Nhạc sỹ Văn Cao và tuyệt khúc dự báo lịch sử

ANTĐ - Người nghệ sĩ tài năng có những linh cảm lạ lùng khi sáng tạo. Có thể đó là một sự kiện chưa từng đến, mà vẫn viết như thật. Bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao là một trường hợp như thế… 

Nhạc sỹ Văn Cao và tuyệt khúc dự báo lịch sử ảnh 1Nhạc sĩ Văn Cao cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Từ khát vọng hòa bình cháy bỏng…

Lời bài hát gợi hình ảnh ngày giải phóng, trong tưng bừng cờ hoa đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về… Không có được trải nghiệm gắn với linh cảm của thiên tài thì ai dám viết về khung cảnh tưng bừng ấy trong lúc cuộc chiến tranh vẫn còn căng thẳng. Không khí ấy, giai điệu ấy là tiếng reo ca vui đón hòa bình...

“Tiến về Hà Nội” của tác giả Văn Cao, sau 60 năm được xem là ca khúc hay nhất viết về sự kiện Giải phóng Thủ đô. 60 năm từ ấy đến nay, mỗi khi đến ngày lễ trọng đại 10-10, loa phóng thanh lại vẳng lên ca khúc hào hùng, làm lay động lòng người, không chỉ ở Thủ đô: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh/Chúng ta ươm lai hoa sắc hương phai ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên/Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về/Hà Nội bừng tiến quân ca”.

Về hoàn cảnh ra đời bài hát, tôi nhớ có lần đến thăm nhạc sỹ Văn Cao, tôi tò mò hỏi: “Làm sao mà bác dự báo giỏi thế,  khi “Tiến về Hà Nội” ra đời trong lúc kháng chiến đang căng thẳng và ác liệt?”. Ông thủng thẳng đáp: “Có gì đâu. Đó là khát vọng hòa bình cho đất nước. Không riêng gì tôi mà cả dân tộc này đều luôn mong đợi đón chờ ngày đó. Ngày ấy đi kháng chiến, trong nỗi nhớ Thủ đô, lòng chỉ mong sớm đến ngày chiến thắng để được gặp lại Hà Nội thân yêu.

Thế rồi trong một đêm mùa thu năm 1949 ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, sự mong chờ và khát vọng hòa bình, lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô đang đến thôi thúc tôi viết một bài hát chuẩn bị cho  ngày giải phóng. Cảm hứng tự nhiên đến sau khi anh Lê Quang Đạo ngỏ lời dặn tôi hãy viết một ca khúc về Hà Nội. Vậy là đêm ấy, nốt nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi, “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”.

Hồn thiêng Hà Nội trong bản khải hoàn ca bất hủ

Nhưng số phận bài ca cũng gặp lận đận. Ngay sau khi ra đời đã bị chê là lãng mạn, là “lạc quan tếu”. Và bài hát nằm im chờ đợi… 5 năm sau, ngày ấy đã đến thật sự và cả Hà Nội cất lên những giai điệu hào hùng mang khí thế chiến thắng y như mô tả trong ca khúc của Văn Cao. Ông ngậm ngùi kể: “Tiếc là ngày Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về tôi vì bận đi công tác nên không có mặt trong giờ phút thiêng liêng đó để được chứng kiến một cảnh tượng tưng bừng và náo nhiệt chưa từng có với rừng người tay cầm cờ hoa vẫy chào đoàn quân tiến vào Thủ đô, trong tiếng loa phóng thanh của bài hát “Tiến về Hà Nội”.

Thiên tài ở chỗ ông không chỉ viết một cách ước đoán, dự báo về không khí hào hùng rộn rã reo vui mà còn đúng với khung cảnh phố phường Hà Nội ngày 10-10-1954. Bây giờ xem lại những bức ảnh cũ, như bức đoàn quân viễn chinh Pháp rút qua cầu Long Biên hay bức ảnh tướng Vương Thừa Vũ cười rất tươi trong vòng vây chào đón của người Hà Nội bên hồ Gươm hay xem lại những thước phim cũ quay cảnh dòng người tràn ra phố chào mừng chiến thắng, lòng ta cảm động vô cùng và thấy cuộc đời khi ấy thật đáng sống. Đó là những ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời trong hòa bình tự do…

61 năm, mỗi khi ca khúc được cất lên là mỗi người Hà Nội lại thấy lòng rộn rã vui xen lẫn tự hào. Lại một lần nhớ tác giả  ca khúc khải hoàn ấy… Tôi còn nhớ cái ngày tiễn Văn Cao về nghĩa trang Mai Dịch chiều ấy, hoa Hà Nội không đủ để viếng người nhạc sĩ tài hoa. Đó là tình cảm người Hà Nội dành riêng cho ông.