Huế thương

ANTD.VN - Chúng tôi rời Hà Nội đến với Huế vào một sớm heo may, gió đầu mùa thổi những hạt bụi mưa bay trên phố, rắc lên những mái tóc bồng bềnh và trên vai áo những chàng trai, cô gái đang yêu. Những hạt bụi thủy tinh óng ánh chỉ đủ để họ làm duyên khi gặp gỡ.

1. Thật lạ là cùng vào dịp ấy, trên mặt hồ Tĩnh Tâm trong lăng Tự Đức, những bông sen vẫn đang khoe sắc trắng tinh khôi dưới các tán lá xanh ngắt của Xung Khiêm tạ. Chúng tôi xuống thuyền, bồng bềnh ngược dòng sông Hương, qua Dã Viên, Kim Long rồi lướt ngang chùa Thiên Mụ, ngôi chùa đẹp nhất Huế được dựng giữa đồi Hà Khê trên đất làng An Sinh từ thế kỷ XIV. Chùa có cây tháp Phước Duyên hình bát giác, 7 tầng cao hơn 21m, xưa, trên tầng cao của tháp đặt 3 pho tượng Phật bằng vàng, nhưng đã bị lính Pháp cướp từ 1954 và nay thay vào là những bức tượng bằng đồng.

Qua chùa, tới Văn Miếu của Huế, nơi 2 lần bị Pháp và Mỹ tàn phá trong chiến tranh, nay đã được khôi phục lại. Trong Văn Miếu có hơn 30 tấm bia đá khắc tên các sĩ tử đậu Tiến sỹ các khoa thi (nhà Nguyễn không tổ chức thi tuyển trạng nguyên) trong đó có các nhà nho nổi tiếng như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... Không xa Văn Miếu là ngã ba Bằng Lăng, nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch thành con sông mang theo hương của loài cỏ Thạch xương bồ. Con sông của thi ca nghệ thuật, của gió trăng và những mộng mơ đôi lứa, làm say đắm khách lãng du...

Từ trong vòm mái con thuyền gỗ xuôi dòng dưới ánh trăng thượng huyền, dìu dắt tiếng tơ, tiếng trúc của cây đàn tranh với da diết giọng hò của ca nương đang độ chín qua lời thơ của hoàng thân Ứng Bình Thức Gia Thị: “Chiều chiều bên Phú Văn lâu/Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm/Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/Thuyền ai thấp thoáng bên song/Nghe câu mái đẩy…”. Giọng hò của ca nương như quyện vào trăng và gió man mác trôi theo mạn thuyền.

Cắm sào trên bến Thương Bạc, chúng tôi dạo qua chợ Đông Ba, rẽ bờ sông Gia Hội rồi tìm đến Tịnh Gia Viên, nhà hàng cơm vua nổi tiếng của nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà. Bà đã qua cái tuổi xưa nay hiếm và là cháu của viên quan triều Nguyễn, từng qua Pháp, Mỹ hướng dẫn bà con Việt kiều phương pháp nấu ăn truyền thống Huế với cung cách ẩm thực cung đình xưa.

Ngôi nhà rất đẹp nằm giữa khuôn viên xanh của hàng trăm cây cảnh, non bộ. Trong những bể cảnh xây chìm, tím đỏ sắc sen và hoa súng, ì oạp tiếng ếch xanh gọi bạn tình. Cô gái tiếp chúng tôi xuất hiện giữa khung cửa gỗ với tà áo dài tím, chiếc khăn “Nam Phương” cô đội trên đầu cũng mang màu tím, tím đến lạ lùng. Cô gái đi như lướt nhẹ trên sàn gạch, mang đặt trên bàn những nem công, chả phượng... được bày theo đúng hình những linh vật ấy. Đặc biệt là từng dúm cơm tám được bọc trong lá sen tươi xếp hình kim quy buộc lạt điều, thật lạ và thật đẹp nên trong chúng tôi không ai muốn là người đầu tiên phá đi vẻ đẹp ấy. Lại chính là cô gái giúp chúng tôi làm công việc khó khăn là gỡ từng chiếc chả nem chỉ nhỏ chừng 2 đốt ngón tay cắm trên quả dứa mang hình chim công, với ánh nến hồng bên trong rồi gắp vào từng bát của khách, lễ phép mời chúng tôi dùng bữa. 

Huế thương ảnh 2Ngọ môn, cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế

2. Biết rằng thời gian không cho phép chúng tôi thăm kinh thành Huế chỉ trong 1-2 ngày nên chúng tôi vịn vào câu ca dao “Ngọ Môn năm cửa, chín lầu/Cột cờ ba cấp, Phú Văn lâu hai tầng” để bắt đầu cuộc hành trình theo trục Nam - Bắc. Bắt đầu là Kỳ đài sát tường Phòng thành - lớp thành thứ nhất đặt 1 trong 26 khẩu súng thần công, nhìn xuống phía dưới là Phú Văn lâu nằm sát bờ sông Hương. Trở vào, qua chiếc cầu đá trên sông đào Ngọc Hà là Ngọ môn, cổng chính của Hoàng thành là lớp thành thứ 2 được xây dựng từ năm 1833, trên là lầu Ngũ Phụng, cũng là lễ đài nơi vua và triều thần ngự nghe xướng danh các sĩ tử đậu các khoa thi. Đi tiếp tới sân Đại triều nghỉ trước điện Thái Hòa, nơi tổ chức các buổi lễ thiết triều. Tiếp tới điện Cần Chánh nơi nhà vua làm việc. Rồi qua Tử Cấm Thành, lớp thành thứ 3, trong có cung Càn Thành, cung Khôn Thái, Kiến Trung là nơi ở của vua, hoàng hậu… Từ Tử Cấm Thành trở vào, quan lại và triều thần không được phép lui tới, trừ vài ông quan hoạn và đám phụ nữ khiêng kiệu.

Trở ra, chúng tôi dừng trước điện Phụng Tiên, nơi dành riêng cho phụ nữ hoàng tộc đến dâng lễ cúng tổ tiên. Tiếp đến là Thái miếu, trước sân là Hiển Lâm các cao 3 tầng, lợp ngói hoàng lưu ly, nơi duy nhất thờ các công thần nhà Nguyễn. Trước thềm đặt 9 chiếc đỉnh đồng cao hơn 2m, mỗi chiếc đỉnh nặng hơn 1 tấn. Trên mỗi thân đỉnh chạm khắc 18 bức phù điêu thể hiện cảnh đẹp của đất nước và những sinh hoạt của cộng đồng. Mỗi chiếc đỉnh đều mang miếu hiệu của một vị vua: Cao, Nhân, Chương, Ánh, Nghi, Thuần, Tương, Dụ, Huyền. Hầu hết các công trình trong Hoàng thành Huế đều được thiết kế xây dựng theo kiểu “trùng thiềm, điệp ốc”. Đó là những ngôi nhà 1 tầng, ghép nóc nhà sau cao hơn nóc nhà trước tạo thành lớp cách biệt cao dần rất đẹp và sinh động. Đặc biệt là trên các hồi văn, nóc mái, cổ diềm, đầu hồi... đều được trang trí hình tứ linh khảm gốm sứ để lại dấu ấn nghệ thuật trang trí đỉnh cao.

Huế thương ảnh 3Cầu ngói Thanh Toàn

3. Theo bờ Nam sông Hương hướng ra biển Thuận An qua đập đá tới thôn Vĩ Dạ, nay tuy đã là phố, nhưng sâu phía trong vẫn là khu nhà vườn xưa, cảnh sắc vẫn rất thơ. Các nhà vườn thường có chiếc cổng xây với cánh cửa gỗ làm theo kiểu “thượng song, hạ bản” mở một lối đi giữa 2 hàng cây được cắt tỉa công phu. Nhìn vào trong, đập vào mắt là bức bình phong xây theo kiểu cuốn thư, giới hạn giữa sân và vườn trước. Vườn là một tổ hợp các loại cây cảnh: vài khóm tùng, cúc, ít gốc bưởi, hồng, vài khóm trúc, các chậu mai, đào và phía sau nhà là hàng cau cao vút. Giữa khuôn viên là chiếc nhà rường làm bằng gỗ mít, 3 gian, 2 chái. Bề mặt 2 chái được xây bằng gạch, trổ chữ Đức hoặc chữ Phúc đặt trong hình tròn. Ngăn giữa 2 chái với 3 gian giữa là vách bằng gỗ, chạm trổ tinh tế thể hiện nét khoáng đạt của tâm hồn Huế. Gian giữa ngôi nhà cổ thấp bé dành cho người đã khuất, có tủ thờ, lư hương, câu đối... gợi nhớ hồn thiêng gia tộc đang dần xa.

Tiếp tục xuôi bờ Nam tới Nam Phổ, nhìn chếch từ cồn Hến sang bờ Bắc là xóm Ngự Viên xưa. Đây cũng chính là vườn thượng uyển, nơi dành riêng cho vua, hoàng hậu và  cung tần, mỹ nữ dạo chơi, ngắm hoa, thưởng nguyệt. Dọc đường ra cửa biển Thuận An đến với phá Tam Giang, chúng tôi tìm đến làng Dương Nỗ - nơi Bác Hồ trong những năm niên thiếu theo cha là nhà nho Nguyễn Sinh Huy vào dạy học. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ hồi đó) ở đây từ năm 1898 đến 1906, sau đó ra Huế học trường Quốc học đến 1910. Cũng năm đó Bác tạm biệt song thân vào Phan Thiết dạy ở trường Dục Thanh. Cũng từ đây Bác vào Sài Gòn và trở thành người phụ bếp trên chiếc tàu buôn La Trousse de Tréville vượt trùng dương sang Pháp tìm đường cứu nước.

Tranh thủ ngày cuối trong chuyến đi chụp ảnh Huế, chúng tôi qua chân núi Ngự Bình, quả núi được coi là lá chắn của kinh thành Huế xưa, rồi rẽ vào đàn Nam Giao, nơi trước đây cứ 3 năm một lần nhà vua đến lễ trời đất cầu cho dân an, mưa thuận, gió hòa. Đàn Nam Giao được xây 3 tầng chồng lên nhau, tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân. Sân lễ tầng trên hình tròn, tầng giữa hình vuông, được xem như trời tròn, đất vuông theo cách hiểu của người xưa. Xung quanh đàn Nam Giao là rừng thông cao vút, gió rì rào reo suốt ngày đêm. Xế chiều, từ lăng Tự Đức quay về, chúng tôi lên đồi Vọng Cảnh ngắm hoàng hôn rực đỏ trong nước Hương Giang đẹp đến mê hồn, khép một vòng tham quan Huế mộng mơ trong chuyến đi ngược dòng lịch sử.