Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: "Động chạm" vào...tình yêu!

ANTĐ - Nếu nghe nói Nguyễn Ngọc Tiến viết về tình yêu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là một điều gì đó ngoài sở trường của ông, bởi xưa nay, người ta chỉ thấy ông cặm cụi, cần mẫn ghi chép, khảo cứu về Hà Nội. Vậy mà trong cuốn tiểu thuyết “Mong manh”, Nguyễn Ngọc Tiến đã dựa vào tình yêu, nhờ tình yêu để kể về con người, về cuộc sống ở Hà thành thời chiến. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: "Động chạm" vào...tình yêu! ảnh 1 

Câu chuyện chiến tranh

Tiểu thuyết “Mong manh” ban đầu là kịch bản phim được Nguyễn Ngọc Tiến xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật ông từng chứng kiến. Nhân vật chính Liên Khê là người ông đã gặp ngoài đời từ khi còn đi học và tình học trò của chị ám ảnh ông đến hôm nay. Chuyện tình của Liên Khê với Thanh, một cậu học sinh nghèo sống ở bãi sông Hồng được đặt vào bối cảnh khi Hà Nội rung chuyển bởi bom đạn của không quân Mỹ.

Cũng giống như bao người cùng trang lứa, hai người phải tạm rời xa mái trường, chia tay bạn bè sơ tán về những vùng quê. Trên không trung là những chiếc máy bay gieo chết chóc, dưới mặt đất là những toan tính, mưu mô của người lớn, cùng với thành kiến sai lầm trong xã hội khi đó là rào cản ngăn họ đến với nhau. 

Nhà văn đã dùng nhiều thủ pháp đưa đẩy, tạo kịch tính khiến cho đôi bạn trẻ luôn ở trong 2 chuyến tàu ngược chiều. Lối kể chuyện nhẹ nhàng, ẩn ý trong mỗi đoạn văn khiến người đọc phần nào mường tượng sự trắc trở của tình yêu thời chiến.

Theo tác giả, chuyện tình của Thanh và Liên Khê không phải là trường hợp hiếm gặp trong hoàn cảnh chung của xã hội lúc bấy giờ. “Vào thập niên 60 thế kỷ trước, dù xã hội có những quan niệm khác xưa nhưng ở thị thành, trai gái nảy nở tình yêu, ra đường chẳng bao giờ dám công khai một cái nắm tay. Thậm chí đến nhà nhau chơi, nếu không có ai ở nhà thì dứt khoát phải mở cửa để tránh những đàm tiếu bên máy nước công cộng, rằng con nhà ý, con nhà nọ…”, ông chia sẻ. 

Đọc cuốn sách có thể nhận thấy đây không hoàn toàn là một câu chuyện tình yêu đơn thuần. Nói như Nguyễn Ngọc Tiến thì “tình yêu chỉ làm trôi đi tất cả những điều khác, khiến cho những việc khó nói trở nên dễ diễn đạt hơn”. Đó là định kiến nặng nề đã làm cho một bộ phận con em các gia đình tư sản lúc bấy giờ rất khó khăn khi chọn tương lai bản thân.

Đó là vì địa vị, vì danh lợi  khiến người ta sẵn sàng đặt nhiều thứ cao hơn tình yêu và hạnh phúc gia đình. Một người mẹ như cô Tâm, chấp nhận đánh đổi nhân phẩm để chồng tiếp tục được ở lại nước ngoài làm luận án Phó Tiến sỹ thay vì về nước sẽ đối mặt với tương lai không được đảm bảo, khi chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc.

Nhân vật Tâm toan tính và hành động vô cùng mong manh, như đi trên dây, có thể mang lại sự yên ổn cho gia đình mình nếu không bị phát giác hoặc cũng có thể sẽ mất hết nếu bị lộ. Về đạo đức, người đọc có thể lên án nhân vật Tâm nhưng ở góc độ người  mẹ, người vợ thì đó là sự hy sinh dù đó là toan tính “ngu dại đàn bà”.  

Và khát vọng hòa bình

Trong lần “động chạm” hiếm hoi vào mảng đề tài tình yêu, không thấy Nguyễn Ngọc Tiến gượng gạo hay lúng túng trên con chữ, bởi ông đã gia giảm, thêm nếm những gia vị rất Hà Nội, sở trường mà người ta thấy được của Nguyễn Ngọc Tiến trong những tác phẩm khảo cứu trước đây. Những chi tiết Nguyễn Ngọc Tiến bày ra trong tác phẩm khiến một lớp người từng “sống một thời như thế” ở Hà Nội đều thấy ăm ắp nhớ thương.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: "Động chạm" vào...tình yêu! ảnh 2

Những tinh hoa ẩm thực Hà Nội được tác giả khéo léo gợi lại, đánh vào cảm thức người đọc, từ que kem cốm “ăn một lần là nghiện” ở những hiệu kem Cẩm Bình, Hòa Bình, món chả nhái thơm lừng ở làng Khương Thượng, món xôi bình dân ở làng Hoàng Mai không ai  không biết, rồi phở Thìn Bờ Hồ lúc nào cũng nườm nượp khách bởi bát phở ngon và người bán láu lỉnh, cái láu lỉnh chân thành của anh chàng thị dân.

Không khí phố phường Hà Nội ngày nào gần như sống dậy với những Hàng Buồm, Tạ Hiện với những món chim bồ câu quay, vịt tiềm thuốc bắc và cả những tiếng tàu điện leng keng từ Hàng Bài vọng lại… 

Người đọc cũng thấy trong “Mong manh” sự vội vã vất vả của Hà Nội những ngày sơ tán. Một Hà Nội lo sợ nhưng không hoảng loạn, một Hà Nội ngột ngạt trước ngày Mỹ tuyên bố ném bom miền  Bắc và cả tháng năm bom rơi đạn nổ. Việc Liên Khê thi vào đại học quân sự là thái độ của lớp trẻ với kẻ xâm lược. Cái chết của Thanh vì bom Mỹ bên kia cầu Long Biên là hình ảnh tố cáo chiến tranh, đó cũng là thông điệp phản đối chiến tranh mà tiểu thuyết “Mong manh” muốn gửi tới người đọc.