Khán giả Thủ đô tìm hiểu về di sản tư liệu triều Nguyễn

ANTD.VN -Sáng 26-8, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng các đơn vị tổ chức triển lãm với chủ đề “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”.

Khán giả Thủ đô tìm hiểu về di sản tư liệu triều Nguyễn ảnh 1

Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày trong triển lãm

Triển lãm giới thiệu về 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới (còn gọi là Chương trình ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1992. Tại đây, khán giả sẽ được tiếp cận với các di sản tư liệu qua một số chủ đề nổi bật như “Quốc hiệu đất nước qua mộc bản”; “Khoa cử thời Nguyễn qua châu bản” và “Tinh thần dân tộc qua thơ trên kiến trúc cung đình Huế”.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Ðây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương...

Đặc biệt, mộc bản phản ánh về lịch sử triều Nguyễn, cũng như lịch sử Việt Nam. Mộc bản không chỉ có giá trị về thông tin, văn hóa, lịch sử mà còn mang giá trị nghệ thuật khắc gỗ thủ công độc đáo của cha ông ta.

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ hai của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây là các văn bản hành chính các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế triều Nguyễn “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son. Châu bản phản ánh các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực của xã hội bấy giờ.

Một số tư liệu về thơ, văn trên kiến trúc cung đình Huế

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là các tác phẩm thơ văn được chạm khắc tinh xảo trên các cấu kiện gỗ của kiến trúc cung đình. Các tác phẩm tập trung ở nhiều đề tài khác nhau, thể hiện tinh thần dân tộc và những truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào về đất nước, con người... Các tác phẩm được khắc nổi trên các ô, hộc, các ván sơn son, thếp vàng có giá trị điêu khắc và văn hóa cao.

Qua hơn 70 tài liệu hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên triến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản được trưng bày, triển lãm khơi gợi trong mỗi khán giả niềm tự hào về giang sơn gấm vóc, để từ đó, thêm hiểu, trân trọng và gìn giữ những truyền thống văn hiến tốt đẹp của dân tộc.