Lễ hội Gióng - kết tinh giá trị nghìn đời

(ANTĐ) -Việt Nam lại vừa ghi tên mình lên bản đồ Di sản phi vật thể thế giới khi Lễ hội Gióng được UNESCO xướng tên trong lần vinh danh di sản năm 2010. Đây là lần đầu tiên một lễ hội truyền thống ở Việt Nam trở thành tài sản chung cho cả nhân loại...

Lễ hội Gióng - kết tinh giá trị nghìn đời

(ANTĐ) -Việt Nam lại vừa ghi tên mình lên bản đồ Di sản phi vật thể thế giới khi Lễ hội Gióng được UNESCO xướng tên trong lần vinh danh di sản năm 2010. Đây là lần đầu tiên một lễ hội truyền thống ở Việt Nam trở thành tài sản chung cho cả nhân loại...

Lễ hội của khát vọng hòa bình

Là một vị thánh thuộc nhóm “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hiện ở Hà Nội, có tới 4 nơi thờ phụng Đức Phù Đổng Thiên vương, nhưng chính hội vẫn là ở làng Phù Đổng, Gia Lâm, nơi Đức Thánh Gióng sinh thành và Phù Linh, Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng hóa. Không như phần lớn văn hóa phi vật thể khác, hoặc là thay đổi, hoặc là mai một trước thách thức của xã hội đương đại, cả nghìn năm nay, những giá trị truyền thống, của tín ngưỡng tâm linh trong Lễ hội Gióng vẫn luôn được bảo lưu, bồi đắp, trao truyền khá liên tục, toàn vẹn qua nhiều thế hệ.

Lễ hội Gióng tại làng Phù Đổng - Gia Lâm
Lễ hội Gióng tại làng Phù Đổng - Gia Lâm

Có điều lạ là trải qua bao biến động của lịch sử cùng không ít sự đổi thay của hình thái kinh tế xã hội, chiến tranh, sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa nhưng Hội Gióng vẫn tồn tại độc lập và bền vững. Khi đánh giá về Hội Gióng, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: “Lễ hội như một bảo tàng văn hóa, lưu giữ nhiều lớp phù sa tín ngưỡng”. Đi sâu vào tìm hiểu sẽ thấy những phong tục, những nghi thức trong lễ hội ẩn chứa cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học, đó còn là sự hòa hợp trong gia đình và điều lớn lao hơn cả là mong ước về một cuộc sống hòa bình, độc lập, tự cường.

 Nếu giá trị độc đáo nhất của Hội Gióng ở Gia Lâm là người dân tái hiện chiến công của người anh hùng bằng hội trận, bắt đầu từ lúc chuẩn bị lực lượng, lương thực, lương thảo cho tới khi vào thắng giặc, tha bổng tù binh... thì Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn lại diễn tả hành động của một người anh hùng không màng danh lợi nơi cõi trần, thanh thản về trời sau khi hoàn thành nhiệm vụ. PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật khẳng định: Lễ hội này chứa đựng những sáng tạo văn hóa của nhiều thế hệ người Việt cùng các tín ngưỡng cổ xưa như tín ngưỡng thờ đá, thờ các vị thần tự nhiên, thờ tổ nghề, thờ anh hùng dân tộc...

Nhiều đời ca tụng

Căn cứ vào nhiều thư tịch cổ, ngay từ thời Lý, Lễ hội Gióng đã được đặc biệt quan tâm. Các vương triều sau đó như Trần - Lê cho tới Nguyễn... lễ hội này vẫn luôn được đặc biệt coi trọng. Những năm đầu thế kỷ 19,  nhà nghiên cứu người Pháp, G.Dumoutier đã dành cho Hội Gióng những nhận xét đầy thiện cảm “Hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cỗi của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra 2.350 năm trước?”.

 Sau này, những tài liệu ghi chép điền dã của GS.TS Nguyễn Văn Huyên (năm 1938) và GS. Trần Quốc Vượng (1987) đều cho thấy Hội Gióng vẫn giữ được tính thống nhất và sự nguyên vẹn. Theo GS. Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cái lõi ban đầu của Hội Gióng là Lễ hội nông nghiệp, nhưng đến thời Lý - Trần, Hội Gióng bắt đầu trở thành hội trận mang tính biểu tượng, tái hiện cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Sự phát triển đó đã giúp Hội Gióng sống mãi trong nhân dân và được chính nhân dân bồi đắp, tạo tính cộng đồng độc đáo.

Bảo tồn thế nào?

Không chỉ khi Hội Gióng được UNESCO tôn vinh là Di sản phi vật thể của nhân loại, những vấn đề bảo tồn mới được đặt ra. Bà Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, việc quan trọng nhất của bảo vệ Hội Gióng trong cuộc sống đương đại là phải giữ được tính cộng đồng. Cần để Hội Gióng tồn tại như vốn có để cộng đồng tự tổ chức, điều hành lễ hội của họ và đừng “Nhà nước hóa lễ hội”, “nâng tầm” thành “sự kiện” của toàn xã hội, thành lễ hội của Quốc gia. Mặt khác, cần giúp cộng đồng nhận thức rõ vấn đề này và can ngăn sự ngộ nhận về văn hóa, cho rằng mình là nhất và sáng tạo theo kiểu bắt chước để trở thành nhất. Điều đó sẽ nhanh chóng làm biến dạng di sản.

Được công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, được cả thế giới biết đến và tôn vinh, đó là niềm vinh dự còn là sự tự hào. Tuy nhiên, việc UNESCO công nhận điều đó cũng khiến Hội Gióng phải đối mặt với nhiều thách thức, lễ hội sẽ được nhiều người biết đến hơn, số lượng khách thập phương trảy hội sẽ cao hơn, họ đến với hội vì tâm linh cũng có, vì giải trí cũng có, bên cạnh đó còn có một lượng khách không nhỏ đến chỉ vì sự hiếu kỳ.

Chính vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền giá trị di sản, các nhà quản lý, cần phải xây dựng cả một chiến lược tuyên truyền vận động du khách ứng xử với di sản thế nào cho phải... Trong một cuộc hội thảo về “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại”, bà Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã từng đưa ra khuyến nghị đối với các nhà quản lý văn hóa và du lịch: “…đừng tính tới việc khai thác Hội Gióng để phát triển du lịch, hãy để Hội Gióng là di sản văn hóa tâm linh, tồn tại bình yên trong cộng đồng bé nhỏ của nó”.

Vân Quế