Họa sĩ Lê Kinh Tài: Nhìn lại hành trình nửa người nửa thú

ANTD.VN -Triển lãm cá nhân lần thứ 12 của Lê Kinh Tài có tên Nhìn lại sẽ khai mạc lúc 18h ngày 14/10/2017 tại VCCA (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây được xem là một “tổng kết nhẹ”, nơi họa sĩ giới thiệu 30 bức tranh và 9 tượng tò he được sáng tác trong 10 năm gần đây, từ 2007 đến 2017. Điểm lý thú, chủ thể chính trong tất cả tác phẩm này đều mang hình hài nửa người nửa thú.

"Tôi đã cam đoan và luôn cá cược với chính mình rằng bên trong tôi luôn hiện diện 2 thứ, một phần Con, một phần Người. Tôi cảm thấy vui và yêu đời hơn với suy nghĩ kỳ dị này, thế là tôi vẽ. Chỉ đơn giản vậy thôi” - trong một cuộc phỏng vấn, Lê Kinh Tài chia sẻ.

Cũng như Freud đã viết: “Le moi est le véritable lieu de l’angoisse” (tạm hiểu: Cái tôi là nơi thực sự đáng để lo lắng). Giai đoạn 2007 - 2017 với Lê Kinh Tài cũng là một hành trình vừa hân hoan vừa lo lắng như vậy, anh liên tục phải trả lời những băn khoăn mà bản thân đặt ra cho đời sống bên ngoài và nội tại. Trước khi hình tượng hóa những câu chuyện, những ý niệm đó lên toan, anh dành một khoảng thời gian dài để viết chúng ra giấy, hoặc viết lên Facebook. Đôi khi trong tranh của anh, người xem có thể đọc được những câu chữ như vậy.

Họa sĩ Lê Kinh Tài

Sau 10 năm đọc, ghi chép và tìm tòi, rất may mắn, 10 năm qua anh đã khai phá được một lối đi, với ngôn ngữ biểu hiện - ý niệm. Nơi đó là một tiếp nối của hành trình giằng xé về tâm cảnh giữa người và thú mà anh đã mường tượng ra từ khi mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

“Dù công việc của tôi là sáng tạo một cách “tung tóe” nhất có thể, nhưng tôi thích sự ngăn nắp trong điều tiết cảm xúc, cũng như đặt ra cho mình những thời hạn để hoàn tất công việc. Tự giao trách nhiệm cho mình trong từng khoảng thời gian nhất định. Nên triển lãm này đúng như tên gọi của nó, là sự nhìn lại 10 năm tìm tòi, sáng tạo”- Lê Kinh Tài nói.

Đây có thể chưa phải là một triển lãm quy mô về mặt số lượng, nhưng xét về câu chuyện sáng tạo, đây lại là những đại diện đủ đa dạng cho 10 năm tìm tòi đó. Tự tựa đề các tác phẩm cũng hé lộ một phần, có lúc là “Chuyển hóa năng lượng”, “Giới hạn sở thích”, “Thịt rất tươi”…, có lúc là “Ăn chữ”, “Giải phóng”, “Nhìn về phương Đông”, “ Sự thật trong phản chiếu song hành”, “The Animal inside me”, “Trạng thái mộng mị 1”…

Tác phẩm “Giải phóng” (sơn dầu + Oil stick + Oil powder + Heavy body acrylic trên toan, 200 cm x 500 cm, 2015) của Lê Kinh Tài. Ảnh: Châu Hậu Hy.

Dù có lúc quan tâm đến thông điệp nặng nề, nhưng tác phẩm của Lê Kinh Tài luôn tạo được cảm giác vui vẻ, tích cực cho người xem. Đôi khi giống như xem một tranh tường, tranh graffiti có bảng màu nồng ấm, với tuyên ngôn rõ ràng; đôi khi giống như trẻ con vọc màu, hết sự tự do, sôi động. Lê Kinh Tài từng cho biết: “Khi say việc, như một quán tính, tôi quên hết các quy tắc về hòa sắc hoặc bố cục trường quy đã làm tôi đau đầu. Có như vậy những thứ tạo ra mới làm tôi vui, nó an ủi tôi là chính tôi, chứ không cần nghĩ là có đang vẽ hay không”.

Trước khi có được 10 năm trọn vẹn với việc vẽ như gần đây, Lê Kinh Tài đã sống 10 năm với nỗi dằn vặt giữa cơm áo gạo tiền hoặc sáng tạo, ý nghĩ bỏ cuộc đã nhiều lần ập đến. Anh có 4-5 năm ngưng hẳn việc cầm cọ, chỉ tập trung làm design, décor để mưu sinh. Giai đoạn này có lúc anh căng thẳng đến mức phải uống thuốc an thần, phải gặp gỡ bác sĩ tâm thần nhiều lần. Nhưng rồi việc vẽ vẫn tìm lối để quay trở lại, tạm thời chiến thắng nỗi lo cơm áo trước mắt, vì có lẽ chỉ có vẽ mới giúp anh cân bằng giữa phần con với phần người. Từ lúc tập trung toàn bộ thời gian cho việc vẽ, những căng thẳng, cục súc trước đây cũng không cánh mà bay.

Lê Kinh Tài hiện là một trong vài họa sĩ có giá tranh cao nhất Việt Nam, nhiều người nghĩ như vậy sẽ yên tâm để vẽ toàn thời gian. Nhưng thực tế cho thấy để vẽ được, hoặc để yên tâm vẽ đâu phải lúc nào cũng liên quan đến việc có bao nhiêu tiền trong túi. Nhiều họa sĩ cả đời không bán được tranh vẫn vẽ đều đặn, có người sung túc cả đời mà vẽ đâu có được. Vì vậy, đôi khi còn viết được vẽ được cũng là một may mắn, một ân huệ.