Người tạo đột phá cho múa rối nước Việt

ANTD.VN - Được mệnh danh là “Bàn tay vàng của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam”, nghệ nhân Phan Thanh Ngải là người đã tạc nên bức tượng chú Tễu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre, Thủ đô Paris, Pháp. Nhưng công lao lớn nhất của ông đối với múa rối nước Việt Nam còn hơn thế, khi sáng tạo nên sân khấu thủy đình di động hiện đang được các nhà hát múa rối sử dụng rộng rãi. 

Nghệ thuật truyền thống muốn quảng bá rộng rãi, ngoài việc giữ gìn những nét đẹp của loại hình nghệ thuật đó, người làm nghề còn cần biết phát triển và cải tiến để thích nghi với cuộc sống mới. Và từ 30 năm trước, cố nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã tạo nên sân khấu thủy đình di động như bước chuyển cho ngành múa rối Việt, giúp cho loại hình nghệ thuật này dễ dàng đến với bạn bè quốc tế. 

Những sáng tạo nổi bật

Sinh ra trong gia đình có tới 6 đời làm nghề múa rối nước, nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã có những cách tân, sáng tạo trong tạo hình con rối. Những con cá, rồng, lân do ông chạm khắc không cứng đơ thành một khối mà được chia thành các khúc để tiện trong việc điều khiển và khi biểu diễn có tạo hình mềm mại, uyển chuyển.

Ông là một trong số hiếm hoi các nghệ nhân múa rối nước có khả năng thực hiện mọi công đoạn trong tạo hình con rối, lại vừa có thể đạo diễn, sáng tạo các tích trò, cũng như trực tiếp biểu diễn.

Tiếng lành đồn xa, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Nhà hát Múa rối Trung ương đã mời ông từ Nam Chấn, Nam Trực, Nam Định lên Hà Nội để giúp  các nghệ sỹ điều khiển và biểu diễn con rối. Đến năm 1977, ông chính thức trở thành nghệ nhân của Nhà hát Múa rối Việt Nam. 

Từ dấu mốc này, nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã gắn bó với nghệ thuật múa rối nước bằng những sáng tạo nổi bật. Các tạo hình rối của ông rất độc đáo, rất có hồn vía mà lại nhanh nhẹn, linh hoạt khiến nhiều nghệ sỹ đi học ở nước ngoài cả chục năm cũng phải nể phục.

Đặc biệt, trước sự nghèo nàn của hình thức trang trí sân khấu múa rối nước truyền thống, nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã cải tiến, tạo nên bước đột phá. Trước đây, sân khấu múa rối chỉ có một tấm mành tre căng lên giữa mặt nước để cất giấu sau nó bao bí mật và bất ngờ về chú Tễu ngộ nghĩnh đáng yêu, lân phượng uốn mình trong làn nước mát.

Nhưng sân khấu ấy lại khá đơn điệu và ít hấp dẫn với người xem. Chỉ khi nào được biểu diễn ở một làng quê có thủy đình xây sẵn như ở chùa Thầy thì đó mới là dịp múa rối thăng hoa. Chiếc thủy đình đã tạo ra một sân khấu hữu tình, ăn nhập với các tích trò múa rối nước gắn liền với đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc bộ.

Người tạo đột phá cho múa rối nước Việt ảnh 2Thủy đình di động của cố nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã là tài sản chung của múa rối Việt

Tạo nên sân khấu của làng quê Việt

Là người gắn bó với làng quê Việt Nam và chịu khó với nghề, cố nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã phát hiện ra hình ảnh thú vị của thủy đình trên sân khấu múa rối. Nhưng ý tưởng ấy chỉ thành hiện thực với chuyến lưu diễn của ông với các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Trung ương vào năm 1980, tại Hội nghị múa rối quốc tế tổ chức tại Ba Lan. Chuyến đi này nhằm quảng bá về nghệ thuật múa rối nước Việt Nam cùng với 35 nước tham dự.

Trăn trở về hình thức nghèo nàn của sân khấu múa rối bấy lâu nay, nghệ nhân Phan Thanh Ngải đã tạo tác nên một sân khấu thủy đình di động ngay trước chuyến đi và lập tức nhận được sự chấp thuận của Ban Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương. Sự thay đổi bất ngờ ấy đã tạo nên hiệu ứng thị giác tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Múa rối Việt Nam không chỉ có những con rối được tạo hình ngộ nghĩnh, ngây thơ mà còn có một sân khấu mang hình ảnh của làng quê Việt Nam. 

Cũng từ sáng tạo ấy của nghệ nhân Phan Thanh Ngải, các nhà hát múa rối trong toàn quốc, các đoàn nghệ thuật đều đã sử dụng sân khấu thủy đình di động của ông. Nghệ thuật múa rối nước đã có dịp vươn xa ra quốc tế trong sự cải tiến có kế thừa và làm giàu cho truyền thống của cha ông.

Mỗi khi nhắc về “Bàn tay vàng của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam”, nhiều người sẽ nhớ ngay đến nghệ nhân Phan Thanh Ngải, một người con của quê hương Nam Chấn, Nam Định và hình ảnh sân khấu thủy đình với mái ngói cong cong đã xuất hiện trong hầu hết các buổi biểu diễn múa rối nước hiện nay.

Sự đam mê cống hiến của ông với nghề đã mang lại cho người nghệ nhân này những thành công và tình yêu ấy đã tiếp tục được chuyển giao tới thế hệ thứ bảy của dòng họ Phan. Trong đó, người con trai Phan Thanh Liêm đang là người duy nhất ở Việt Nam sáng tạo nên mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ, góp phần quảng bá nghệ thuật múa rối nước Việt Nam ra thế giới với đạo cụ gọn nhẹ và chỉ cần một nghệ sỹ biểu diễn.