Nhà văn Nguyễn Quang Thiều ngậm ngùi vì không được ghi tên tác giả văn học trong "Khát vọng"

ANTD.VN - Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đăng tải trên trang cá nhân chuyện, tác phẩm “Mùa hoa cải bên sông” của ông được chuyển thể thành kịch nói, và được giải quốc tế, song tên tác giả văn học không hề được nhắc đến.

Cụ thể, vở 'Khát vọng' do NSƯT Lâm Tùng - Nhà hát Kịch Việt Nam làm đạo diễn, tác giả kịch bản: Tạ Xuyên vừa đoạt cùng lúc 6 giải thưởng tại Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc). Đó là các giải thưởng Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Diễn viên Ngô Thuận đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, NSƯT Lâm Tùng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Trước đó, vở kịch cũng từng được Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu Thủ đô năm 2016 và được giải B của hội Nghệ sỹ sân khấu năm 2017. 

Poster vở kịch “Khát vọng” không ghi tên tác giả văn học là Nguyễn Quang Thiều.

Dù giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, song trên tờ poster giới thiệu về vở kịch, Nhà hát Kịch Việt Nam đã không đề tên kịch bản văn học: Nguyễn Quang Thiều.

Điều đó làm nhà văn Nguyễn Quang Thiều không khỏi cảm thấy ngậm ngùi: "Đạo diễn Tạ Xuyên đã chuyển thể truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" thành vở kịch này. Cho dù người ta không nói đến tác giả truyện ngắn nhưng nhiều bạn đọc vẫn nhận ra vở kịch chuyển thể từ truyện ngắn trên của tôi".

Theo nhà văn, nhà biên kịch Xuân Đức: nếu kịch bản sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học thì phải ghi rõ tên tác giả văn học và phải trả cho bản quyền văn học là 20%. Trong sân khấu, số tiền này không phải ít bởi nhuận bút kịch bản trung bình đều từ 80- 150 triệu.

Dẫu vậy, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gửi lời chúc mừng tới các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông còn cho đăng tải lại nội dung của tập truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" để mọi người nắm được tinh thần vở kịch vừa đoạt giải. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện một gia đình làng chài sinh sống quanh năm trên mặt nước, vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố đã quyết định để mối hận đó thành truyền kiếp, bắt các con tuyệt giao với những người trên bờ.

Cuộc sống trên con thuyền nhỏ chật hẹp, bí bức đã làm cho những thành viên trong gia đình luôn sống trong cảnh tù túng, khó chịu. Họ khó chịu với những người xung quanh, với chính bản thân mình. Cuộc sống cứ như vậy cho đến khi cô con gái út quyết định phá bỏ lời nguyền truyền kiếp của gia đình để chuyển ngôi mộ của bà mẹ lên bờ và xây dựng hạnh phúc của mình cũng ở trên bờ… và rồi cô đã thay đổi được cuộc sống của chính cô và những người thân…

Truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông" của nhà văn Nguyễn Quang thiều, từng được đạo diễn Khải Hưng dàn dựng thành bộ phim truyền hình nổi tiếng "Lời nguyền của dòng sông". Bộ phim gắn liền với tên tuổi của cố NSND Trịnh Thịnh.