Không thể coi di sản chỉ là nguồn tài nguyên sinh lợi trước mắt

ANTD.VN -Tại “Hội thảo Quốc tế: Vai trò của du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên” diễn ra trong hai ngày 16 và 17-12-2017 tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức, phần lớn các đại biểu chỉ ra rằng nhiều người coi các di sản văn hóa và thiên nhiên chỉ là mục tiêu để sinh lợi trước mắt.

Không thể coi di sản chỉ là nguồn tài nguyên sinh lợi trước mắt ảnh 1

Toàn cảnh “Hội thảo Quốc tế: Vai trò của du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên”

Theo các đại biểu, đây chính là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tính bền vững và mức độ an toàn cho hệ thống các di sản thế giới.

Thiếu tôn trọng tính nguyên gốc của di sản

Không thể coi di sản chỉ là nguồn tài nguyên sinh lợi trước mắt ảnh 2

 Vịnh Hạ Long – một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế

 Không khó để chỉ ra một số thất bại trên lĩnh vực văn hóa du lịch bởi va phải nguyên nguyên này. Ở châu Á, hòn đảo Bali xinh đẹp tại Indonesia đã mải chạy đua mọi giá vì lợi nhuận, dẫn đến hầu như toàn bộ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa bản địa vốn độc đáo của vùng đất này đã bị biến dạng trong thời gian chưa đầy một thập kỷ. Cố đô Ayutthaya đại diện cho nền văn minh của đất nước Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự, bị UNESCO cảnh báo đưa ra khỏi danh mục di sản văn hóa thế giới, mà nguyên nhân là tác động ồ ạt của du lịch.

Còn ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long – một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, đã không chỉ một lần UNESCO cảnh báo bởi sự tấn công của các dự án kinh tế dẫn đến tình trạng làm thay đổi cảnh quan, môi trường, sinh thái, đi ngược lại các tiêu chí mà Việt Nam đã cam kết theo Công ước Quốc tế Bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên.

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chia sẻ: “Ngoài việc can thiệp thô bạo vào môi trường, cảnh quan thiên nhiên, các công trình dịch vụ thương mại của ngành du lịch còn làm biến dạng giá trị văn hóa phi vật thể”. Tại một số quốc gia, người dân địa phương đã kết hợp với các công ty du lịch tạo nên những công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa giả tạo, khôi phục và khai thác các hủ tục vốn là tàn dư lạc hậu từ quá khứ, chế ra các lễ hội mang màu sắc lai căng từ các nền văn hóa xa lạ để nhử mồi, thu tiền du khách.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cụ thể: “Còn ở nước ta, đã xuất hiện những hiện tượng biến tướng các nghi lễ tâm linh thuần khiết, đưa một số loại hình âm nhạc và nhạc cụ dân tộc ra khỏi môi trường sinh hoạt truyền thống của chính các loại hình văn hóa này”. Ví như việc đưa hầu đồng vào biểu diễn trong vũ trường để hút khách từng gây xôn xao như luận; hay, sáng tạo cung văn với dàn trống dân tộc đệm thêm đàn guitar điện và ogran khi trình diễn nghi thức thờ Mẫu...

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Các hiện tượng đó khiến các hình thái văn hóa và di sản văn hóa ngày càng mất đi các giá trị chân thật cốt lõi của di sản, làm cho di sản dần mất đi tính hấp dẫn vốn có, trở nên nghèo nàn và biến dạng. Cái đó không phải là bảo tồn văn hóa mà là phá hoại văn hóa”.

Đừng biến di sản thành trung tâm giải trí

Không thể coi di sản chỉ là nguồn tài nguyên sinh lợi trước mắt ảnh 3

Du khách đến Việt Nam mong muốn được thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên hang Sơn Đoòng – hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

Theo ông Đoàn Anh Tuấn - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam: “Di sản văn hóa là vô giá, mất đi không bao giờ có lại, còn các công trình dịch vụ giải trí dù hiện đại đến đâu cũng chỉ tính bằng tiền, có thể phá đi làm lại dễ dàng. Hấp dẫn du khách là di sản văn hóa chứ không phải các công trình dịch vụ giải trí”. Ông Đoàn Anh Tuấn nói thêm: “Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo rằng: du khách đến không phải để được ăn nghỉ trong khách sạn nhiều sao, được thưởng thức những thú vui hiện đại, được mua sắm những thứ đắt tiền”. Du khách đến Việt Nam với mong muốn tìm hiểu bản sắc độc đáo của quốc gia mà họ đặt chân tới, nơi lưu giữ các di sản văn hóa riêng và chung của loài người.

“Rất đáng tiếc là các nhà hoạt động du lịch đã không hiểu hoặc cố tình làm ngơ điều căn bản này. Họ ra sức tạo dựng các công trình vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại để kiếm lời ngay tại các khu di sản, xâm hại các di sản văn hóa” – Ông Đoàn Anh Tuấn quan ngại. Nếu xây dựng các công trình dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc ăn nghỉ, đi lại, mua sắm là rất cần thiết, tuy nhiên nếu lấy đó làm mục đích hàng đầu sẽ là một sai lầm.

Rõ ràng, để bảo vệ di sản cho muôn đời sau cần tránh việc khiến cho các tiềm năng văn hóa và thiên nhiên quý giá của loài người bị đe dọa của các lợi ích kinh tế, kể cả thông qua khai thác du lịch. Điều này hoàn toàn không thể thiếu mất một mắt xích nào trong xã hội: chính sách nhà nước đưa ra phù hợp, doanh nghiệp có trách nhiệm và ý thức của người dân, những chủ nhân thật sự của nguồi tài nguyên văn hóa quốc gia, để từ đó có ý thức chăm lo, giữ gìn và vun đắp cho các di sản của dân tộc.

"Di sản là nơi con người tìm đến để được thỏa mãn các nhu cầu khám phá, mở mang kiến thức, vốn sống, trau dồi tình cảm và các giá trị tinh thần. Đây là giá trị đặc biệt của hệ thống di sản của mọi quốc gia trên thế giới".

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam