Họa sỹ Nguyễn Trường Linh: Lột tả những góc khuất của đời

ANTĐ - Gặp Nguyễn Trường Linh - chủ nhiệm nhóm họa sỹ Sơn ta Việt Nam khi anh vừa tan giờ dạy ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Vẻ ngoài hiền lành, ít khi chịu nói về mình, nhưng đối với sinh viên, anh là “ông thầy” khá nghiêm khắc, thẳng thắn. 

Tác phẩm “Hà Nội có cầu Long Biên”

Đẹp xấu là ở… mài

Trái với hình dung của tôi, họa sỹ thường phải chân tay, mặt mũi nhem nhuốc thì mới đúng là khổ công mà vẽ, Nguyễn Trường Linh tự đặt một nguyên tắc với học trò: Ngồi vào giá vẽ, tay tuyệt đối phải sạch. Đơn giản, nếu tay không sạch chắc chắn sẽ làm hỏng màu sắc của tác phẩm. Thế nhưng, cũng chính người họa sỹ ấy đã bắt đầu “vung cọ” cũng ngồi xổm, xắn quần, xắn áo để pha pha trộn trộn, vẽ, rồi mài tranh…

Là chủ nhiệm của nhóm họa sỹ Sơn ta Việt Nam, Nguyễn Trường Linh đặc biệt tâm huyết với chất liệu truyền thống - vốn là hồn cốt làm nên nghệ thuật sơn mài độc đáo. Bởi vậy, cuộc trò chuyện với anh chỉ quay lại về sơn ta, về sơn mài. Anh nói, trong mỹ thuật Việt Nam, sơn mài bị hiểu rất mù mờ. Sơn tổng hợp, những loại sơn khác làm bóng bề mặt lên cũng gọi là tranh sơn mài. Trong khi sơn mài nghệ thuật phải là sự hòa quyện của chất liệu truyền thống, kỹ thuật thủ công và quan trọng đó chính là tâm hồn của người nghệ sỹ. Ở đây, mài chính là yếu tố quyết định đẹp xấu của tác phẩm. Vì nó là chủ động, nhưng cũng là ngẫu nhiên. Sơn mài giữ một bí mật khiến cho người họa sỹ khi phủ từng lớp sơn theo ý đồ của mình, nhưng khi mài ra cũng không thể biết sẽ ra màu gì. Cũng bởi vậy mà sơn mài Việt Nam không thể sao chép và chính người họa sỹ không vẽ lại được bức tranh của chính mình. 

Màu của sơn mài không nhiều, chỉ có một vài màu cơ bản như màu son, màu trắng, xanh dương, xanh lục, bạc, vàng… Tuy nhiên, ngoài những tác phẩm cá nhân, họa sỹ Trường Linh còn vận dụng những sắc màu rất “kiệm” ấy để thổi hồn cho những câu chuyện cổ tích. Nhìn những bức tranh anh vẽ, người xem cảm thấy ngỡ ngàng khi chất liệu truyền thống lại có thể hóa thân vào cổ tích một cách duyên dáng, hiện đại đến thế. Nó chứng minh cho sức sáng tạo không ngờ của người nghệ sỹ, cũng là khả năng ứng dụng rất mềm mại, rất linh hoạt của một dòng tranh dân tộc. 

Tác phẩm “Những cô nàng”

Không nhìn vào một mặt hào quang

Tranh của Nguyễn Trường Linh hấp dẫn người xem ở mảng đề tài về phụ nữ. Hình tượng người phụ nữ trong tranh của anh thường mang những đường nét hết sức quyến rũ, thậm chí là táo bạo nhưng cũng che giấu một thế giới nội tâm với những dằn vặt, trăn trở, những chìm nổi…, mà Trường Linh “thích” được thể hiện phần khuất đó. Anh tâm sự, một trong những người khắc sâu trong tâm trí anh nhất là một vũ công. Trên sân khấu, cô là hiện thân của cái đẹp, của những điệu nhảy uyển chuyển, được đám đông tán thưởng, tung hô. Nhưng khi kết thúc buổi diễn, chính người phụ nữ đẹp đó là một người phụ nữ mệt mỏi, bị vắt kiệt sức lực đến nỗi chỉ cầu xin một điếu thuốc để được quên đi những cực nhọc của cuộc sống. Rồi những người đàn bà bị mất chồng khi ra trận, cả một đời tần tảo nuôi con, còn lại chỉ là nỗi khắc khoải, trống vắng, nỗi đau đó chẳng ai thấu hiểu. Những “điểm khuất” ấy còn được anh lột tả trong những đề tài tranh phong cảnh - vốn được coi là mảng tương đối “bằng phẳng” đối với người nghệ sỹ. Anh hay nhắc nhở học trò: “Một khi đã vẽ tranh đừng có tìm cách nắm bắt, mà hãy đuổi theo, hãy để nó dẫn tinh thần, trái tim của mình đi theo bức tranh đó. Tuổi trẻ thường nồng nhiệt nhưng đừng để bị hào quang dẫn lối”.