Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Việc người lớn nên làm cho trẻ con là yêu thương

ANTD.VN - Nhân dịp tập thơ thiếu nhi “Ra vườn nhặt nắng” tái bản lần thứ ba, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh (SN 1982) cùng họa sĩ minh họa Nguyễn Thanh Vũ đến từ Lá Studio đã có một buổi giao lưu cùng bạn đọc nhiều lứa tuổi. 

Cuốn sách “Ra vườn nhặt nắng” của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh gồm 2 phần: Lời đề từ của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh và 37 bài thơ dễ thương, dịu dàng ngay từ tên gọi như “Nụ cười”, “Xe bus”, “Đợi bạn”, “Bạn Lá, bạn Mưa”, “Bàn tay bé”, Mỗi ngày dậy sớm”... Với phần minh họa vui vẻ, tươi sáng của Lá - “một studio nhỏ ở TP.HCM có 5 thành viên gồm 2 họa sĩ và 3 con mèo” - “Ra vườn nhặt nắng” dễ dàng chinh phục cả những độc giả khó tính. Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã trò chuyện cùng Báo An ninh Thủ đô quanh tập thơ.

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Việc người lớn nên làm cho trẻ con là yêu thương ảnh 1Tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” (Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Ông bà ta cũng từng là thiếu nhi mà!

- PV: Vì sao tên tập thơ lại là “Ra vườn nhặt nắng”, thưa anh?

- Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi hay ra vườn, ngồi im hoặc ngồi chơi. Tôi thích ngồi rất lâu nhìn nắng, nhìn cách nắng in lên các tán lá, đồ vật. 

- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng “Ra vườn nhặt nắng” tuy mang đề tài thiếu nhi nhưng cả người lớn cũng thấy mình trong đó?

- Tôi không quá khắt khe việc một bài thơ phải dành cho lứa tuổi nào. Tôi quan niệm mỗi bài thơ là một sản phẩm và mình phải làm ra một sản phẩm tốt. Các sản phẩm tốt như giày dép, tivi, tủ lạnh, đồ ăn đâu có hạn chế lứa tuổi dùng. Các bài thơ trong tập thơ là các câu chuyện liên quan đến các bạn nhỏ nhưng ngay cả ông bà ta cũng từng là thiếu nhi mà! Độc giả cứ thấy hay là thích thôi.

- Viết “Ra vườn nhặt nắng”, điều anh mong muốn truyền tải là gì?

- Tôi chỉ muốn tạo ra một sản phẩm mà người đọc, nhất là các bạn nhỏ, thấy thích và dễ phát triển tư duy, ý tưởng. Tôi cũng gửi gắm trong đó quá trình phát triển của mình, cách mình tập luyện, hình thành ý tưởng, cách mình nhìn vào cuộc sống. “Ra vườn nhặt nắng” là một sân chơi nhỏ, mỗi bài thơ là một trò chơi. Bất cứ ai cũng có thể chơi trò chơi ý tưởng ấy. Lời đề từ là câu chuyện của tôi, kể lại một giai đoạn tuổi thơ. Lá Studio đã minh họa phần đề từ này quá “đỉnh”. Những nét vẽ trong trẻo ấy sẽ dẫn dắt độc giả vào từng bài thơ. Tôi nghĩ, có bạn nhỏ đọc lời đề từ này sẽ có đoạn chưa hiểu, nhưng phụ huynh đọc sẽ có nhiều cảm hứng, chìa khóa hơn để cùng con tiếp cận các bài thơ.

- Mất 2 năm từ thời gian ngẫm nghĩ và dành 6 tháng tập trung hoàn thiện, “Ra vườn nhặt nắng” như một món quà cho thiếu nhi, theo anh, người lớn nên làm gì để trẻ em có một tuổi thơ tươi đẹp?

- Tôi xin trích một đoạn trong lời đề từ của “Ra vườn nhặt nắng” phiên bản 3.0: “Tôi không biết làm gì với trẻ em. Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một thế giới nhưng hầu như chúng ta bắt bọn trẻ phải làm mọi việc giống nhau. Tôi nghĩ việc giống nhau duy nhất người lớn nên làm cho trẻ con là yêu thương”. Nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi nghĩ, giải pháp cho cuộc sống đôi khi vô cùng đơn giản: Tạo ra thật nhiều sân chơi cho trẻ em. Trẻ con được chơi bời thỏa thích, được hướng dẫn các kỹ năng vui chơi sẽ tự tìm ra hạnh phúc và giải pháp cho mình. Và cả cho người lớn. Khi trẻ con không phải lệ thuộc vào người lớn nữa, người lớn sẽ có thêm thời gian sống cuộc sống của mình. Tuyệt vời hơn, khi trẻ con biết suy nghĩ và hành động độc lập, những người hay nhân danh sẽ ngày càng khó nhân danh trẻ em để làm điều xấu.

Làm thơ là lao động biểu đạt cảm xúc

- Vì sao anh viết thơ từ năm 12 tuổi, thấm thoắt hơn 24 năm trôi qua anh vẫn không bỏ thơ đi?

- Thơ là một hình thức biểu đạt của suy nghĩ, của tư duy, của cảm nhận. Nếu tôi không làm thơ thì tôi sẽ vẽ, chơi nhạc, hay làm một thứ gì đấy. Làm thơ thì mình chỉ cần giấy bút, không cần nhiều công cụ, không cần nhiều tiền để mua thiết bị. Ngay cả khi không có gì trong tay, tôi có thể để thơ chạy trong đầu cũng được. Lúc ý tưởng đến, những câu hay đến, tôi thường cố gắng chép ra luôn. Dù buồn ngủ, mệt mỏi, tôi vẫn dậy ghi chép. Điều đó giúp cho tôi hình thành thói quen lao động và có trí nhớ tốt hơn. Dần dần tôi không cần ghi chép vẫn nhớ được.

- Thế làm thơ là cách biểu đạt cảm xúc hay là lao động?

- Nó là lao động biểu đạt cảm xúc. Tất cả các nghề, khi mình bỏ năng lượng, bỏ sự tập trung, bỏ sự yêu thích vào đấy thì nó sẽ ra một thứ hay. Thơ chỉ là một sản phẩm trong vô vàn các hình thức sản phẩm. Tất cả đều cần sự tập trung lao động để có chất lượng cao.

- Nhiều người quan niệm, nhà thơ thì “chân không chạm đất”, anh nghĩ sao về điều này?

- Bất cứ ai cũng bay bổng, lãng mạn hết, đâu cứ riêng nhà thơ. Những người nghe nhạc “sến” mới là những người bay bổng, lãng mạn nhất. Nhưng cuối cùng, để thường xuyên viết ra được những bài thơ hay thì người làm thơ phải có hai yếu tố: Một là yêu nghề để tận tâm làm việc; hai là tự khắt khe với một tiêu chuẩn chất lượng cao để trau chuốt sản phẩm cho hoàn hảo mới thôi. Khi người ta yêu việc mình làm, có đạo đức và thẩm mỹ về chất lượng thì bao giờ sản phẩm cũng hoàn hảo. 

- Đã bao giờ trong anh tồn tại nỗi sợ đến một tuổi nào đó anh không viết được nữa? 

- Tôi chỉ nghĩ đến một giai đoạn nào đó mình không quá sáng tạo để viết được những cái gì quá đột phá. Còn lại, thơ là công cụ tư duy của tôi. Có lúc tôi sẽ dùng thơ vần, có lúc là thơ tự do, có lúc là dạng viết khác. Viết chính là những dòng suy nghĩ, khám phá của tôi. Cứ như vậy, đến khi tôi bị không còn khả năng suy nghĩ hoặc không còn muốn nghĩ, lúc ấy mới không viết thơ được nữa.

- Cảm ơn và chúc anh may mắn, thành công!