Người hồi sinh điệu hát trống quân

ANTĐ - Hơn hai chục năm qua, với biết bao công sức, tâm huyết của mình, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thanh Xuyên và các thành viên trong CLB Trống quân Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên) đã liên tục tuyển chọn, tổ chức truyền dạy, phổ biến điệu hát trống quân đặc sắc của quê hương cho người dân địa phương và vùng lân cận. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuyên người có công trong việc gìn giữ điệu hát trống quân

Sống lại một điệu hát

Chúng tôi về xã Dạ Trạch, nơi phát tích của câu chuyện truyền thuyết lịch sử về Đức Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung để tìm hiểu về điệu hát trống quân đặc sắc của vùng, từng một thời bị mai một.

Trong căn nhà treo đầy các bức ảnh biểu diễn và bằng khen, danh hiệu, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Phó Chủ nhiệm CLB Trống quân Dạ Trạch, nay đã bước sang tuổi 65 chia sẻ: “Tôi tham gia CLB được trên 20 năm, nhưng qua nhiều lần tìm hiểu, hỏi hết các nhà nghiên cứu, đến các vị cao niên trong xã, mọi người đều lắc đầu, không ai trả lời được đích xác thời gian ra đời của điệu hát trống quân. Dựa trên đặc thù của lối hát, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, khi nào có sự ra đời của thơ lục bát, thì khi đó điệu trống quân ra đời. Bởi, tất cả các bài hát trống quân đều dựa trên nền thơ lục bát, kể cả các bài lời cổ lẫn bài mới sáng tác gần đây”. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuyên vốn người xã bên, về làm dâu làng Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch). Chồng bà không thuộc tuýp “nghệ sĩ”, không biết hát trống quân, nhưng khi về làm dâu, qua những lần theo các bậc cao niên trong làng đi cấy, bà đã được nghe và yêu thích điệu hát ấy.

Lúc đó, bà thấy điệu hát trống quân có gì đó vừa trữ tình, duyên dáng, lại dặt dìu, vui nhộn. Giờ giải lao, hai bên nam nữ chia ra thành các đôi vừa hát, vừa ứng tác, rộn vang cả cánh đồng, khiến cho bao vất vả, mệt mỏi tan biến. Thích là vậy, nhưng vì nghĩ mình là phận “gái thiên hạ” nên bà Xuyên cứ ngần ngại, không dám tìm học điệu hát mê đắm này. Dần dần, điệu hát trống quân đặc sắc ấy dần mai một, ít còn được mọi người hát, ngay cả trong các dịp hội hè, đình đám của làng.

Những tưởng điệu hát ấy sẽ biến mất, thì bỗng dưng đầu những năm 1990, nó lại được “đánh thức”. Cụ Nguyễn Duy Phí, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương (đã mất), là người con của Dạ Trạch được coi là người có công đầu trong việc giúp điệu hát trống quân của quê hương “sống lại”.

Theo bà Xuyên kể, năm 1991, biết thông tin Nhà nước có chủ trương khôi phục lại các di sản văn hóa đang bị thất truyền trong dân gian, cụ Phí đã lập tức về quê gặp gỡ các nghệ nhân cao tuổi để sưu tầm lại lời hát. Sau đó, cụ đã mang tập bản thảo mình dày công ghi chép được từ trí nhớ của các cụ già đến nhờ cụ Điệp (đã mất), một trí thức có uy tín của xã nhờ biên tập, chỉnh lý.

Khi hoàn chỉnh được hàng chục bài hát, năm 1993, cụ Phí mới bắt đầu tuyển chọn 8 người có năng khiếu về âm nhạc, yêu điệu trống quân, gồm 4 nam, 4 nữ để truyền dạy. Bà Xuyên và 7 người trong đội được coi là những người thuộc lớp đầu tiên làm sống lại điệu hát trống quân này. Cũng từ đây, CLB trống quân Dạ Trạch đã được ra đời, duy trì và phát triển đến hôm nay.

Làm mới để bảo tồn

Để điệu hát trống quân gần gũi hơn với đời sống, không bị mai một, các nghệ nhân trong CLB Trống quân Dạ Trạch đã tích cực mở lớp truyền dạy, bồi dưỡng, kết nạp thêm các hội viên, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ. CLB Trống quân Dạ Trạch khi mới thành lập chỉ có chưa đầy chục hội viên, nay đã lên tới trên 30 người. Có cụ ngoài 80 tuổi nhưng vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt.

“Chúng tôi hát vì tình yêu, niềm say mê, đồng thời, cũng là để tìm nguồn vui lúc tuổi cao. Còn thực tế, dù là nghệ nhân ưu tú, nhưng chúng tôi cũng không có chế độ, được hỗ trợ gì. Thậm chí, nhiều chuyến lưu diễn, chúng tôi phải bỏ tiền túi để trang trải sinh hoạt cá nhân” - bà Xuyên tâm sự. Rồi bà chỉ sang cháu ruột mình, bé Lê Yến Bình, mới 9 tuổi, khoe: “Tôi và các nghệ nhân trong CLB đang bồi dưỡng hát trống quân cho gần 80 thành viên. Cháu nội tôi cũng tham gia lớp này đấy. Còn bé nhưng cháu đã thích hát trống quân lắm”.

Vừa trò chuyện, bà Xuyên vừa vào trong buồng bê ra một chồng các bức ảnh, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận tham gia hội diễn, giao lưu của CLB Trống quân Dạ Trạch. Được biết, từ khi được khôi phục lại, CLB trống quân Dạ Trạch liên tục “mang chuông đi đánh xứ người”, tham gia hàng chục hội thi và các chuyến lưu diễn trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước, gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Còn tin vui nữa, đó là, theo lời của bà Xuyên, hiện nay, Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên đang làm hồ sơ để đệ trình lên cấp trên xem xét, công nhận hát trống quân Dạ Trạch là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu điều này trở thành hiện thực, chắc chắn, sẽ tạo động lực to lớn để nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thanh Xuyên và các thành viên của CLB Trống quân Dạ Trạch tiếp tục nỗ lực, duy trì, phát triển điệu hát cổ truyền, giữ nó sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.