Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết

ANTD.VN - Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà người xưa đã sáng tạo ra một truyền thuyết liên quan đến con trai Thủy Thần vâng mệnh thầy giáo danh tiếng Chu Văn An cứu hạn cho dân. Dù mất đi sinh mệnh, nhưng người học trò kia đã cứu dân và tặng ban cho ngôi làng chẳng liên quan một “quản bút” phát đường khoa bảng.

Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết ảnh 1Nhà thờ họ Nguyễn (khai khoa) ở làng Tả Thanh Oai

Địa chí Tó Tả

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội đầy tự hào khi nói về quê hương mình. Với một người yêu mến quê hương như ông thì những sự tích cổ điển lẫn sử làng cứ là thuộc làu. Ông chắc như đinh đóng cột rằng làng ông là xứ thôn cổ nhất đất Thanh Trì.

“Làng có tên Nôm là Kẻ Tó, còn gọi là Tó Tả để phân biệt với làng Tó Hữu bên kia sông Nhuệ. Tó Tả là một làng quê nổi danh khoa bảng, văn chương được ghi chép nhiều trong các thư tịch, sách vở và qua nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú còn được lưu giữ tại làng như văn bia, bản khắc gỗ hay gia phả dòng họ. Trong đó, rất đáng chú ý là cuốn “Lư sử điển yếu điều lệ”. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa từng thấy tài liệu nào thuộc loại hình gọi là “Lư sử”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết. 

Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết ảnh 2Đền thờ họ Ngô Thì, nơi gắn bó với “Ngô gia văn phái”

Trong quá trình tìm hiểu về Tả Thanh Oai, chúng tôi có tìm được một tư liệu gọi là “Dư địa chí” của Nguyễn Trời ghi rằng “Tó Tả là một trong bốn kinh trấn phên giậu phía Nam của kinh đô Thăng Long”. Ấy vậy mà theo điển tích của Tó Tả thì làng này đất đai không lấy gì làm màu mỡ nên có câu “ruộng làng Tó chó chạy hở đuôi”. Nhưng tại đây có đường thiên lý tây đạo chạy qua, lại là nơi sông Tô nhập vào sông Nhuệ thành đầu mối giao thông thủy lớn, trên bến dưới thuyền giao thương tấp nập. 

Do vậy từ xưa, người kẻ Tó đã quen với buôn bán và có nhiều nghề phụ như làm bánh đúc, bún, xôi chè và nấu rượu. Nhiều người chắc còn nhớ bài đồng dao: Xoa xoa xuýt xuýt/Bán quýt chợ Đông/Bán hồng chợ Tó/Bán vó cho vua. Chỉ thế thôi, cũng đủ nói về vùng đất buôn bán tấp nập Tó Tả. Không chỉ có vậy, theo một tài liệu cổ mà chúng tôi được cung cấp thì Tó Tả chính là vùng đất “Ai Lao tiến tượng”. Xưa, người Ai Lao đưa voi vào kinh đô tiến cống Đại Việt thì Tó Tả là nơi dừng nghỉ cho voi ăn uống trước khi phái đoàn vào kinh thành.

Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết ảnh 3Đình Hoa Xá, nơi gần vị trí “quản bút” trong truyền thuyết

“Quản bút” rơi trúng làng

Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính khi ghi chép về sự tích con trai Thủy Thần có viết rằng: Vào thời nhà Trần có danh nho tên là Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan, ông trở về quê hương mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong số học trò của thầy có một thư sinh rất chăm đến nghe thầy giảng nhưng không rõ tung tích. Thầy cho trò lần tìm mới hay thư sinh đó học xong thường đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm thì mất tích. Chu Văn An biết đó là thủy thần.

Thời ấy, phải năm đại hạn, dân tình đói khổ, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là thủy thần đến bảo có cách gì cứu dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy ra khắp bốn phương. Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực. Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về bờ đầm, bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thầy trò ra đầm không thấy thư sinh đâu, chỉ thấy có một xác thuồng luồng nổi dưới đầm. 

Thầy giáo Chu Văn An cùng học trò và dân chúng trong vùng mai táng xác thuồng luồng, lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, biến thành làng văn.

Ông Nguyễn Tiến Hưng bảo rằng: “Nhiều người chỉ coi đấy như một giai thoại để giải thích địa danh Đầm Mực và làng văn khoa Tó Tả. Nhưng thực tình, chúng tôi vẫn cho đấy là một câu chuyện thật. Câu chuyện đã giúp tiền nhân chúng tôi như bước ra từ cổ tích, giúp cho làng nổi danh thiên hạ”.

Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết ảnh 4Cầu Minh Ngự Lâu, nơi ghi dấu ấn cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm

12 nhân kiệt đỗ tiến sĩ, làm quan to

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất, chỉ ở những vùng quê Nho học khoa bảng, có đội ngũ Nho sĩ đông đảo mới soạn ra những cuốn sách chữ Hán - Nôm quy mô đồ sộ, như làng Quỳnh Đôi ở Nghệ An có sách “Quỳnh Đôi hương biên”; làng Đông Ngạc ở Từ Liêm (Hà Nội), có “Đông Ngạc xã chí”. Và có thể nói, những sách đó chỉ là “chí” hoặc “biên”, hoặc “ký”, còn “lư sử” thì chỉ thấy ở Tả Thanh Oai.

“Nếu như tiền nhân biên soạn được cuốn sách hay, ghi lại luật lệ thì chúng tôi lại giữ được luật lệ ấy. Không chỉ vậy, chúng tôi còn lưu được khá toàn vẹn các đền thờ, các văn bia xưa chứng minh cho khoa danh rạng rỡ của làng”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho hay.

12 tiến sĩ và nhiều cử nhân, hương cống cùng họ, tên, năm đỗ, chức quan của các tiến sĩ đó được ghi trên tấm bia “Lịch triều đại khoa”, dựng tại Văn Chỉ làng. Người khai khoa của Tó Tả là Nguyễn Chỉ, đỗ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa đời Lê Nhân Tông. Thứ hai là Tiến sĩ Nguyễn Khánh Dung đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Quốc Tử giám Tế tửu. Sau đến Ngô Tuấn Dị đời Lê Hy Tông, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Tiến sĩ thứ tư là Ngô Vi Thực làm quan Lễ khoa Cấp sự trung, sau được cử đi đốc chiến ở Cao Bằng, tử trận. Tiếp đến là Ngô Vi Nho làm quan Giám sát Ngự sử.

Rồi Ngô Đình Thạc làm Phó sứ sang nhà Thanh, sau phong Thượng thư Bộ Binh, tước Quận công. Khoảng năm 1739, ông giữ chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Hộ, đặc phái lên trấn thủ Lạng Sơn, không may bị sa vào tay giặc, như sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi: “Đình Thạc giữ tiết tháo, không chịu khuất phục, để chết”. Tiếp nữa là Ngô Đình Chất, trải nhiều bước thăng trầm rồi cũng làm tới Thượng thư Bộ Binh. Tiến sĩ thứ tám là Nguyễn Tông Trình, hiệu Song Ngạc, nổi tiếng văn hay và đức độ.

Làng khoa bảng có 12 tiến sĩ "bước ra" từ truyền thuyết ảnh 5Ngô Thì Sĩ - người cho dời thành Lạng Sơn và mở mang động Nhị Thanh

Ngô Thì Sĩ đỗ đầu khoa chọn người giỏi, được chọn làm tùy giảng cho Thế tử Trịnh Sâm. Sau này đỗ Hoàng giáp làm Đốc trấn Lạng Sơn. Ông chính là người cho dời thành Lạng Sơn lên núi Lộc Mã, mở mang động Nhị Thanh trở thành một thắng tích nổi tiếng.

Con trai ông là Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm làm thầy dạy Trịnh Khải. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Ngô Thì Nhậm theo Tây Sơn, được Nguyễn Huệ xếp cùng Ngô Văn Sở cai quản Bắc Hà. Chính Ngô Thì Nhậm là người đề ra kế rút lui về Tam Điệp, tạo thời cơ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Sau Thì Nhậm có Nguyễn Nha và Ngô Điền đỗ tiến sĩ, làm quan to và để lại nhiều trước tác văn chương cho hậu thế.

“Ngoài việc nổi tiếng là làng khoa bảng thời phong kiến, Tó Tả còn là quê hương của “Ngô gia văn phái”. Tổng số các tác phẩm của “Ngô gia văn phái” lên đến 36 bộ sách phản ánh được nhiều mặt đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của nước ta từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Đó là giai đoạn có biết bao biến động to lớn dưới các triều Lê - Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn”.

Ông Lưu Đình Hùng (Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa UBND xã Tả Thanh Oai)