Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018 sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa

ANTD.VN - Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 22- 24/6/2018 gồm nhiều hoạt động: trưng bày triển lãm về gia đình, hội thảo, hội thi và giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 là hoạt động định kỳ được tổ chức hàng năm tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam nhằm hưởng ứng và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập…

Triển lãm “Gia đình - điểm tựa yêu thương” sẽ là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018. Trong đó, các nội dung trưng bày sẽ khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình, làm nổi bật lên những giá trị gia đình cốt lõi, để mỗi người đều nhận thấy rằng gia đình là điều quan trọng nhất, là điểm tựa yêu thương trong suốt cuộc đời.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 sẽ gồm nhiều hoạt động đa dạng và sôi nổi

Bên cạnh đó là triển lãm “Mẹ-Con, Thơ, Nhạc-Cuộc đời”; “Điểm tựa yêu thương”; “Những gia đình bình đẳng” nhằm giới thiệu đến công chúng về quá trình mang nặng đẻ đau, chăm sóc nuôi dạy con của người mẹ. Qua những nghi lễ của các dân tộc, nhắc nhở về lòng hiếu thảo, báo hiếu cha mẹ khi lớn khôn.

Với 6 tổ hợp trưng bày gồm: Mẹ tròn con vuông; Lễ Cầu tự và lễ đầy tháng; Con lớn mỗi ngày; Chắp cánh ước mơ cuộc đời; Chăm sóc tuổi già và Vu Lan báo hiếu, mỗi tổ hợp như những trang sách lật giở từng bước đi của mỗi người từ khi là đứa trẻ đến lúc lớn khôn, trưởng thành và chăm sóc, báo hiếu cha mẹ. Trong mỗi bước đi đó, hình tượng người mẹ với công sinh thành và dưỡng dục được khắc họa hết sức sâu sắc.

Đó là những vất vả, khó nhọc, nguy hiểm khi 9 tháng mang nặng đẻ đau để được mẹ tròn con vuông với hiện vật trưng bày bào thai và chiếc nôi cùng những hình ảnh quá trình mang thai, sinh đẻ xưa, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, những kiêng cữ khi mang thai, dụng cụ dành cho mẹ và em bé, cầu thang hình bầu sữa mẹ của dân tộc Êđê…

Hay nghi Lễ Cầu tự và đầy tháng với mong ước con được khỏe mạnh, che chở trong suốt tuổi ấu thơ…, trích đoạn nghi lễ đầy tháng của người Tày, Nùng và nhiều hiện vật quen thuộc trong lễ cúng mụ của người Kinh. Và với mỗi người,  mẹ cùng con lớn lên mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn lao, là sự gắn kết yêu thương và dày công dạy dỗ của mẹ để trang bị cho con đủ kỹ năng, kiến thức giúp con từng bước trưởng thành.

Ở nội dung trưng bày này, ngoài những hiện vật về gia đình và nuôi dạy con cái còn có 2 cây điều ước: một cây nói về những điều mẹ ước cho con và một cây về những điều con ước cho mẹ cùng ảnh, bài thơ, bài hát và câu danh ngôn về những điều ước giản dị của mẹ và con.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 còn có các chương trình như: Trưng bày “Sản phẩm tinh hoa gia tộc nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam”; “Gia đình với văn hóa đọc”.

Điểm nhấn của chương trình là Liên hoan văn nghệ “Niềm vui gia đình” với sự tham gia của 12 đơn vị thuộc Công đoàn Khối Di sản - Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ca ngợi tình yêu con người, tình yêu đất nước, phản ánh những vấn đề  về gia đình Việt Nam trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa… được dàn dựng  công phu, dưới các hình thức nghệ thuật như  ca, múa, nhạc, tiểu phẩm, kể chuyện...

Dạ hội “Vũ điệu hạnh phúc” với sự tham dự của các cặp nhảy đến từ: CLB Khiêu vũ Thăng Long, CLB Đông Anh, CLB Vũ điệu Quảng trường, CLB Hồ Gươm xanh, CLB Khiêu vũ Bắc Ninh, CLB khiêu vũ Vui Hà Nội.