Kuala Lumpur - Nơi hội tụ của những dòng sông

ANTD.VN - Kuala Lumpur, thủ đô cũ của Malaysia, theo tiếng bản địa có nghĩa là “Nơi hội tụ của những dòng sông”. Có lẽ chính vì vị trí địa lí của thành phố nên mới sinh ra tên gọi như vậy.

Putrajaya

Bạn theo đạo nào?

Malaysia là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo với 4 nhóm người chính là người Mã Lai, người gốc Hoa, người Ấn Độ và người châu Phi. Vì thế, mặc dù ngôn ngữ chính thống ở đây là tiếng Mã Lai, song mỗi người dân đều có thể nói được rất nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Mã, tiếng Ấn, tiếng Trung và tiếng Anh. Trên ti vi có các kênh riêng cho mỗi cộng đồng tôn giáo. Cũng như nhiều quốc gia đa sắc tộc khác, hầu hết các công dân có nước da sẫm màu luôn bị thua kém về địa vị xã hội. Những người này thường đảm nhận các công việc phổ thông như quét dọn, vệ sinh, bốc vác… chứ hiếm khi thấy người da vàng nào lại chịu làm những công việc đó.  

Là một quốc gia đa tôn giáo nên ngay cả khi làm việc người ta vẫn tôn trọng tôn giáo của nhau, đồng phục ở các cơ quan đều phải thay đổi một chút cho phù hợp. Các nữ nhân viên hải quan theo đạo Hồi ngoài bộ quân phục màu tím than như đồng nghiệp còn choàng thêm một chiếc khăn cùng màu. Suốt quãng thời gian ở đây, tôi thường xuyên phải trả lời câu hỏi “Bạn theo đạo nào?”. Người Mã Lai rất quan tâm và coi trọng tôn giáo của bạn. Tôi nhớ lúc ở nhà, có anh đồng nghiệp từng đi Israel về nói rằng, đến các quốc gia đa tôn giáo, có ai hỏi theo đạo nào cứ nói là đạo Phật cho yên tâm, vì người theo đạo nào cũng quý đạo Phật cả. 

Xích lô ở Melaka

Thành phố thiên nhiên

Một trong những ngành công nghiệp chính của Malaysia là sản xuất dầu cọ. Trên xa lộ từ sân bay vào thành phố, hai bên bạt ngàn đồi cọ, ngay cả trong nội thành cây cọ cũng xuất hiện khắp mọi nơi. Ngoài cây cọ thì đi đâu tôi cũng nhìn thấy những gánh hàng rong bán chôm chôm và măng cụt. Quả măng cụt là biểu tượng cho đất nước Malaysia. Dân bản xứ quen gọi là quả mắt mèo.

Khí hậu nơi này nóng ẩm và quanh năm chỉ có hai mùa, nên David, một hướng dẫn viên du lịch gốc Ấn sắp sang Việt Nam để xin việc, hỏi tôi ở Việt Nam khi nào thì mùa đông tới bởi vì anh chưa được nhìn thấy mùa đông bao giờ. Kuala Lumpur địa hình đồi núi, vì thế chính phủ cho xây dựng rất nhiều cầu vượt. Đặc biệt ở đây có cả tàu điện trên không. Vô hình trung điều đó đã mang lại cho thành phố một sắc thái công nghiệp và hiện đại. 

Nhiều khi đã quen mắt với những tòa cao ốc trong thành phố, những cây cầu vượt hiện đại với lưu lượng giao thông dày đặc, bạn chỉ cần rẽ vào một sườn đồi nhỏ là đã cảm thấy như được bước vào một thế giới khác, một công viên sinh thái rộng lớn có dáng dấp của những cánh rừng nhiệt đới với khung cảnh nên thơ, thanh bình. Ở đây người ta duy trì nguyên vẹn cảnh quan tự nhiên, chỉ chăng lưới bên trên và xung quanh thung lũng cho chim chóc khỏi bay đi nơi khác.

Từng bầy khỉ kéo nhau ra đường cái, tay cầm bánh mì, hoa quả ngồi bên vỉa hè trố mắt ngắm những đoàn ô tô đi qua. Sự đa dạng về kiến trúc ở Kualalumpur cũng là một trải nghiệm thú vị. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời mọc san sát là các công trình mang phong cách đạo Hồi với mái nhà hình củ tỏi được thiết kế hết sức cầu kì. Nhiều lúc tôi lầm tưởng đó là các đền thờ nhưng thực ra chỉ là trụ sở của cơ quan hành chính. 

Đi xích lô ở Melaka

Đến Malaysia, nhất thiết phải đi Melaka nữa cho đủ lệ bộ. Từ Thủ đô đi ngược chừng 160 km lên biên giới, địa phận tiếp giáp Singapore, sẽ được chiêm ngưỡng một điều thú vị nữa của đất nước này. Thành phố cổ Melaka nhỏ bé với những con phố chật hẹp đỏ rực màu gạch của kiến trúc Hà Lan. Từng bị người Hà Lan đô hộ nên những công trình cũ còn mang đậm phong cách châu Âu.

Nhà thờ St.Paul, nhà thờ St.Peter, vòi phun Victoria, tháp đồng hồ, pháo đài A’Famosa pha trộn với kiến trúc đặc trưng của các giáo đường Hồi giáo, đền thờ Hindu và những ngôi chùa Trung Hoa tạo nên một âm hưởng đặc biệt của vương quốc Hồi giáo cổ nhất Malaysia. Còn được gọi là thánh địa Melaka, thành phố này chính thức được UNESCO công nhận là di tích lịch sử từ tháng 7-2008.

Đến Melaka, đầu tiên người ta sẽ đổ xô ra Quảng trường Đỏ. Nơi này vô cùng nhộn nhịp và thú vị như một công viên nhỏ ở châu Âu. Những ngôi nhà xung quanh quảng trường còn giữ nguyên màu gạch như thời thuộc địa. Ở đây tập trung hàng trăm xích lô sẵn sàng chở khách lên đồi St.Paul (Bukit St.Paul). Xích lô ở đây cực thú vị. Nếu không sẵn sàng chi vài chục ringgit  cho một cuốc xích lô thì chuyến đi du ngoạn thánh địa cổ xưa mất nửa phần ý nghĩa. Xích lô Melaka ngược với xích lô của ta, nghĩa là người lái ngồi đằng trước, khách ngồi đằng sau.

Xích lô được trang hoàng lộng lẫy bằng các loại hoa giả xanh, đỏ, tím, vàng như thể kiệu hoa. Trên có chiếc ô cũng rực rỡ không kém. Xe còn trang bị cả cassette. Mỗi lần người lái khởi động, cassette được bật lên, toàn nhạc dance. Ngồi trên xe hoa, cho dù có nảy lên nảy xuống trên con phố cổ trải đầy đá hộc, nghe giọng Enrique Iglesias, Ricky Martin hát ầm ĩ từ các xích lô qua lại thực ngộ nghĩnh và vui nhộn. Du khách nước ngoài chễm chệ trên xe không người nào nén được nụ cười.

Nhà văn Di Li 

Putrajaya - những giấc mơ thế kỷ

Lần thứ hai sang Malaysia, do chưa cập nhật thông tin nên tôi vẫn đinh ninh rằng Kuala Lumpur là thủ đô của người Mã. Thấy mọi người nói rằng “Chúng tôi đổi thủ đô từ lâu rồi”, tôi hơi ngường ngượng. Putrajaya giờ đã là trung tâm hành chính mới, cách Kuala Lumpur chừng 30 km, được khởi công xây dựng từ năm 1995. Tuy vậy, Kuala Lumpur vẫn được coi là thủ đô chính thức, còn Thủ đô Putrajaya theo khẩu ngữ thực chất chỉ là một trung khu hành chính mà trong đó nhiều cơ quan của Chính phủ đã được chuyển về đó. Trong tiếng Mã Lai, “Putra” nghĩa là “người con trai”, còn “Jaya” là “thành công”. 

Đường đến Putrajaya rất thông thoáng. Trên xa lộ rộng lớn, các phương tiện đi lại thưa thớt, rồi thành phố trong mơ đã từ từ hiện ra trước mắt với con sông nhân tạo bao quanh và 9 cây cầu dây bắc ngang mô phỏng hình ảnh cánh buồm. Toàn bộ khu vực từng là một mỏ thiếc bỏ hoang, đất đai khô cằn sỏi đá đã được san phẳng trong vài năm và hình thành một thành phố hiện đại bậc nhất châu Á với các cảnh quan thiên nhiên đều là nhân tạo.

Người nào từng chứng kiến vùng đất trước và sau khi hình thành Putrajaya dễ cho rằng, nếu vị thần đèn có phù phép thì cũng đến thế này mà thôi. Kiến trúc của Putrajaya hiện đại, song vẫn mang âm hưởng chính của Arập với các mái nhà hình củ tỏi màu hồng và xanh ngọc. Nó bao gồm giáo đường Putra (Putra Mosque), cầu Putra, quảng trường Độc lập Putrajaya, tượng đài Thiên niên kỷ… 

Putrajaya được coi là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là thành phố trong mơ mà con người vẫn hình dung. Nó không có rác bẩn, không có ô nhiễm môi trường, không có trộm cắp, không có tệ nạn, không có những thứ liên quan đến khái niệm cũ kỹ, xấu xí, bẩn thỉu, ngu dốt và lạc hậu. 40% diện tích thành phố là cây xanh và hồ nhân tạo (tận dụng từ các mỏ thiếc cũ), công dân của thành phố được tinh lọc - công dân thông thái (chỉ những trí thức làm việc trong các văn phòng trực thuộc Chính phủ mới được đến sống ở đây) và đặc biệt, nó còn là một “thành phố thông minh”.

Putrajaya là thủ đô điện tử đầu tiên của châu Á. Toàn bộ thành phố được quản lý và hoạt động bằng tin học. Ở đây cư dân không biết đến tiền bạc, chìa khóa, trẻ con không cần mang cặp sách nặng chình chịch vì mỗi công dân đều được cấp một thẻ điện tử với đầy đủ thông số cá nhân như tên, tuổi, nhóm máu, công việc, địa chỉ nhà… Tất cả việc thanh toán, chuyển giao tài chính, mở khóa nhà, đi xe buýt, truy cập mạng… đều được sử dụng bằng thẻ từ này.

Trẻ em được dạy và học trên máy vi tính, làm bài tập và kiểm tra thông qua mạng trực tuyến. Tất cả các khu vực dân cư và văn phòng làm việc đương nhiên đều được nối mạng cáp quang. Nhất cử nhất động đều được điều khiển bằng điện tử. Thực cứ như chuyện khoa học viễn tưởng. Giờ thì mọi người dân Mã Lai đều mơ sẽ có ngày được chuyển đến sống ở thành phố ước mơ đó. Tôi thì cho rằng, bất kỳ người dân nào trên thế giới, trong đó có tôi, cũng mơ ước sẽ có một ngày thành phố của mình biến thành… thông minh.