Người mang phù sa sông Hồng đi vòng quanh thế giới

ANTD.VN - Bên cạnh những con rối, đạo cụ lỉnh kỉnh mang theo trong các chuyến lưu diễn quốc tế, nghệ sỹ múa rối Phan Thanh Liêm luôn nhớ bỏ vào vali vài nắm phù sa sông Hồng- đó là “bí quyết nhà nghề” để sân khấu rối nước thu nhỏ trở nên hấp dẫn hơn. 

Cho đến nay, Phan Thanh Liêm đã có chặng đường dài đồng hành cùng sân khấu rối nước thu nhỏ. Anh và những con rối hồn hậu của mình đã có những chuyến đi tới nhiều vùng đất tại các nước trên thế giới. Và, trong mỗi chuyến đi, nắm đất phù sa sông Hồng luôn là vật bất ly thân của người nghệ sỹ này. 

Người mang phù sa sông Hồng đi vòng quanh thế giới ảnh 1 Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm biểu diễn tại sân khấu rối nước thu nhỏ

Bí quyết tạo màu nước ao làng

Bắt đầu vào năm 2000, sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm ra đời. Những khởi đầu đầy khó khăn đã đưa đến cho người nghệ sỹ này những bí quyết nhà nghề riêng có, kết hợp với kinh nghiệm của dòng họ có tới 7 đời theo nghề múa rối khiến anh được khán giả công nhận và yêu mến.

Nhược điểm của sân khấu thu nhỏ là không có được không gian thoáng đãng như ao hồ nên Phan Thanh Liêm buộc phải nghĩ tới việc tái tạo những điều thân thuộc từ rối nước truyền thống. Đặc biệt, màu nước của sân khấu rối không thể trong vắt mà phải có độ đục mờ của ao bùn, của phù sa lắng đọng. Đó mới thực là màu nước ao hồ của các làng quê đồng bằng Bắc bộ, nơi các tích trò múa rối đã xuất hiện và tồn tại đến ngày nay.  

Trong những lần ra cửa hàng sơn mua mùn cưa về chế tác con rối, Phan Thanh Liêm đã biết đến loại đất phù sa sông Hồng được bán thành từng túi. Anh đã mua về thử hòa loại đất này vào nước. Không ngờ, những nắm đất phù sa lại đem đến những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. Màu nước vàng nhạt, đủ đục để che giấu những kỹ thuật rối bên dưới và cũng vừa đủ để gợi nhớ về ao làng.

Đây được xem như kỹ thuật đặc biệt của sân khấu múa rối thu nhỏ do Phan Thanh Liêm sáng tạo nên, trong khi các đoàn nghệ thuật rối của Nhà nước và các đoàn rối tư nhân hầu như bỏ qua điều này. Cũng với kỹ thuật này, mỗi lần biểu diễn, Phan Thanh Liêm thường mất nhiều công hơn trước giờ khai màn để sục bùn, hòa tan lớp đất lắng phía dưới.

Không phù sa bất thành múa rối

Nếu chỉ biểu diễn trong nước, kỹ thuật này của Phan Thanh Liêm không gặp nhiều khó khăn bởi đất phù sa luôn có sẵn và không khó khăn trong đóng gói dụng cụ biểu diễn. Tuy nhiên, với những chuyến lưu diễn nước ngoài chỉ có “một mình một ngựa”, kỹ thuật này không dễ như người ta vẫn tưởng. Bởi cân nặng hàng không trong mỗi chuyến bay luôn làm người nghệ sỹ này đắn đo.

Múa rối không chỉ đẹp ở nghệ thuật biểu diễn mà còn là nơi lưu giữ tâm hồn Việt, trong đó màu nước cũng góp phần tạo nên chất thuần khiết, đậm đà của người dân làng quê đồng bằng Bắc bộ.

Bể nước của sân khấu rối nước thu nhỏ khoảng 3 khối rưỡi cần tới 5kg đất phù sa sông Hồng. Nếu biểu diễn ở 3 địa điểm khác nhau trong cùng một chuyến đi thì số cân nặng mà người nghệ sỹ này mang theo khá nhiều. Chính vì thế, đã có những chuyến lưu diễn, Phan Thanh Liêm đành liều để túi đất ở nhà và kết quả nhận được không nằm ngoài dự đoán.

Có lần biểu diễn ở Nhật, anh đã được phía bạn hỗ trợ bằng màu nhân tạo. Nhưng khi hòa vào nước, màu nước hiện ra không phải màu vàng nhạt thường thấy mà là màu trắng sữa khá khó chịu. Rồi có lần, anh lấy luôn đất của nước sở tại để tạo màu nhưng cũng không được như mong muốn. Loại đất này bị lẫn tạp chất, không xốp nhẹ như phù sa nên rất khó trong điều khiến con rối, đất bị đóng cặn phía dưới, chỉ một ít là hòa trộn với nước.

Với những lần “vấp” trong lưu diễn quốc tế, đến nay, Phan Thanh Liêm đã nghiệm ra, con rối có thể bỏ bớt nhưng những túi đất phù sa thì không. Khán giả nước ngoài khá tò mò, có người đã tới tận nơi, thử cho tay vào nước để xem nước có sạch và họ đã không khỏi bất ngờ. Vì thế, khi mang trách nhiệm giới thiệu nghệ thuật múa rối nước Việt Nam ra thế giới, Phan Thanh Liêm buộc mình phải cẩn trọng và kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Dù chỉ là một nắm đất quê hương, anh cũng sẽ luôn mang theo để có những đêm diễn thành công nhất.