Mở lòng thơ với mùa xuân

(ANTĐ) - Ngày Rằm tháng Giêng, trời như chiều lòng người yêu thơ, khi sáng sớm mưa bụi rắc lây phây, rồi bất chợt hửng nắng khiến cho không khí của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội càng thêm đậm đà thi tứ…

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9:

Mở lòng thơ với mùa xuân

(ANTĐ) - Ngày Rằm tháng Giêng, trời như chiều lòng người yêu thơ, khi sáng sớm mưa bụi rắc lây phây, rồi bất chợt hửng nắng khiến cho không khí của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội càng thêm đậm đà thi tứ…

Thả thơ - Một trong những điểm nhấn được mong đợi trong 9 năm qua
Thả thơ - Một trong những điểm nhấn được mong đợi trong 9 năm qua

Lặng lẽ “sân trẻ”

Dù Ban tổ chức đã “thay tên đổi họ” cho Sân thơ trẻ, rằng phải gọi là “Sân thơ hiện đại” mới đúng nghĩa… thì những vị khách của ngày thơ vẫn cứ “Sân trẻ” với “Sân già” mà gọi. 8 năm nay người đi xem hội thơ háo hức với “Sân trẻ” bởi ở đó luôn bùng cháy những bất ngờ.

Vẫn cứ vây vòng trong vòng ngoài quanh sân khấu, dù sau khi xem những màn trình diễn lạ lùng, trở ra lắc đầu “không thể hiểu nổi”… Rồi bắt đầu từ năm 2009 trở đi, “Sân trẻ” xem ra nền nã hơn. Nói như một thành viên BTC, “chúng tôi muốn lắng lại”.  Năm nay, với những gương mặt như Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh cùng nghệ sĩ liên tục “Đáo xuân” Đào Anh Khánh… người xem chờ đợi một sự bất ngờ.

Xen kẽ giữa những phần đọc thơ của Mai Văn Phấn, Lò Cao Nhum, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hữu Việt… là phần trình diễn kịch hình thể - một “món” mới đối với người tham dự hội thơ, nhưng không phải ai cũng “hợp khẩu vị”.

Có lẽ, được người xem trông đợi nhất là phần trình diễn của Vi Thùy Linh - nữ nhà thơ từng gây nhiều xôn xao ở sân khấu thơ trẻ mấy năm về trước. Cô xuất hiện cùng Đào Anh Khánh. Nhưng bộ đôi hay gây “sốc” này cũng chỉ khiến sân khấu rộn lên một lúc. Song, cái rộn ràng nhất của “Sân trẻ” năm 2011 lại nằm ở các thi quán.

Người xem được tiếp cận với  Mai Văn Phấn và tác phẩm mới nhất của anh-  Bầu trời không mái che, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Nguyễn Phan Quế Mai  với Cởi gió, Nguyễn Bảo Chân  cùng tác phẩm Những chiếc gai trong mơ,  Đoàn Văn Mật - Lữ Thị Mai tác phẩm Giữa hai chiều thời gian, Giấc, Nguyễn Quang Hưng với Vườn ánh sáng… không có khoảng cách sân khấu.

Người xem và tác giả cùng giao lưu, chuyện trò, mời nhau chén trà, ký tặng nhau thơ. Đặc biệt, Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh mang bánh mỳ đen vào thi quán, mời người xem vừa nhâm nhi mẩu bánh, vừa đọc thơ Olga Berggoltz (nữ thi sĩ người Nga)…

Đậm đà “Sân già”

Như là một sự đối lập, Sân thơ hiện đại năm nay nghe chừng trầm lắng, thì Sân thơ truyền thống lại tưng bừng rộn rã. Người xem, người nghe vòng trong vòng ngoài. Hóa ra, nhiều người vẫn cứ yêu, vẫn cứ muốn đã là thơ thì phải có vần có điệu, vẫn phải là “tiếng nhạc tâm      tình”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bảo, khi đứng trên sân khấu, đọc bài thơ “Việt Nam yêu thương” nhìn xuống khán giả phía dưới, ông thấy trong mắt ai cũng có mùa xuân. Với Hoàng Nhuận Cầm, vui nhất vẫn là được tận mắt thấy thơ ca đang tồn tại và thơ ca vẫn luôn là quê hương duy nhất của tâm hồn.

Trên sân khấu của thơ truyền thống, người yêu thơ đã cùng nhau chia sẻ và thưởng thơ qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua những phần đọc thơ, hát thơ, ngâm thơ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và của chính các nhà thơ.

Không thay đổi quá nhiều về hình thức, song dựa trên những thi phẩm đã làm xiêu lòng bao thế hệ độc giả, lại thêm các gương mặt được lựa chọn để đứng lên sân khấu đọc thơ, đều là những người có giọng truyền cảm, từ sự mở đầu của nhà thơ Trần Hùng, cho đến Hoàng Nhuận Cầm, rồi Nguyễn Việt Chiến, Tuyết Mai hay Nguyễn Thị Mai… đã thành công trong việc níu chân khán giả.

Xen kẽ giữa những bài thơ là những ca khúc phổ thơ, khán giả không ngớt lời khen dành cho ca sĩ Thái Bảo với 2 nhạc phẩm nổi tiếng “Thời hoa đỏ” và “Màu hoa đỏ” rồi bất ngờ sôi động với sự xuất hiện của Sao Mai - Minh Chuyên cùng ca khúc “Đường cong” của Nguyễn Hải Phong… Đó là tất cả những gia vị góp thêm đậm đà cho “sân già” vốn lâu nay chịu tiếng “lép vế” trước “sân trẻ”.

Các hoạt động của Sân thơ truyền thống kết thúc bằng màn thả thơ. Suốt cả 9 mùa lễ hội qua, người xem chưa bao giờ thôi náo nức trước màn thả thơ. 50 câu thơ đẹp, thơ hay được thả lên trời, đó cũng là một chút hoài niệm, một chút mong ước và tâm tình của những người  làm thơ gửi đến mùa xuân.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hé lộ, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, diễn ra vào năm 2012 sẽ là một ngày thơ quốc tế với sự tham dự của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Hiện việc chuẩn bị cho ngày thơ độc đáo này đã được Hội Nhà văn triển khai ngay từ bây giờ.

Quỳnh Vân

Ra mắt tập thơ “Người đi tìm hình của nước”

Trong khuôn khổ của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu tập thơ “Người đi tìm hình của nước”, tuyển tập thi phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả trong và ngoài nước. Dưới cái tên chung “Người đi tìm hình của nước”, tập thơ là một bản giao hưởng xúc động và thiêng liêng, là tiếng nói đại diện của hàng triệu trái tim dâng lên Người. Trong phần “Thơ của các nhà thơ Việt Nam” bạn đọc có thể gặp lại các giọng thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Bàn Tài Đoàn, Bế Kiến Quốc, Bằng Việt, Chế Lan Viên... Đặc biệt, tập thơ cũng giới thiệu gần 30 thi phẩm của các cây bút nước ngoài như Madlein Riffaud, Quách Mạt Nhược, Pablo Neruda...