Ký ức rạp chiếu phim xưa

ANTĐ - Ngày 23-11, rạp chiếu phim Dân Chủ trên phố Khâm Thiên thông báo đóng cửa chỉ với một tờ giấy bằng nửa tờ A4. Dòng chữ lạnh lùng đó khiến cho không ít người Hà Nội bỗng tiếc nuối, hoài niệm về một thời tưởng như mới đây thôi mà đã xa vời vợi. Cái thời của những năm 80 của thế kỷ trước, rạp chiếu phim ở Hà Nội hoạt động hết công suất và xem phim trở thành nét văn hóa, lối sống của người dân. 

Ký ức rạp chiếu phim xưa  ảnh 1Nhiều người sững sờ vì rạp Dân Chủ dừng hoạt động

Dĩ vãng hoàng kim

Nhiều người Hà Nội bây giờ vẫn còn đọc vanh vách tên các rạp chiếu phim ở Hà Nội, có đến hơn 20 rạp nổi tiếng như: rạp Bạch Mai trên phố Bạch Mai, rạp Đại Nam trên phố Huế, rạp Tháng Tám và rạp Kim Đồng trên phố Hàng Bài... Thời những năm 1980, rạp Tháng Tám nổi tiếng nhất và luôn kín chỗ. Ngày ấy, hàng tuần, cửa rạp cứ thay đổi đều đều pano giới thiệu phim mới đến mức đủ ăn đủ sống cho nhóm họa sỹ chuyên vẽ pano.

Hàng loạt rạp chiếu phim trên các phố Hàng Quạt, Hàng Chiếu, Hàng Cót, Lò Đúc, Bạch Mai, Huế, Hàng Bài, Hàng Trống… với cơ man các phim truyện được xây dựng từ các tiểu thuyết kinh điển như “Thầy Lang”, “Những con chim xanh”… Đặc biệt phải kể đến bộ phim nổi tiếng khoảng năm 1983 của Ấn Độ: “Tình yêu và giọt nước mắt”. Các rạp ở Hà Nội năm đó chiếu bộ phim này 24/24h. Vé bán ra có giá tới tận 125 đồng/đôi.

Phim không đủ cho các rạp cùng chiếu nên phải chiếu liên hoàn, rạp này chiếu xong một cuốn mang sang rạp khác chiếu tiếp. Cứ như vậy bộ phim này tung hoành cả ngày lẫn đêm ở tất cả các rạp. Thời đó ở các rạp chiếu phim cũng chứng kiến vô số chuyện cười ra nước mắt. Ngày đó, cứ đến hè 8h sáng là tất cả dắt nhau đi xem phim ở rạp Kim Đồng. Thời thiếu niên của lứa tuổi 6X, 7X được xem rất nhiều phim hay ở rạp Kim Đồng như “Ba người lính ngự lâm”, “Nàng tiên cá”, “Những người báo thù không bao giờ bị bắt”, “Adela chưa ăn bữa tối”… chủ yếu là phim của các nước xã hội chủ nghĩa. 

Buồn cười nhất là mấy rạp phim này đều áp lưng vào nhà dân, thế là lũ trẻ con tìm cách trốn vé bằng cách trèo từ nhà vệ sinh khu dân cư sang nhà vệ sinh rạp chiếu phim rồi lẻn vào phòng chiếu. Ban đầu thì cũng trót lọt nhưng sau rạp cử hẳn bảo vệ đứng rình ở nhà vệ sinh bắt được đứa nào thì véo tai đến đỏ ửng mới thôi. Vẫn chưa hết chuyện, xem phim ở rạp Kim Đồng bực mình nhất là có khi đến giờ chiếu rồi mà chưa có điện, ngồi chờ có điện để xem phim.

Đang xem phim thì mất điện lại ngồi chờ, chờ đến lúc rạp thông báo hủy, khán giả ra nhận lại vé rồi ngày mai đến xem bù. Rồi có hôm, đang xem phim thì trời mưa, nước mưa cứ thế theo ống thông khí trên trần chảy thành dòng vào rạp, tiếng thuyết minh xen lẫn tiếng mưa rơi. 

Ký ức rạp chiếu phim xưa  ảnh 2

Rạp Tháng 8 - rạp chiếu phim truyền thống của người Hà Nội

Thoái trào không phanh

Ngày đó, đi xem phim là vất vả lắm, phải xếp hàng mua vé cả mấy tiếng nếu không phải mua lại của “phe”. Dân “phe” vé hoạt động mạnh. Nhưng dần dần, các rạp xuống cấp, quạt trần không đủ mạnh để xua đi cái nóng mùa hè nhiệt đới, phim nhập về cũng ít phim hay. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, rạp chiếu phim ở Hà Nội vắng dần. Cũng nhiều lý do, từ phim không hay, rạp nóng, ghế gãy… và cả lý do khách quan do công nghệ. 

Cho đến những năm đầu 1990, khi đầu video đã tràn ngập trong các gia đình thì rạp chiếu phim ở Hà Nội vắng khách trầm trọng. Rạp vắng khách đến mức ngày đó, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Lưu Trọng Hồng còn mừng rỡ “Rạp Tháng Tám đã có những buổi chiếu bán được trên 10 vé”. Ôi thời oanh liệt nay còn đâu?! Hàng loạt các rạp chiếu phim bắt đầu từ đó bị chuyển đổi mục đích. Rạp Kim Đồng thành bãi gửi xe ô tô. Rạp Đại Đồng, Mê Linh thành vũ trường.

Nhưng cũng có những rạp kéo được khán giả đến đều đặn như rạp Ngọc Khánh nhờ chiếu phim nổi nhưng khán giả đến cũng chỉ vì tò mò như đi xem đầu video. Chỉ có rạp Fanlands trên phố Lý Thường Kiệt là đông khán giả đều đặn do lựa chọn được những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam và thế giới như “Cuộc sống tươi đẹp”, “Casablanca”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”. 

Bừng lên kiểu mới

Rạp chiếu phim ở Hà Nội đông khán giả trở lại bắt đầu từ năm đầu thế kỷ 21. Sau bộ phim gặt hái Oscar “Titanic”, các nhà phân tích nước ngoài mới thống kê có đến hơn 2 triệu lượt người dân Việt Nam xem phim này nhưng là qua video lậu. Nếu các rạp nhập phim về chiếu thì sẽ lãi lớn. Rút kinh nghiệm, từ bộ phim “Xác ướp Ai Cập” chiếu năm 2000, khán giả đã bắt đầu đến các rạp. Nhưng lúc này các rạp truyền thống lại bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các rạp hiện đại mới mở với máy lạnh, âm thanh lập thể, ghế ngồi thoải mái hơn.

Ban đầu là Trung tâm chiếu phim Quốc gia, rồi đến các rạp hiện đại khác trên các cao ốc với hàng loạt phim “bom tấn”.Đi xem phim bây giờ là  hoạt động vui chơi giải trí  của đa số người dân. Nhưng họ thích rạp hiện đại chứ ít đến các rạp truyền thống. Rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên từng thu hút rất đông khán giả ngay từ những năm 1990 khi mới tân trang. Ngày đó, rạp Dân Chủ duy nhất có ghế đôi cho những đôi trẻ, phim chiếu cũng được lựa chọn kỹ. Nhưng mới đây, rạp Dân Chủ đã thông báo tạm dừng hoạt động, dù với lý do gì thì người Hà Nội vẫn thấy nao lòng, tiếc nuối. Mỗi khi đi qua các rạp chiếu phim truyền thống lại thấy cả một thời xa xưa bỗng ùa về…