Nhà báo Lê Hồng Lâm: Người có tâm với điện ảnh Việt

ANTD.VN - Ở “Cánh chim trong gió”, người ta thấy Lê Hồng Lâm khi thì nhiệt thành khen ngợi, mà đã chê thì chê… vỗ mặt. Những bài phê bình của anh có cái giật gân, gây “sốc” nhưng tuyệt nhiên không chạy theo thị trường, không viết những cái không phải là mình. 

Trong một cuộc chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, Lê Hồng Lâm nói mình chẳng phải nhà phê bình mà chỉ là kẻ nghiện phim. Nghiện đến độ có 2 ngày cuối tuần anh ngốn đến 10 bộ phim. Vì nghèo nên tiền có được thì 1/3 là để mua đĩa phim. Cũng chỉ mua đĩa lậu nên anh cũng xem được rất nhiều “phim rởm”, “phim rác” để rồi lọc ra được thế nào là một bộ phim hay.

Kỷ niệm không ngọt ngào với đạo diễn “Mùa ổi”

Trong số những nhân vật đình đám trong giới điện ảnh mà Lê Hồng Lâm có dịp tiếp xúc, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh có lẽ là người để lại ấn tượng và cũng là bài học khó quên nhất với nhà báo Lê Hồng Lâm. Cái ngày anh chập chững  vào nghề khoảng 15 năm trước, Lê Hồng Lâm đã đến gõ cửa đạo diễn Đặng Nhật Minh để xin phỏng vấn. Vừa tốt nghiệp Khoa Báo chí Đại học Quốc gia, với gương mặt thư sinh, bộ dạng run rẩy, lắp ba lắp bắp, dĩ nhiên Lê Hồng Lâm nhận được sự từ chối khá thẳng thừng từ vị đạo diễn kỳ cựu. 

Thế nhưng sau đó, anh nhà báo trẻ tuổi không bỏ cuộc, mà nghĩ rằng, nếu không gặp được đạo diễn thì phải tiếp cận bằng được những người làm việc với ông. Thế là anh  tìm gặp nào từ diễn viên đến quay phim, rồi phó đạo diễn đến họa sỹ dàn cảnh, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, NSND Bùi Bài Bình… Rồi tối về, anh lục lại những thước phim của ông để nghiền ngẫm. Thế là cuối cùng, anh nhà báo trẻ cũng kịp hoàn thành một bài báo đầy đặn. 

Bẵng đi một thời gian sau, Lê Hồng Lâm tình cờ gặp đạo diễn kỳ cựu tại một quán phở ở Hà Nội. Định tảng lờ nhưng bất ngờ đạo diễn Đặng Nhật Minh chủ động tiến tới bắt chuyện. Hóa ra, qua một đồng nghiệp, ông đã đọc được bài viết trên tạp chí Đẹp và không khỏi ngạc nhiên khi thấy một “tay nhà báo” hiểu mình đến thế. Đạo diễn cũng đồng thời gửi lời xin lỗi vì sự khước từ có phần phũ phàng trước kia.

Sau này, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng chia sẻ: “Lần đầu gặp Lê Hồng Lâm, thú thực tôi không thấy tin tưởng lắm. Vì cậu sinh viên vừa ra trường, trông non nớt quá, lại đặt vấn đề viết về “sự nghiệp” của tôi. Thế là tôi sợ quá. Lúc ấy tôi đang làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh, nên công việc cũng khá bận. Tôi nghĩ bụng, tiếp cậu này phải mất đến 2 ngày nên tìm cớ thoái lui. Thế nhưng bài báo ấy khiến tôi bị bất ngờ. Từ đó, tôi bắt đầu chú ý những bài báo ký tên Lê Hồng Lâm”. 

Nhà báo Lê Hồng Lâm: Người có tâm với điện ảnh Việt ảnh 2Cuốn sách “Cánh chim trong gió”

Những di sản điện ảnh bị vùi lấp

Cuốn “Cánh chim trong gió” là bước đệm cho dự án 100 bộ phim Việt Nam được anh ấp ủ, sẽ là dự án đầy tham vọng về điện ảnh nước nhà. Nói về dự án này, anh chia sẻ: “Hình như giới trẻ Việt Nam thường có cái nhìn phiến diện, đôi khi hơi mặc cảm về những bộ phim của nước mình. Tuy nhiên, có rất nhiều thước phim giá trị. Nếu không có những công trình tập hợp, khai thác chuyên sâu về nó, tôi sợ rằng khối di sản này sẽ bị vùi lấp”. 

Nói là tản mạn về điện ảnh, nhưng trong “Cánh chim trong gió”, người ta thấy những bài viết tâm huyết đến gan ruột mà phải là một cây bút rất “say” và rất có tâm với điện ảnh mới có thể viết ra được. Từ câu chuyện ồn ào nhưng khá đau lòng về “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu, anh thẳng thắn đặt vấn đề về cái gọi là kiểm duyệt làm cùn mòn tư duy sáng tạo của nghệ sỹ. Từ con số 12 triệu lượt khán giả Hàn Quốc kéo đến rạp xem một bộ phim của nước họ, anh chỉ ra nỗi hổ thẹn của phim Việt khi liên tiếp sản sinh ra những bộ phim hài nhảm, kinh dị nửa mùa, lãng mạn sến xẩm khiến khán giả chỉ muốn bỏ về. Rồi nỗi buồn về những tác phẩm điện ảnh “cúng cụ”, bỏ tiền tỷ để dựng phim nhưng chỉ bán được có vài chục vé… 

Tất cả những vấn đề trên được Lê Hồng Lâm viết với cái nhìn khá trực diện, thẳng thắn, đầy tính phản biện, không sợ “gây thù chuốc oán” với bất kỳ ai. Có một điều đáng đọc ở cuốn sách này đó là không hết lời tung hô “siêu phẩm” nhưng cũng không cố “dìm” những bộ phim bị gắn mác thị trường. Những bài viết của anh có sự mổ xẻ, đào sâu kỹ lưỡng, thật tâm chỉ ra cái hay, cái chưa hay, cái sáo mòn hay cái sáng tạo ở mỗi tác phẩm.

Dù rằng, có những vấn đề đặt ra không thật trúng và đôi khi dông dài và bị “cảm xúc” quá nhưng những bài viết về điện ảnh của Lê Hồng Lâm thực sự là góc nhìn của một người có nhận thức và kiến thức dày dặn về nghề. Đọc cuốn sách này, chắc không chỉ người làm điện ảnh, mà cả những người yêu điện ảnh cũng rút ra cho mình cái gì đó để cùng “tốt lên”. Vì một nền điện ảnh mạnh không chỉ có những người làm phim giỏi, có nghề mà khi nó được hỗ trợ bởi một nền văn hóa thưởng thức ngày một được nâng tầm.