Nghệ sĩ Quốc Khánh: Người độc thân dị biệt

ANTD.VN - Khán giả truyền hình ắt hẳn rất nhớ tới nghệ sĩ Quốc Khánh với gương mặt luôn luôn ủ rũ, dúm dó đến tức cười trong các tiểu phẩm “Gặp gỡ cuối tuần” và dáng vẻ ung dung, cố tỏ ra cứng rắn nhưng lại hóm hỉnh, trong vai Ngọc Hoàng của chương trình “Gặp gỡ cuối năm”. Cái đáng yêu của nghệ sĩ này là bao giờ cũng biết gây tiếng cười bất ngờ, đúng lúc với những giọng điệu ngộ nghĩnh, thú vị.

Mặc kệ duyên số

Ngược lại với chuyện gây cười trên sân khấu, ngoài đời nghệ sĩ Quốc Khánh sống chậm rãi, lạnh lùng với những ồn ào, xô bồ. Anh bỏ ngoài tai mọi phiền muộn toan tính để sống theo ý muốn. Đôi khi tỏ ra bất cần đời và thong thả với nụ cười dí dỏm bên ly cà phê. Phải nói Quốc Khánh có kiểu chơi rất “dị”, khác người.  Đầu tiên phải kể đến chuyện “say” bi-a, ai muốn tìm anh là cứ ra bàn bi-a là gặp.      

Ngoài “say” bi-a, chuyện say mê câu cá của Quốc Khánh cũng chẳng giống ai. Anh “sát cá” hơn người, với trang phục “bò cả cây”, anh đã đi khắp các hồ quanh vùng phía nam Hà Nội cũng như gần nhà anh ở khu phố Bạch Mai. Không chỉ ngày nghỉ, mà lắm khi vừa đi diễn về, anh lại cùng bạn vác cần đi đến sáng. Anh chia sẻ, câu cá không chỉ mang đến niềm vui về một bữa ăn ngon, mà những suy nghĩ hàm chứa những triết lý nhân sinh lóe lên trong thời gian chờ đợi mới thực sự là khoái cảm. Cái được, cái mất trong đời người là gì? Cái bi, cái hài thể hiện trong hành vi ra sao? Lại nữa ánh sáng và bóng tối, cái phúc, cái họa đan xen trong cõi người lận đận, truân chuyên… Cứ thế tự lục vấn mình cho đến khi bình minh lên.        

Quốc Khánh còn nhiều điều khác người trong sinh hoạt hàng ngày. Anh nhận mình lười nên chọn áo phông quần bò, hoặc chơi cả bộ bò cho đỡ phải giặt nhiều mà lại đẹp. Cái gu “bụi bặm” này có lý khi anh có dáng người dong dỏng cùng mái tóc bù xù và ria mép tô điểm chất phong trần lãng tử. Về đường tình duyên, nhiều người vui miệng hỏi vì sao đến tuổi “lên lão” mà vẫn chăn đơn, gối chiếc thì anh ưỡn ngực tuyên bố, lấy vợ là chuyện cả đời, chẳng bao giờ muộn cả, còn là đàn ông mà không có đàn bà thì có mà… hâm. Anh tâm sự, duyên số chưa đến đành chịu,  duyên đến đâu thì đến, tự do muôn năm!

“Chết vai” Ngọc hoàng

Giới phê bình cho rằng, mỗi vai của Quốc Khánh đều có màu riêng. Cùng trang lứa với anh hồi học ở Nhà hát Kịch Việt Nam (1978-1982) còn có các nghệ sĩ khác như Trung Anh, Đỗ Kỷ, Lan Hương, Quế Hằng… Ngay từ đầu lúc đi học, anh đã có cá tính trong diễn xuất, thể hiện nét độc đáo của nhân vật, đượm sắc hài hước tự bên trong. Đáng chú ý về ngữ điệu của lời thoại bao giờ Quốc Khánh cũng chia cung bậc rành rọt và tìm được điểm nhấn để lột tả được diễn biến tâm lý của vai diễn. Sau này, màu sắc diễn xuất của anh được hiện diện ở nhiều sân khấu và tác phẩm điện ảnh. Đặc biệt, sau khi anh giành được HCB trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990 và Giải Nam diễn viên xuất sắc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao tặng năm 2002. 

Quốc Khánh là một trong những diễn viên đóng hài đầu tiên trong các tiết mục kịch của chương trình “Gặp gỡ cuối tuần”(bắt đầu từ năm 2002), với ngôn ngữ sân khấu mới, cười vui chế giễu những thói hư tật xấu của con người. Cũng từ đây, gương mặt hài Quốc Khánh trở nên quen thuộc và được khán giả mến mộ cùng những bạn diễn như Quốc Thắng, Vân Dung, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc…

Sang đến sân khấu hài, Quốc Khánh cũng thể hiện mình là một ánh xạ riêng trên sàn diễn. Không ồn ào vội vã, khuếch đại sự dị dạng, khuyết tật của con người để gây cười mà anh nuôi mạch nguồn hài hước tự bên trong nhân vật, nên từng câu anh thoại đều tạo nên tiếng cười hết sức tự nhiên. Chính vì thế đến năm 2004, anh được mời đóng thay nghệ sĩ Quốc Trượng, trong vai Ngọc Hoàng của chương trình “Gặp gỡ cuối năm”. Ngay lập tức, anh càng trở nên nổi tiếng với vai diễn “rất” Ngọc Hoàng của mình, nghe nhiều nói ít, nhưng câu nói nào cũng làm khán giả phía dưới nổ tung.

Từ đó đến nay đã 13 cái Tết anh được khán giả yêu mến trong vai diễn này. Mỗi năm là một Ngọc Hoàng làm mới mình theo thời cuộc để cho bớt nhàm chán. Trong khi các vai Táo thả sức bay bổng trong đất diễn, thì vai Ngọc Hoàng của Quốc Khánh lại kiệm lời và chủ yếu là diễn “câm”, lắng nghe và diễn tả tâm trạng qua nét mặt. Thật là khó, vì nếu không nuôi cảm xúc và theo dõi những bản báo cáo chi tiết của các Táo, thì anh khó có thể tung được những câu rất “dị” của vai Ngọc Hoàng đúng lúc, để làm khán giả bật cười. Khán giả xem không thấy nhàm chán là vì biệt tài sáng tạo của anh, mỗi lần đều mang một sắc thái thú vị. 

Cũng vì khả năng tư duy, khám phá nhân vật mang những góc cạnh dị biệt của Quốc Khánh, nên những nhà làm phim mời anh cộng tác từ rất sớm. Ngay khi mới tốt nghiệp khóa kịch đầu tiên, năm 1982 (20 tuổi), anh đã tham gia đóng phim. Đầu tiên là “Đứa con người lính” rồi sau đó là phim “Chiếc bình tiền kiếp”. Nhưng có lẽ đến năm 1998, tài “chọc cười” của anh mới được phát huy qua vai Thái trong phim “Ghen”; vai Thi của phim “Tết này ai đến xông nhà” (2002)… 

Và, đặc biệt anh gây ngạc nhiên đối với người xem, khi vào vai Chàng Gù trong phim “Áo lụa Hà Đông”, đậm chất trữ tình. Hơn thế đó lại là một vai mang yếu tố bi ai, ẩn chứa những nỗi niềm sâu lắng trong nỗi cay đắng của số phận. Đến năm 2012, Quốc Khánh cùng một số đồng nghiệp được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Đó là sự tôn vinh xứng đáng với những đóng góp của nghệ sĩ Quốc Khánh cho nền sân khấu và điện ảnh trong hơn 32 năm qua.