Lương nghệ sĩ: Còn thiệt thòi đến bao giờ?

ANTĐ - Lâu nay, hễ cứ hỏi các NSND, NSƯT về lương bổng là mọi người lại lắc đầu ngán ngẩm. NSND Lê Khanh hóm hỉnh, “nếu nói thật về lương của mình thì… mất hết cả tư thế”. Dù chuyện này đã được bàn thảo, tranh luận từ rất lâu, nhưng hễ cứ động đến thì chẳng khác nào chạm vào nỗi đau.  
Lương nghệ sĩ: Còn thiệt thòi đến bao giờ? ảnh 1

 Lê Khanh và Chí Trung là những nghệ sĩ đã cống hiến cả đời cho nền kịch nghệ

Không tương xứng với cống hiến

Có thực tế là, hầu hết các diễn viên ở mảng sân khấu truyền thống dân tộc, vào nghề khi mới 15, 16 tuổi. Ở mảng sân khấu kịch nói, thường các diễn viên trẻ tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh rồi mới đầu quân về một đơn vị nào đó. Trước đó, diễn viên được đào tạo ở hệ trung cấp và cao đẳng thì tuổi làm nghề trẻ hơn. Như NSND Lê Khanh vào Nhà hát Tuổi trẻ học khi mới 16 tuổi.

Chỉ sau một học kỳ, tức là nửa năm, chị đã cùng thế hệ diễn viên khóa đầu tiên của nhà hát này, ngày thì học, đêm thì diễn, lao động và cống hiến cho nghệ thuật từ ngày ấy. Tốt nghiệp, chị được nhận ngay vào biên chế và hưởng đúng mức lương quy định cho diễn viên được đào tạo ở hệ trung cấp. Theo quy định, người hưởng lương ở bậc đào tạo này cứ 2 năm tăng một bậc cho đến khi kịch trần.

Với một người lao động sớm như Lê Khanh thì những bậc thang lương ấy là quá ít. Cụ thể, chị được hưởng mức lương của diễn viên hạng Ba, viên chức hạng B và bậc lương cao nhất là 4,06.  “Tính đến nay, tôi đã đạt mức lương kịch trần được… 17 năm”, chị tiết lộ. Điều ấy có nghĩa, trong suốt 17 năm đó và cả những năm sau này, chị chỉ nhận được một khoản vượt mức không đáng kể dù sức lao động nghệ thuật đang sung. 

Chị và những bạn bè cùng học như NSND Lan Hương,  NSƯT Chí Trung… qua quá trình lao động nghệ thuật đã tiếp tục đi học đại học, thậm chí là học thạc sĩ và cao hơn nữa. Tuy nhiên, những kết quả này chỉ giúp nghệ sĩ mở mang kiến thức, cống hiến được nhiều hơn chứ không tác động gì vào bậc lương trung cấp được ấn định từ trước. Khoảng một thập kỷ nay, các diễn viên có xu hướng rủ nhau đi học để nâng cao kiến thức.

Ai có bằng trung cấp, cao đẳng thì học lên đại học. Người có bằng đại học thì học lên cao học. Nhiều diễn viên học thêm khoa đạo diễn ở bậc đại học. Tuy nhiên, mức lương của họ không được tăng thêm như bằng cấp, kể cả khi đã ở mức… hết bậc. Ngay cả những danh hiệu NSƯT, NSND cũng chỉ là… danh hiệu, cộng thêm một chút tiền thưởng chứ không liên quan gì đến bậc lương, vốn là một khoản thu nhập chính và lâu dài của nghệ sĩ.

Than nhiều, lương vẫn chỉ bấy nhiêu

Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết,  những nghệ sĩ đầu tiên của nhà hát đang được hưởng một mức lương rất không xứng đáng với những cống hiến của họ nhưng chúng tôi không thể phá vỡ quy định về mức lương của nhà nước. Chúng tôi cũng đã đề nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi nào.

NSƯT Đặng Bá Tài, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, anh đã đạt mức lương kịch trần từ… 10 năm nay. Những đối tượng đã quá mức lương cao nhất (đối với hệ đại học là 4,98) ở nhà hát rất nhiều. Nếu hoạt động ở lĩnh vực khác, họ có thể thi lên chuyên viên để hưởng mức cao hơn. Điều này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống hiện tại mà còn rất hữu ích khi về hưu. Không thể tự ý thay đổi quy định về mức lương nên Nhà hát Tuồng Việt Nam thường bồi dưỡng  cho những NSƯT, NSND sau mỗi buổi diễn cao hơn chút ít, nhưng số tiền này vẫn không đáng kể. 

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là cựu diễn viên Nhà hát Tuồng cho biết, theo quy định nếu muốn được nâng bậc lương thì các nghệ sĩ phải qua thi tuyển như công chức, viên chức đi lên chuyên viên. Tuy nhiên, vì diễn viên là đối tượng đặc biệt nên không thể thi chung với các viên chức khác, mà hiện nay lại chưa có cơ chế thi nâng bậc cho đối tượng đặc biệt này nên tạm thời họ vẫn phải chịu thiệt thòi. 

Nỗi khổ này đã được các nghệ sĩ kêu từ bao năm nay và không phải các nhà quản lý không biết. “Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các cấp quản lý. Ai cũng đầy tâm huyết muốn nâng hạng ngạch cho nghệ sĩ, nhưng bao năm rồi vẫn chưa thay đổi được”, NSND Lê Khanh tâm sự.

Nữ NSND trẻ nhất của Việt Nam tiết lộ thêm, nếu được yêu cầu phát biểu là chị sẵn sàng đưa ra những con số cụ thể cùng những lời tâm sự tha thiết: “Cái hạng ngạch kia không thể tương xứng với tâm thế của người nghệ sĩ hôm nay. Tại sao những luật không còn phù hợp nữa lại không thể sửa chữa được?”. Thế nhưng bao nhiêu năm đi và nói, kết quả cuối cùng… “nguyễn y vân”.