Khám phá "Người con gái của biển Baltic"

ANTD.VN - Ngay cả thời điểm bước vào Đại sứ quán Phần Lan nằm tít trên tòa cao ốc ngự tại phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), tôi vẫn không thể hình dung về xứ sở lạnh lẽo này. Khi cô Tham tán hỏi tôi biết gì về đất nước Phần Lan, tôi thú thực rằng cũng chưa có khái niệm nào ngoài sản phẩm điện thoại di động lừng danh Nokia và hệ thống nước Phần Lan mà chúng tôi sử dụng hàng ngày.

Trong tòa Đại sứ quán, các poster phong cảnh Phần Lan gợi lên một không gian đầy cây cối của những vùng ngoại ô êm đềm nhưng hơi cô quạnh, tuyệt nhiên không có một hình ảnh nào về đô thị và thành phố.

Khám phá "Người con gái của biển Baltic" ảnh 1Thủ đô Helsinki của Phần Lan bé nhỏ với số dân xấp xỉ 560.000 người

Tĩnh lặng trong lòng thành phố

Đón chúng tôi tại bến cảng là cô Kaija Heikkila, quãng chừng 45 tuổi, tóc bạch kim và khá thân thiện. Tôi được nghỉ lại một khách sạn 4 sao mang tên Grand Marina nằm ngay trung tâm thành phố và cũng sát bến cảng. Như vậy, tôi chỉ phải chuyển hành lý từ trên tàu xuống và đi bộ một quãng là tới khách sạn, rồi ra khỏi cổng khách sạn vài trăm mét đã tới khu mua sắm lớn nhất Helsinki.

Cô Heikkila mỉm cười: “Các bạn thật may mắn vì đã đến Helsinki đúng vào ngày ấm áp nhất trong năm”. Tôi không hiểu định nghĩa “ấm áp” của họ là gì khi tôi vừa bước xuống tàu đã phải áo đơn áo kép khoác lên người để tránh những cơn gió hun hút thổi từ Vịnh Baltic. Nhớ lại những câu chuyện của Andersen mới thấm thía cái lạnh của xứ sở Scandinavia. Tôi nhủ thầm: “Thật may mắn vì không cập bến Helsinki vào đầu đông”. 

Tôi đã nhìn thấy những con tàu phá băng đậu ngoài vịnh. Giờ này chúng đang nghỉ ngơi. Khi mùa đông đến, tàu phá băng có những lưỡi răng khổng lồ bắt đầu được huy động để phá những tảng băng trên mặt vịnh. Đất nước gần kề Bắc Cực này thực sự vẫn lạnh lẽo ngay cả vào giữa hạ. Bây giờ người ta hay gọi Phần Lan bằng danh xưng mỹ miều là “Người con gái của biển Baltic”, nhưng lúc sinh thời, thi sĩ Puskin đã đến đây và nhanh chóng đặt cho vùng đất này cái tên “Con ghẻ của Thượng đế”.

Tôi cũng vô cùng khó hiểu khi một vùng đất quanh năm băng giá, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì, dân số lác đác, lại trải qua hơn một thế kỷ bị đô hộ dưới ách của các Sa hoàng, vậy mà vẫn là quốc gia có chỉ số cạnh tranh kinh tế nằm trong top đầu thế giới.

Người ở đây hướng dẫn rằng muốn đi tham quan Helsinki có hai cách. Cách thứ nhất, ta có thể mua vé tàu thủy lộ thiên đi trên con sông bao quanh thành phố, còn nếu muốn đơn giản và rẻ tiền hơn thì đi tàu điện. Chúng tôi chọn cách đi tàu điện, giá vé cực rẻ và chỉ mất đúng 45 phút là được xem hết thành phố. 

Helsinki rất bé nhỏ với số dân xấp xỉ 560.000 người trên tổng số 5 triệu dân cả nước, mật độ dân số là 16 người/km2. Vì vậy đường phố lúc nào cũng vắng vẻ, dân cư thưa thớt, ngay trong thành phố mà luôn có cảm giác đang ở ngoại ô. Vào ngày làm việc, đi trên đường phố chính, hãn hữu lắm mới gặp một bóng người. Thảng hoặc có chiếc ô tô nào đó phóng vụt qua với tiếng bánh xe êm ru lướt trên mặt đường nhựa để rồi ngay cả âm thanh độc nhất ấy cũng biến mất, trả lại sự tĩnh lặng cho thành phố ven bờ vịnh. Helsinki có vô số công viên và vườn hoa, mà công viên thì diện tích bằng cả một khu rừng tí hon (2/3 diện tích Phần Lan là rừng), do đó không khí luôn trong lành. 

Pháo đài trên mặt biển

Ngày hôm sau ở Helsinki, tôi có một chương trình thú vị hơn là lên tàu thủy mất độ 20 phút để thăm pháo đài di tích lịch sử Suomenlinna và Seaborg được xây dựng từ thế kỷ 18 trên 5 ngọn núi đá trước vịnh Phần Lan. Đây là một công trình đồ sộ và tốn kém nhất châu Âu thời bấy giờ.

Sau khi được xem một cuốn phim tư liệu về lịch sử thành phố, du khách tự do khám phá hòn đảo. Thực ra pháo đài này đã trở thành một viện bảo tàng lưu giữ các trang phục qua từng thời đại, những dụng cụ gia đình và vũ khí chiến tranh.

Các căn phòng trong pháo đài đã được trùng tu nhưng hầu như vẫn giữ nguyên hiện trạng, vì thế chúng âm u và bí ẩn. Khi bước vào một căn phòng trần thấp, treo lủng lẳng những hình nộm mặt quỷ, phù thủy, ma cà rồng… - những nhân vật ma quái huyền thoại xuất phát từ truyền thuyết của xứ sở Bắc Âu băng giá, tôi thấy hơi ớn lạnh nên vòng trở ra.

Những pháo đài khác trên đảo cũng huyền bí không kém. Tôi định theo chân vài du khách nước ngoài vào các lô cốt được thiết kế nặng nề theo kiến trúc Roman nhưng tất cả bọn họ đều vội vã đi ra ngay vì sự tối tăm và u tịch của nó. 

Nhiều nhóm học sinh đi lên đảo theo chương trình ngoại khóa, có thầy giáo dẫn đầu. Thầy và trò đều mặc quần áo thời Trung cổ, diễu hành vòng quanh đảo. Lúc này, tôi không còn cảm giác đang sống ở nền văn minh thế kỷ 21 nữa mà như lọt vào không gian hồi thế kỷ 14 thực sự.

Đến trưa thì trời bắt đầu đổ mưa. Mưa nhỏ thôi, vùng Bắc Âu đâu có nắng gắt để hóa thành mưa rào. Tôi trú tạm trong một quán ăn nhỏ để đợi đến giờ lên tàu về đất liền. Thu nhập của người Bắc Âu cao nhất so với mặt bằng chung thế giới nên một bữa ăn trên đảo thực đắt đỏ, gần 10EUR cho một chiếc bánh hamburger nhân thịt.

Khám phá "Người con gái của biển Baltic" ảnh 2Đến Helsinki du khách sẽ thấm thía cái lạnh của xứ sở Scandinavia

Chợ trời bên vịnh Baltic

Một cái thú của người Phần Lan là đi chợ trời. Có rất nhiều chợ trời trong thành phố, mở từ lúc 8h sáng cho đến 6h chiều. Tôi thường đến chợ trời lớn nhất Helsinki nằm ngay cạnh bến cảng và chỉ cách khách sạn mươi bước. Chợ bán hàng trăm loại mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm đặc sắc, đồ trang sức mỹ ký… và hoa quả tươi. Giá cả được coi là rẻ nhất so với các cửa hàng nhưng so với đơn vị tiền tệ của ta thì vẫn chênh lệch. Với 10 USD, bạn chỉ mua được món đồ rất vớ vẩn trong chợ.

Điều đặc biệt là tất cả những người bán hàng ở đây đều rất trẻ. Các chàng trai, cô gái bán hàng có khuôn mặt tươi tắn, hiền lành, đẹp như những diễn viên điện ảnh. Họ ăn vận cũng rất diện và hợp thời trang. Cô gái bán đồ gỗ lưu niệm có mái tóc bạch kim óng mượt, đôi mắt to tròn màu xanh da trời mặc chiếc váy ngắn màu đen bó sát lấy thân hình đồng hồ cát. Anh chàng bán ngô rong (giá 3 USD một chiếc) có mớ tóc đuôi ngựa kiểu ca sĩ nhạc rock, áo sơ mi trắng phẳng lì. Anh bán vòng nhẫn thì chít khăn như nhạc sĩ đồng quê, quần bò, áo gi lê kiểu cao bồi Texas. Chúng tôi chủ yếu ngắm người bán hàng hơn là những thứ hàng hóa đắt đỏ của họ. 

Trong vườn hoa cạnh chợ trời thường có ban nhạc jazz biểu diễn mỗi sáng, các bà các cô đi chợ hay ghé vào đó xem ca nhạc một lúc rồi mới về. Sân khấu dựng cố định, bên dưới có cả những dãy ghế băng cho khán giả. Không khí này gợi nhớ đến sân khấu cổ tích ven bờ Địa Trung Hải trong câu chuyện Buratino, khi các nghệ sỹ tí hon biểu diễn bên mặt nước biếc xanh của eo biển vùng Nam Âu. Như nhiều nước châu Âu khác, người Phần Lan cũng thích đưa nghệ thuật ra không gian mở, thích tận hưởng nghệ thuật ngoài trời.

Ngoài quảng trường có nhiều họa sỹ ngồi vẽ tranh, vừa tranh thủ bán tác phẩm vừa sáng tạo nghệ thuật. Người qua đường đã quen mắt vì ngày nào họ cũng ngồi đấy, nhưng xung quanh không lúc nào ngớt người xem. Nghệ sỹ chẳng hề để ý đến đám đông, vẫn điềm nhiên sáng tác dưới ánh nắng hạ vàng rượi, bên những tiếng hải âu tao tác và giữa hương thơm vô hình của những đóa hồng xanh, diên vĩ, cúc đơn trong cửa hàng hoa rực rỡ liền kề. 

Trước khi tạm biệt Thủ đô Helsinki xinh đẹp, tôi không quên thói quen có từ lúc đặt chân lên thành phố này là đi bộ ra bến cảng và cho bầy hải âu ăn táo. Những con hải âu trắng phau dạn người bay chíu chít trên mặt nước. Chúng ăn đủ thứ, từ bánh mì, anh đào, đến kẹo chocolate. Những chú chim dễ thương với màu lông hòa lẫn sắc trắng của băng tuyết kêu quang quác hồn nhiên vang vọng cả một vùng vịnh Baltic.