Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Nếu chỉ có vốn sống thì ai cũng có thể viết văn

ANTĐ - Mới 30 tuổi nhưng Văn Thành Lê là tác giả của gần 10 cuốn sách như: Hình như là tình yêu, Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Con gái tuổi Dần, Biết khi nào mưa thôi rơi, Không biết đâu mà lần… Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Thừa ra một người (NXB Trẻ); nhân dịp này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà văn này.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Nếu chỉ có vốn sống thì ai cũng có thể viết văn ảnh 1

Mỗi người viết có một lựa chọn riêng 

- Nhiều người biết đến anh là tác giả của gần 10 cuốn sách với nhiều đối tượng độc giả. Để chinh phục nhiều đối tượng như vậy, hẳn là không phải dễ? 

- Đúng là chinh phục đa dạng đối tượng độc giả thật không dễ. Vẫn biết mọi thứ ngày càng hướng tới sự chuyên môn hóa. Nhưng với tôi mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, viết từ thời tuổi mới lớn nên văn dành cho tuổi mới lớn, rồi theo thời gian suy nghĩ cũng lớn lên được chút ít lại viết lớn hơn nữa. 

- Ngay lúc này, anh muốn bạn đọc biết đến nhà văn Văn Thành Lê của đối tượng nào?

  

- Tôi mong bạn đọc của tôi đều nghĩ rằng tôi muốn chia sẻ những câu chuyện trong cuốn sách ấy cùng họ. Nghĩa là đừng đóng khung tôi vào khoảng nào cả. 

- 16 truyện ngắn của “Thừa ra một người”, chỉ duy nhất có truyện “Người canh sương” là viết về đề tài chiến tranh, hậu chiến. Vì sao có sự “lạc lõng” như vậy? 

- Với “Người canh sương”, chủ ý của tôi không phải là đề tài chiến tranh, hậu chiến. Chỉ đến cuối truyện mới bật ra chi tiết nhỏ liên quan chút ít về hậu chiến. Bởi vậy, tôi nghĩ không có sự “lạc lõng” nào của “Người canh sương” so với tổng thể tập truyện. Nếu có gì đó, thì “Người canh sương” làm cho tập truyện trở nên phong phú, đa chiều hơn mà thôi.

- Viết về chiến tranh, hậu chiến là đề tài rất khó nếu không có sự trải nghiệm và thấu hiểu. Theo anh, khó khăn của anh và các nhà văn trẻ nói chung khi viết về đề tài này là gì? 

- Mỗi người viết đều có lựa chọn riêng, ở những thời điểm khác nhau họ hướng đến đề tài khác nhau. Tất nhiên với người viết trẻ, không có trải nghiệm chiến trận là một trở ngại không nhỏ. Tuy nhiên, văn chương viết về chiến tranh trong mắt người đi ra từ cuộc chiến thế hệ cha anh đã làm xong rồi, và người viết trẻ không nhất thiết phải viết như vậy nữa. Người trẻ có lợi thế là với độ lùi thời gian nhất định, cách nhìn về cuộc chiến được soi chiếu ở nhiều góc độ hơn, cởi mở hơn... Khó khăn nhất với người viết trẻ là có thực sự muốn mổ xẻ, nhìn lại cuộc chiến dưới góc nhìn của mình và thời đại mình hay không? Khi muốn, chắc chắn họ sẽ có cách để tiếp cận đề tài này.

Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Nếu chỉ có vốn sống thì ai cũng có thể viết văn ảnh 2

Năng lực tưởng tượng quyết định tầm của người viết 

- Nhà văn Đoàn Thạch Biền từng cho rằng, thiếu vốn sống, năng lực tưởng tượng, không thể làm nhà văn. Anh nghĩ sao về ý kiến này? 

- Tôi đồng cảm với ý kiến ấy. Cụ thể hơn một chút, vốn sống được hiểu là được dung nạp từ trải nghiệm cá nhân, tri giác nhặt nhạnh xung quanh mình và tiếp nhận từ sách vở, tri thức từ sách vở. Nếu chỉ vốn sống thôi thì bất kể người sống thâm niên nào đã thoát nạn mù chữ, cũng đều có thể viết văn. Vốn sống là điều kiện cần nhưng chính năng lực tưởng tượng sẽ quyết định người viết đấy ở tầm nào. 

- Tự nhận mình là người thích tưởng tượng, nhưng rồi anh lại phát biểu: “Tôi sẽ chỉ viết được những gì mà tôi đã “đi guốc vào bụng” nó”. Có điều gì mâu thuẫn ở đây không?

- Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Những gì mà tôi đã “đi guốc vào bụng” là “bột”, cộng hưởng với tưởng tượng tôi mới có thể gột nên “hồ” là tác phẩm. Khả năng tưởng tượng chỉ thực sự phát tác và có ý nghĩa khi được đứng trên nền vốn sống/hiện thực chắc chắn, nghĩa là đứng chân trên những gì mình “thuộc” nhất. Văn chương phải bắt nguồn và mang hơi thở của bộ mặt cuộc sống, dĩ nhiên ở đó con người là trung tâm. Nếu không vậy, hẳn nhiên người viết sẽ tự cô lập mình với bạn đọc.