Lý giải nguyên nhân cuốn sách về đình làng Việt gây "sốt"

ANTD.VN - “Đình làng là hiện thân cho vẻ đẹp chất phác, dung dị của nền kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam”-GS.TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã viết như thế về đình làng cho lời tựa cuốn sách “Kiến trúc đình  làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1”. Một cuốn sách hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu, nhưng vừa ra đã được độc giả nhiều lứa tuổi tìm đọc. Đó cũng là “chuyện lạ”.

Mảng chạm ở đình Hoàng Xá

15 đình làng được lựa chọn để đưa vào tập sách như: Thụy Phiêu, Tây Đằng, Chu Quyến, Thổ Tang… đều là những ngôi đình nổi tiếng, tiêu biểu bấy lâu trong giới nghiên cứu sử học và cả kiến trúc. Những tư liệu, ảnh chụp, bản vẽ, khảo cứu… đều được nhóm biên soạn giới thiệu đầy đủ cùng những kiến giải tổng quát. 

Đình làng Việt có gì?

Có một điều mà các nhà nghiên cứu bảo “lạ” đó chính là việc cuốn sách được dư luận dành sự quan tâm khá đặc biệt ngay sau khi ra mắt. Cũng có thể, cuốn sách đã đáp ứng được tính thời sự trong việc tìm hiểu, nghiên cứu đình làng, cũng như cả chục năm rùm beng chuyện tu bổ tôn tạo đình cổ sai nguyên tắc, đánh tụt niên đại, làm hỏng các cấu kiện, mảng chạm, những thứ được xem như “nghệ thuật điêu khắc”.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính lý giải: “Hơn thế kỷ nay, thời cuộc đổi thay gốc rễ, công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa bùng nổ dẫn tới sự tan vỡ phần xác và phần hồn của ngôi làng Việt xưa cũ. Nó phát triển theo mô hình mở, khấm khá lên và tân tiến lên cùng công cuộc đô thị hóa cấp tập. Cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ. Và, ngôi đình làng vốn là trung tâm hành chính - tín ngưỡng - sinh hoạt cộng đồng, dần dà mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ. Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ…”.

 Không được tu bổ vì thiếu sự quan tâm, đình dột nát xiêu vẹo, nhưng nhiều nhà bảo tồn lại bảo “đó lại là cái may, chỉ xuống cấp thôi nhưng vẫn còn nguyên”. Đấy là nói chuyện, nhiều tiền mà thiếu khoa học, thiếu kiến thức và thiếu cẩn trọng, tu bổ xong thì người làng cũng không còn nhận ra hình ảnh mái đình xưa quen thuộc. Trong cuốn sách Đình làng Việt, dù chỉ đi sâu vào kiến trúc cùng các mảng chạm nhưng qua việc so sánh với tư liệu gốc, thì người đọc cũng có thể nhìn nhận rõ ràng, ngôi đình đã thiếu gì, mất gì và cả thừa gì so với nguyên gốc (thời điểm khi lập hồ sơ di tích). 

“Kiến trúc đình Thụy Phiêu sau những lần tu bổ mới đây, có tình trạng kỹ thuật khá tốt. Chỉ có điều, so với thời được phát hiện, rồi được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia, nhiều mảng chạm cổ đã được (bị) thay thế khá tùy tiện, nghi môn kiểu  “tứ trụ” cũng là sản phẩm của một đợt trùng tu gần đây”.

Hay như đình Lỗ Hạnh: “việc thay thế khá tùy tiện các cấu kiện, các trang trí đã khiến tính nguyên gốc bị xâm phạm. Thậm chí, có những chi tiết đã bị lắp đặt sai vị trí: tấm ván Nong ở Vì Nách có khắc dòng chữ “Tuế thứ Bính Tý, mạnh Xuân, tân tạo” vốn ở dưới một mảng chạm có phong cách nghệ thuật thời Mạc, nay đã bị dịch chuyển sang bên cạnh. Điều đặc biệt đáng lên án là hai chữ “Sùng Khang”- một căn cứ xác định niên đại khởi dựng cụ thể của đình Lỗ Hạnh đã bị biến mất sau lần trùng tu gần đây”.

Đình Hoàng Xá: “vì có người cung tiến nên trong nội thất đình đã lắp đặt nhiều đèn cao áp, lâu ngày, ánh sáng công suất lớn sẽ làm ảnh hưởng đến các bức chạm gỗ - có một không hai của di tích này. Cũng cần lưu ý là nhiều cấu kiện kiến trúc (cột, câu đầu) bị sơn vẽ quá lòe loẹt”…

Kết cấu khung gỗ đình Thổ Tang

Giữ lại những điều đẹp đẽ

Hơn cả tư liệu khảo cứu, cuốn sách mang đến cho người xem những hình ảnh đẹp, độc đáo nhất của từng ngôi đình. Đó là những tác phẩm điêu khắc giá trị với nhiều đề tài phản ánh đời sống xã hội của người dân đương thời trên các bức chạm khắc đình Hùng Lô (Việt Trì, Phú Thọ); hay đình Hoàng Xá (Ứng Hòa, Hà Nội)..., vốn được giới nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghiên cứu - đối sánh của nghệ thuật điêu khắc.

Hoặc ở đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), các ván Gió của hệ thống Đại Đình được chạm khắc phong phú đến mức nhiều người quên mất công năng chính của chúng. Với những kiến trúc hiện còn, đình Tây Đằng cung cấp những tư liệu vật chất quý báu về lịch sử kiến trúc truyền thống, chứng minh các đình làng có niên đại sớm chỉ có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất, tức là chỉ có duy nhất một kiến trúc mà về sau được gọi là Đại Đình.

Để có được những tư liệu quý giá này, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản Tu sửa di tích Trung ương, tiếp theo là Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích Trung ương, nay là Viện Bảo tồn di tích đã kiên trì theo đuổi công việc vừa tốn công, vừa tốn sức, ít gắn với toan tính tiền bạc: tiến hành nghiên cứu, điều tra, ghi chép, vẽ, chụp ảnh hiện trạng gần 200 ngôi đình làng từ Quảng Nam trở ra. Thời gian đó, anh chị em họa viên, kiến trúc sư phải vẽ thủ công, soi đèn dầu, thắp nến, kẻ ô vuông bằng phấn lên các bức chạm, vẽ trên giấy croquis và can lên giấy bến bằng bút sắt chấm mực tàu mài. Các ngôi đình được hồ sơ hóa từ thời ấy đã trở thành tư liệu lịch sử.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (đồng chủ biên cuốn sách) lý giải, sở dĩ chọn con số 15 đình làng đưa vào sách là bởi đây là  những ngôi đình làng tiêu biểu từ thế kỷ 16 (niên đại sớm nhất hiện còn di tích vật chất) đến thế kỷ 19. Hiện tại, trong tư liệu của Viện Bảo tồn di tích, 15 di tích đình làng này có nhiều tư liệu hơn cả. Nhiều hơn thì sách sẽ quá dày. 

“Chúng tôi không muốn gọi đây là sách nghiên cứu, dù anh chị em có không ít phát hiện mới, kiến giải mới về lịch sử, về kiến trúc và trang trí điêu khắc của các ngôi đình được chọn giới thiệu. Mục tiêu của cuốn sách là giới thiệu kết quả làm việc nhiều chục năm của Viện Bảo tồn di tích. Cung cấp tư liệu cho mọi đối tượng yêu quý di sản dân tộc. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi không ngờ sách lại được độc giả đón nhận nhiệt tình đến vậy” - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho biết.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ tiếc nuối khi trong quá trình nghiên cứu, tiếp cận các ngôi đình thì hầu như tất cả các di tích đều bị thay đổi, mất mát so với tài liệu lưu trữ đã có trước đây. Đáng buồn là nhiều đình làng bị mất các chi tiết có liên quan đến giá trị lích sử-văn hoá sau khi được trùng tu.