Bảo tàng Chứng tích chiến tranh:

Khoảng ký ức của một cựu chiến binh

ANTD.VN - “Bảo tàng của tôi không to, đẹp, hoành tráng như những bảo tàng khác, nhưng đây là nơi để tôi tưởng nhớ, tri ân đồng đội. Và hơn thế, tôi muốn lưu giữ lại những kỷ vật một thời của dân tộc cho thế hệ mai sau” - ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tâm sự. 

Khoảng ký ức của một cựu chiến binh ảnh 1Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp nâng niu các kỷ vật

20 năm đi tìm kỷ vật

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đặt tại số 9, ngách 44/2 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng nghìn kỷ vật thời chiến tranh chống Mỹ. Với ông Hiệp, đây là không gian để ông tri ân những đồng đội đã khuất, đồng thời giáo dục thế hệ con cháu noi gương lớp cha ông và phấn đấu trong cuộc sống. Từng là lính trinh sát bảo vệ Quân khu Trị Thiên, hơn ai hết, ông Hiệp hiểu những hy sinh, gian khổ mà những người lính như ông đã trải qua trong chiến tranh. Năm 1969, trong một trận đánh ác liệt với quân thù, ông bị thương nặng, buộc phải chuyển về điều trị tại Đoàn 580 Quảng Bình. Tại đây, sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ quân y, y tá, điều dưỡng quân đội đã tiếp sức cho ông vượt qua nỗi đau về thể xác và những  tình cảm ấy đã khiến ông nhiều lần rơi lệ vì cảm động. 

Trở về từ cuộc chiến, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp thấy mình cần phải làm một việc gì đó để lưu lại ký ức một thời và tri ân những người đồng đội. Ông đã dành 20 năm đi khắp đất nước để sưu tầm kỷ vật chiến tranh và thu về hàng trăm loại hiện vật quý báu, từ chiếc mũ cối sờn bạc cho đến vỏ của 2 quả đạn 175mm vẫn được gọi là “vua chiến trường” của quân đội Mỹ. Sưu tầm theo lối cóp nhặt, hiện vật thu về lại được ông bày ngay trong phòng khách của ngôi nhà. Chỉ đến khi những lối đi đã trở nên chật chội vì san sát kỷ vật và được sự động viên của gia đình, bạn bè, ông Nguyễn Mạnh Hiệp mới xin giấy phép để thành lập bảo tàng. Vì diện tích bảo tàng nhỏ hẹp, nên ông còn tận dụng cả phần sân của nhà mình để trưng bày những kỷ vật thời chiến. 

Còn sống, còn đi tìm kỷ vật

Phần trưng bày chính là một căn phòng rộng khoảng 20m2, bên trong đặt bàn thờ Bác Hồ và những kỷ vật, huân chương của người lính. Phía bên ngoài là 2 chiếc tủ kính, bên trong đặt trang trọng các đồ dùng cá nhân của người lính như mũ cối, ba lô con cóc, chiếc bình tông đựng nước và thẻ căn cước quân nhân. Hàng trăm bức ảnh về hai cuộc chiến đau thương và tàn khốc trong lịch sử dân tộc cũng được trưng bày tại đây. Người xem có thể thấy những xác đạn, vỏ bom và những mảnh kính xe không còn nguyên vẹn... Việc sắp xếp hiện vật, ông Nguyễn Mạnh Hiệp đều làm theo góc nhìn và quan điểm cá nhân. Vì thế, dù không theo quy chuẩn nào nhưng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của ông lại có được sự mộc mạc, gần gũi với người tham quan. 

Ở tuổi 65, sức khỏe của người cựu binh  đã giảm sút đáng kể cùng những thương tật sau chiến tranh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hiệp cho biết, còn sống ngày nào, ông còn đi tìm kỷ vật để làm giàu cho bảo tàng và đó là một cách tìm lại các ký ức thời chiến của riêng ông.