Họa sỹ Lê Năng Hiển: Người gìn giữ nét tinh túy của Hà Nội thời cận đại

ANTD.VN - Khi cầm cuốn sách “Năng Hiển - Zuy Nhất” tái hiện toàn bộ cuộc đời của người họa sỹ tài hoa bắt đầu từ thuở ấu thơ, sau đó sống, học tập, hoạt động nghệ thuật trải dài trong suốt gần một thế kỷ, KTS Hoàng Đạo Kính đã không khỏi bất ngờ. Ông chia sẻ: “Cho dù tôi cũng là người lớn tuổi nhưng khi xem các bức vẽ của ông in trong cuốn sách, tôi thấy những gì tinh hoa của Hà Nội đều hội tụ ở đây, đó là sự nền nếp, khiêm tốn và lịch sự của người Hà Nội”. 

Họa sỹ Lê Năng Hiển: Người gìn giữ nét tinh túy của Hà Nội thời cận đại ảnh 1

Thiếu nữ Hà Nội đẹp yêu kiều qua các nét vẽ của họa sỹ Lê Năng Hiển

Vựng tập bề thế về cố họa sỹ

Theo nữ họa sỹ Lê Ngọc Huyền, con gái họa sỹ Lê Năng Hiển, sau giỗ đầu của ông, chị đã mở xưởng họa của cha. Ở đó có hơn 200 bức tranh lớn nhỏ, phủ bụi mờ, rất nhiều tập phác thảo trên mọi chất liệu, cả những bức tranh cha chị còn vẽ dở chưa đặt bút ký. Lúc đó, Lê Ngọc Huyền chợt nghĩ, nếu cứ để những bức tranh này trong kho thì không ai biết đến. Với những tư liệu có trong tay, chị muốn tổng kết cuộc đời hoạt động nghệ thuật của cha bằng một cuốn sách. 

Sau 4 năm thực hiện, gặp gỡ bao nhân chứng và những người bạn của cha chị, họa sỹ Lê Ngọc Huyền và Trịnh Minh Sơn đã ra mắt bạn đọc một vựng tập tranh bề thế về người nghệ sỹ Năng Hiển - Zuy Nhất lãng tử, có nhiều vấp váp trong cuộc đời nhưng nghệ thuật đã chọn ông và ông đã đi tới tận cùng con đường sáng tạo.  

Cả một lộ trình sáng tác ngót 8 thập kỷ của ông từ bức tranh biếm họa đầu tiên Lý Toét giật chuông vẽ năm 1937 được giải Nhì của Báo Phong hóa (Tự lực văn đoàn) năm ông 15 tuổi đến những bức tranh vẽ sau này đã cho thấy nét bút của một tài năng ngày một dụng công, điêu luyện đến kinh ngạc. Qua cuốn sách, chân dung họa sĩ Năng Hiển trở nên rõ nét với tính cách một nghệ sĩ yêu cái đẹp, tận tâm với nghề, say mê sáng tác. Những tác phẩm của ông dù theo chủ đề nào cũng đều lấy sự tinh tế, hài hòa về đường nét, tạo hình làm chủ đạo. 

Họa sĩ Lê Năng Hiển (bút danh Zuy Nhất) sinh năm 1921 trong một gia đình ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Cùng thời với họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Năng Hiển nổi lên là một tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội khi có thể đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Ông còn là một họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam dù không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào về hội họa. Cố họa sĩ Lê Năng Hiển là một hoạ sỹ có nền tảng học vấn sâu, rộng và một cuộc sống từng trải, phong phú, nhiều năm tìm tòi, thể nghiệm trên chất liệu lụa, lại là người thông minh, mẫn cảm và đam mê sáng tạo, Lê Năng Hiển đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Cuốn sách cũng cho độc giả thấy rõ gia thế danh gia vọng tộc của ông, thấy con đường học tập, sáng tạo cùng tư duy khúc triết (dù ông không học trong trường mỹ thuật). Thêm vào đó là cả một quãng thời gian dài trau dồi kiến thức, khổ công rèn luyện mà thành tài... Đặc biệt, ở tranh lụa, các tác phẩm của ông dường như còn mang cả hồn cốt con người Hà Nội với những nét vẽ tài hoa, vừa yêu kiều duyên dáng, vừa quý phái, sang trọng. 

Người họa sỹ yêu mến cái đẹp

Theo họa sỹ Mai Long, công chúng xem cuốn sách này sẽ còn nhớ mãi những tác phẩm tranh lụa cố họa sỹ vẽ về Hà Nội. Những bức chân dung thiếu nữ bên hoa quỳnh, hoa cúc, hoa sen với vẻ đẹp duyên dáng, trắng trong, tha thướt, mộng mơ. Những thiếu phụ nền nã, đoan trang mang một vẻ đẹp kiêu sa, thanh lịch Tràng An như những trầm tích xa xưa đầy quyến rũ. Dù không chủ ý nhưng bằng ngôn ngữ hội họa, Lê Năng Hiển đã là người lưu giữ những nét đẹp của người Hà Nội thời cận đại. 

Với KTS Hoàng Đạo Kính, dù không phải là một họa sỹ nhưng xem tranh của Lê Năng Hiển, ông nhận thấy rất rõ sự hòa trộn giữa tinh thần Á Đông và nghệ thuật phương Tây trong các bức vẽ của Lê Năng Hiển. Điều đó càng đáng trân trọng hơn khi họa sỹ đã đi lên bằng con đường tự học nhưng lại không hề thua kém bất cứ họa sỹ chuyên nghiệp nào. Các bức tranh lịch sử hào hùng khí thế, các bức tranh thiếu nữ Hà thành tinh tế đã bao trọn tinh thần của Hà Nội một thời. Hơn thế, Lê Năng Hiển cùng bao họa sỹ nổi tiếng khác của Hà Nội đầu thế kỷ 20 có thể được xem như tinh hoa của Hà Nội và cần được quảng bá. 

Cuốn sách “Năng Hiển-Zuy Nhất” dù còn thiếu vắng không ít tranh tiêu biểu của họa sỹ qua các chặng đường sáng tác nhưng cũng giúp người đọc hình dung khá trọn vẹn về một Lê Năng Hiển đam mê theo đuổi hội họa từ nhỏ, khổ công tự họa, tự rèn luyện mà thành tài. Được trời phú cho năng khiếu, ông đã vun xới để tài năng hội họa nảy nở, không ngừng đơm hoa, kết trái cho đến tận lúc ông xuôi tay, buông bút vẽ. Cảm ơn ông, người họa sỹ yêu mến cái đẹp đã đem lại cho người xem cách nhìn thế giới và cảm nhận cuộc đời bằng niềm say mê và tận hiến.