Nhà văn Di Li: Dùng "dao bọc lụa" để mổ xẻ cuộc sống

ANTĐ - Trong cuốn tản văn “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”, nữ nhà văn Di Li đã dựng được tuýp người trong xã hội đương đại như “anh chàng đu đủ sữa”, một Em Chã thứ hai trong xã hội hiện đại, “cô nàng nước lọc” nhàn nhạt, vô vị… Đấy chính là cái tài của chị mà theo nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá “Di Li viết tản văn sắc lẹm nhưng khác với Phan Thị Vàng Anh, “con dao” này được bọc một tấm vải lụa mỹ miều”. 
Nhà văn Di Li: Dùng "dao bọc lụa" để mổ xẻ cuộc sống ảnh 1

- PV: Sự sắc sảo trong cuốn tản văn của chị được ví như con dao, đụng vào là đứt tay. Nhưng điều khó hiểu ở đây tại sao còn bọc nó trong “lớp vải lụa” êm ái?  

- Nhà văn Di Li: Cuốn tản văn “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt” là một cuốn sách hướng thiện, hướng con người ta sống tốt hơn. Ở đó, tôi đặt ra những vấn đề rất nóng hiện nay trong cuộc sống gia đình như người già 60, 70 tuổi có được yêu không? Khi chia tay nên có thái độ như thế nào với người “cũ”… Đó là những câu chuyện thường ngày của cuộc sống nhưng rất nhiều gia đình đã vấp phải và không thoát ra được. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi luôn đứng về phía người phụ nữ, tôi viết cuốn sách này để tôn vinh những người vợ, người mẹ đã hy sinh cuộc sống cá nhân cho chồng, cho con. Người phụ nữ trong mọi thời đại đều cần được che chở và yêu thương. Chính vì thế, những câu chuyện vụn vặt tôi viết trong cuốn sách dù sắc sảo, mạch lạc đến đâu thì tôi luôn muốn bọc cho nó một tấm vải lụa mềm mại, mượt mà bằng thái độ yêu thương và nâng niu “một nửa thế giới”. 

- Dùng thủ pháp nói ngược với quan điểm của số đông để diễn đạt các vấn đề liên quan đến hôn nhân, hạnh phúc gia đình và ngược ngay cả cái tên của cuốn sách, Di Li không sợ bị “bật” lại sao?

- Tôi có thói quen làm việc gì cũng phải “nói có sách, mách có chứng” nên khi viết cuốn sách này, tôi không nói theo ý chủ quan của mình bằng việc đưa ra nhận xét vu vơ. Tôi có thể tự tin nói rằng, cuốn sách này không chỉ là một cuốn tản văn mà còn là một cuốn sách thống kê rất đầy đủ và chi tiết. Từ tỉ lệ ly hôn, tỉ lệ chênh lệch giới tính đến bao nhiêu cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài đều được thống kê rất chính xác và đầy đủ.

Có thể, những số liệu ấy không thể tổng quát hết hiện trạng của gia đình Việt Nam hiện nay nhưng cũng đủ để trở thành một phần của bức tranh xã hội đương đại. Tôi cũng đoán biết được việc mình đi ngược lại với số đông sẽ phải đón nhận những cuộc tranh luận không có hồi kết. Không phải đến bây giờ, cuốn sách mới bị phản biện mà ngay từ khi còn là bản thảo, từ khi chỉ là những bài viết đăng tải trên trang cá nhân của tôi, Di Li đã bị “bật” lại. Nhưng dựa vào phần cứ liệu xác thực, tôi tự tin đến 99,9% vào bản thân mình nếu buộc phải tranh luận một lần nữa. 

Nhà văn Di Li: Dùng "dao bọc lụa" để mổ xẻ cuộc sống ảnh 2Bìa cuốn sách “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt”

- Chị có dám đưa ra một lời thách đấu nếu ai đó chỉ ra được điều chị nói ngược là sai?

- Nếu có độc giả nào bẻ gãy được những lập luận Di Li đã viết trong cuốn sách thì tôi sẽ cảm kích vô cùng. Điều thú vị của các cuộc tranh luận mang tính xây dựng luôn mang lại cho hai bên những thông tin lý thú. Nhưng tôi tin mình đã đúng với thái độ làm việc nghiêm túc và chỉn chu. 

- Dù chị nói rằng, các câu chuyện trong cuốn sách đều là các vấn đề của đời sống. Nhưng ở đó, độc giả còn thấy cả đời sống của nhà văn Di Li?

- Tất cả những câu chuyện tôi viết đều không nằm ngoài đời sống của tác giả. Từ chuyện mẹ chồng nàng dâu, người “cũ”, người “mới”, đàn ông và đàn bà có nên làm bạn với nhau không? Tôi đều đã trải qua và rất hiểu những vấn đề này. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của tôi lại hoàn toàn logic, không hề có ý chủ quan nào ở đây. 

- Điều độc giả quan tâm khi đọc cuốn sách của chị là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: phụ nữ cần gì nhất ở đàn ông? Liệu Di Li đã làm thỏa mãn độc giả?

- Câu trả lời đã được Di Li viết bằng 3 câu chuyện khác nhau trong cuốn sách. Còn câu trả lời đó đã làm thỏa mãn độc giả chưa thì phụ thuộc vào người đọc.  

- Sự tỉnh táo, ngăn nắp và logic có phải là một trong những cách giúp chị có thể làm được nhiều việc cùng lúc?

- Với một số người, quản lý bản thân còn khó khăn hơn quản lý người khác. Thật may, Di Li lại được trời phú cho sự tỉnh táo, ngăn nắp và logic. Tôi phải làm cùng lúc 5 đến 6 việc nên nếu không quản lý được bản thân thì không thể làm được gì khác. 20 năm qua, tôi làm việc liên tục không ngừng nghỉ, kể cả ngày lễ, ngày Tết…  Trong năm 2015, tôi sẽ cho ra mắt 9 cuốn sách, trong đó có cuốn mới, có cuốn được tái bản. 

- Xin cảm ơn nhà văn Di Li!