Lỗi tại… con trâu???

ANTD.VN - Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc đau lòng xảy ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đâu đâu, người ta cũng bàn tán xôn xao về cái chết thương tâm của người chủ trâu, về con trâu phản chủ. Nhưng suy cho cùng, lỗi nào phải tại con trâu!

1. Đoạn clip ghi lại cảnh con trâu quay đầu húc chủ ngay trên sân vận động nơi diễn ra vòng loại “Hội chọi trâu Đồ Sơn 2017” được cảnh báo là có yếu tố bạo lực, nên cân nhắc trước khi xem. Quả thực cảnh tượng kinh hoàng đó không chỉ ám ảnh mà còn khiến bất cứ ai dù chỉ xem qua clip đều phải rùng mình khiếp sợ. Rượt đuổi trâu và chủ trâu của đối phương không thành, con trâu này bất ngờ quay lại tấn công và hạ gục chính chủ của mình.

Người chủ bất hạnh này đã tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu vài tiếng đồng hồ, còn “thủ phạm” - con trâu cũng bị bắn chết để cơ quan chức năng lấy mẫu giám định vì nghi có tiêm chất kích thích. Song, trong khi cái chết của người chủ là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử lễ hội chọi trâu, thì cái kết dành cho con trâu không lạ. Bởi dù có gây ra cái chết thương tâm cho chủ của mình hay không thì kiểu gì nó cũng phải chết, bởi kết thúc cuộc chọi nào cũng thế, trâu thắng hay trâu thua đều bị đem đi xẻ thịt.

Giữa lúc mọi người thi nhau bàn tán về sự việc thương tâm này, cố lý giải tại sao “ông trâu” (cách con trâu chọi được gọi sau khi ra làm lễ Thành Hoàng để xung trận) lại nổi điên và gây ra tội tày đình như thế, thì bức ảnh ghi lại cảnh con trâu húc chết chủ bị trói lại ngay sau sân vận động, đôi mắt cụp xuống đầy mệt mỏi khiến người xem không khỏi xót xa. Lý giải ở góc độ khoa học, người ta nghi con trâu này bị tiêm chất kích thích vì có biểu hiện “lạ” trước khi vào trận. 

2. Xưa, ca dao có câu: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ruộng lúa, trâu cày với ta/ Cấy cày giữ nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy, ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Cũng từ bao đời nay, người đời vẫn ca tụng: “con trâu là bạn của nhà nông”.

Minh chứng là chẳng cứ gì người lớn mà trẻ con ở quê cưỡi trâu ra đồng, lội sông, thả diều trên lưng trâu là chuyện bình thường. Ấy vậy mà trong phút chốc, người bạn hiền lành ấy lại hóa thành kẻ thù hung tợn và đáng sợ của con người. Vì đâu nên nỗi? Lật lại gốc rễ của vấn đề mới thấy, thật ra con trâu nào có lỗi trong sự thay đổi ấy, mà lỗi tại con người.

Để phục vụ cho lễ hội chọi trâu, người nông dân chân lấm tay bùn trở thành người nuôi trâu chọi, những con trâu cũng được chăm bẵm không phải để ra ruộng với con người mà để đối kháng với đồng loại. Hàng ngày, thay vì đưa trâu ra đồng, người ta phải đi cắt cỏ cho trâu ăn, cho trâu tập luyện, thậm chí còn thường xuyên cho chúng ăn sâm và các loại thuốc bổ - chế độ ăn mà những người nuôi trâu chọi vẫn nói là “ăn sướng hơn người”.

Được chăm bẵm đặc biệt nên trâu chọi trong trường hợp này không còn là bạn, mà có khi hơn cả bạn của người nuôi. Thế nên, nếu quả thực trâu mà có tư duy như nhiều người nghĩ, ắt hẳn nó phải rất tức giận khi bị “bạn” chủ đẩy vào cuộc đấu mà dù có thắng hay thua thì nó vẫn cứ phải chết trong tức tưởi!

3. Trâu bao đời nay vốn chỉ tự chọi nhau trên đồng, trên đê sau mùa gặt để xác định con nào là đầu đàn, con nào cai quản con cái. Ấy là tiền đề cho sự ra đời của lễ hội chọi trâu. Nhưng cũng bao nhiêu năm nay, thay vì thích thú với những lễ hội kiểu như thế này, người ta bắt đầu thấy sợ.

Đời sống cao, người ta sang tận các nước láng giềng lân cận để mua trâu về chọi, rồi tổ chức bán vé để mọi người vào xem, thậm chí tổ chức hẳn cá cược giữa các cặp trâu chọi dưới nhiều hình thức tinh vi. Ý nghĩa phong tục truyền thống đang bị lu mờ bởi những ý đồ và sự tính toán thiệt hơn rõ rệt. 

Chẳng vậy mà nhiều người có tiền sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng ra mua trâu về, rồi bỏ tiền ra thuê người chăm trâu chọi cho mình. Cũng  không ít người nông dân sau nhiều năm làm nghề nuôi trâu chọi thuê, đã dốc hết tiền của trong nhà mua trâu, bỏ việc đồng áng chỉ để tập trung vào việc làm chủ trâu chọi. Thế nên, không ít doanh nghiệp, cá nhân “ăn vạ” nhà quản lý khi không được tổ chức chọi trâu gây thiệt hại về kinh tế. Đương nhiên, con trâu trong trường hợp này không còn đơn thuần là bạn của nhà nông.

Chưa kể, xem lễ hội chọi trâu, dù qua video clip cũng đủ khiếp sợ trước cảnh hàng rào được dựng lên rất tuềnh toàng quanh sân vận động nơi diễn ra cuộc chọi trâu. Không ít lần, trâu chọi húc đuổi người ngay trên sân, húc đổ cả rào chắn phía dưới nhưng những người này may mắn hơn khi chạy thoát, cho đến khi sự việc đau lòng trên xảy ra. Cũng chỉ khi có người tử vong vì bị trâu húc, người ta mới giật mình vì thấy công tác bảo vệ và cứu hộ tại các lễ hội này. 

Minh chứng là khi người chủ trong câu chuyện trên bị trâu húc, đã không có phương án cứu giúp kịp thời nào được thực hiện (ví như có ý kiến cho rằng: chỉ cần có xạ thủ túc trực và bắn một mũi thuốc tê để hạ gục con trâu tại chỗ và cứu người), cũng như không thấy bóng dáng của lực lượng y tế chạy vào sân để sơ cứu tại chỗ.

Thay vào đấy là một đội ngũ phá rào vào khênh nạn nhân để đưa đến bệnh viện cấp cứu, tức là hoàn toàn có thể để lỡ cơ hội cứu sống người trong tích tắc. Chung quy, việc tổ chức rõ ràng có vấn đề. Mà đã có vấn đề, thì một lần nữa, nhìn nhận ở góc này hay góc khác, lỗi cứ gì mà đổ tại cho trâu???