Không chỉ là lá thư kêu gọi không thả bóng bay, bảo vệ môi trường…

ANTD.VN - Ngày 24/7/2019, bức thư đề xuất không thả bóng bay trong ngày khai giảng của bé Nguyễn Nguyệt Linh học sinh lớp 5M2 trường Marie Curie Hà Nội gửi tới 40 trường học đã nhận được hiệu ứng tích cực từ cộng đồng. Bức thư không dài nhưng với những lời lẽ chân thành và giản dị khiến nhiều người xúc động bởi sự cởi mở tư tưởng của một em bé 10 tuổi.

“Tôi nghĩ đó là việc bình thường”

Đó là chia sẻ từ chị Lê Nguyệt, mẹ của bé Linh. Khi liên hệ phỏng vấn, cả phóng viên và chị Nguyệt đều mong muốn và thống nhất không để bé ảnh hưởng nhiều bởi truyền thông. Chị Nguyệt muốn để con được phát triển tự nhiên, làm điều gì đó từ nhận thức và trái tim của con.

 Clip tham dự cuộc thi Dream and Do Contest của bé Linh (Nguồn: Nguyễn Việt Hùng)

Trước khi có hoạt động viết thư, tháng 4/2019, Linh xin thầy Hùng (nhà nhiếp ảnh Lekima Hùng) một số ảnh từ chuyến đi xuyên Việt và dùng công cụ được học từ một khóa làm phim tại trung tâm theo học để dựng thành một clip dài 5 phút tuyên truyền về việc hạn chế rác thải nhựa. Sau đó Linh gửi cho cuộc thi Dream and Do Contest để tham dự và đạt giải Ba. Tháng 6/2019, Linh tham gia khóa học làm phim và viết kịch bản về chủ đề rác thải nhựa và cùng các bạn hoàn thành một phim ngắn về chủ đề này.

Clip dài 5 phút với những hình và ngôn từ hết sức bình dị như chính lứa tuổi của em nhưng đủ sức lan tỏa tới cho mọi người. Đó là những câu hỏi rất quen thuộc về thói quen sử dụng túi nilon, cốc nhựa của nhiều người và tác hại của rác thải nhựa với môi trường và chính con người, hay Việt Nam là 1 trong  4 nước có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới…

Thông qua clip ngắn này, Linh mong muốn mọi hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất như mang túi đi chợ, sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường, luôn cầm sẵn bình nước cá nhân thay cho cốc nhựa có sẵn ở các quán nước…

Thỏ Nguyệt Linh tham gia nhặt rác trong hoạt động ngoại khóa

Chị Nguyệt cho biết, ý tưởng xây dựng clip “Trẻ em nói không với rác thải nhựa” bắt đầu từ những hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường mà Linh từng tham gia như: hoạt động tuyên truyền của CLB Ô xinh với nhảy flashmob Ngày Trái Đất 19/4/2015 ở Công viên Thống Nhất, tự tìm hiểu nhiều sự kiện tương tự ví dụ như Save the wild life của Đại sứ quán Anh tổ chức ở Bờ Hồ, tham gia đổi giấy lấy cây xanh của Green Life, chuyến đi Ngắm chim di cư, dọn rác trên đê đầm Vân Long của Viet Nature Conversation Centre…Nhiều kiến thức về môi trường do Linh tự tìm hiểu trên mạng, trên trang của thầy Hùng và ở trường.

Mùa hè năm 2018, Nguyệt Linh tham dự lớp học của nhà nhiếp ảnh Hùng Lekima, sau đó Linh theo dõi toàn bộ chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh rác của thầy và các trang bảo vệ môi trường mà thầy Hùng điều hành. Qua đó Nguyệt Linh tìm hiểu được nhiều thông tin trong đó có thông tin bóng bay có thể gây hại cho một số động vật.

Óc quan sát cởi mở của một đứa trẻ

Câu chuyện bé Nguyệt Linh gửi email tới 40 trường học về chuyện không nên thả bóng bay ngày khai giảng có lẽ không chỉ là vấn đề của tình yêu với môi trường. Đó còn là óc quan sát cởi mở của một đứa trẻ. Khi Linh đã vượt qua những sức ỳ cũ kỹ của người lớn rằng cứ khai trường là thả bóng bay, dù nó không còn phù hợp nữa.

Bé Nguyệt Linh và nhà nhiếp ảnh Lekima Hùng

Trong một lần đang ăn cơm, Nguyệt Linh có tâm sự với bố mẹ là lại sắp khai giảng rồi, các trường lại thả nhiều bóng bay. Thấy con quan tâm đến vấn đề này từ khá lâu, chị Nguyệt gợi ý cho Linh có thể nghĩ ra cách nào mà làm một điều gì đó, Nguyệt Linh nghĩ rồi bảo con sẽ viết thư gửi các trường.

“Ban đầu tôi hiểu là viết thư tay nên bảo vậy con viết đi rồi mẹ photo rồi cùng tìm địa chỉ gửi bưu điện. Nhưng Nguyệt Linh bảo bạn ấy viết email thì tiện hơn, đỡ phải dùng giấy mà gửi email lại nhanh. Sáng hôm sau, Nguyệt Linh ngồi viết thư và lên Google  tìm địa chỉ email của các trường để gửi thư”, chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Nguyệt cũng cho biết thêm, khi Nguyệt Linh gửi bức thư đi thì gia đình chưa tưởng tượng được mức độ lan tỏa rộng của bức thư như thế. Cả chị và bé đều chỉ nghĩ đơn giản là con đang có một vấn đề, con nghĩ ra một giải pháp và con sẽ thực hiện điều đó. Hơn hết, việc bé quan tâm tới bảo vệ mổi trường cũng là ý thức nên có của một người bình thường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thư khen Nguyệt Linh

Ngay khi được gửi đi, bức thư của Linh nhận được lời cảm ơn từ nhiều trường học và sự quan tâm của cộng đồng.

"Việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ có ý nghĩa hơn.

Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa… Bác hy vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung ta để thông điệp về bóng bay, hay rộng hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu bằng hành động nhỏ của con" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà viết trong thư khen bé Nguyệt Linh.

Anh Nguyễn Việt Hùng, một trong những người truyền động lực thực hiện hoạt động về bảo vệ môi trường chia sẻ rằng may mắn có cô học trò đáng yêu như vậy và gửi lời cảm ơn tới bố mẹ của bạn.

Chị Nguyệt, mẹ bé Linh cho biết thêm trong thời gian tới gia đình chị cũng như bé không có kế hoạch to lớn gì và vẫn tiếp tục như bình thường, xây dựng thói quen hạn chế rác thải nhựa hàng ngày, quan tâm đến sự kiện về môi trường và tham gia tìm hiểu nếu có điều kiện.