 19-7); chương trình Hội quân; công diễn và trao giải cho các tác phẩm chất lượng viết về thanh niên xung phong và viết về Đồng Lộc; lễ thắp nến tri ân…

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc.

Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội 4, Đại đội 552 (được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành) gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24.

Trưa 24-7-1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lấy chồng.

Địa danh Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Đã 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng, dùng ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của địch.

Những chiến sĩ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Chiến thắng Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.