Hà Nội: Cho du khách mượn áo nếu trót mặc hở hang vào di tích

ANTD.VN -Sau gần nửa tháng đền Ngọc Sơn triển khai thí điểm cho du khách mượn áo, tránh ăn mặc hở hang, phản cảm vào di tích. Bắt đầu từ ngày mai, 25-4, việc cho mượn áo choàng sẽ được triển khai đồng bộ trên tất cả các di tích thuộc quản lý của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội. 

Tính cho đến thời điểm này, vừa tròn 1 tháng Hà Nội triển khai áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Một trong những quy định mà bộ quy tắc đưa ra là không mặc trang phục hở hang, phản cảm vào nơi thờ tự, di tích tín ngưỡng.

Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội là đơn vị đi đầu trong việc lựa chọn mẫu thiết kế và cho tiến hành thử nghiệm tại một trong những di tích quan trọng nhất của Hà Nội là Đền Ngọc Sơn.

Từ ngày 10-4, tất cả các du khách hồn nhiên áo may ô và quần soóc vào di tích đều được giải thích về quy định kể trên. Cùng với đó, các nhân viên ở đây cho mượn áo và hướng dẫn du khách ăn vận chỉnh tề trước khi vào khu vực thờ tự. Nhiều du khách cả tây, cả ta đều tỏ ra ngạc nhiên rồi thích thú với các kiểu áo này.

Trò chuyện cùng phóng viên, du khách Sarah (Mỹ) cho biết: “Tôi thấy hoàn toàn thoải mái trong trang phục này. Tôi nghĩ đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng văn hóa, lịch sử của nước sở tại”.

Du khách khá thoải mái trong trang phục áo choàng

Ngày mai, 25-4, việc cho du khách mượn áo nếu trót ăn mặc phản cảm sẽ được áp dụng đại trà trên một số di tích như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm… 

Trao đổi cùng PV ANTĐ, bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết, riêng tại đền Ngọc Sơn, nơi có số lượng du khách đông, BQL đã chuẩn bị sẵn 100 bộ cho cả nam và nữ. Việc lựa chọn mẫu thiết kế, màu sắc cũng được bàn thảo khá lâu trước khi có chọn lựa cuối cùng. Sau khi đưa ra thử nghiệm, nhận được ý kiến phản hồi tốt của du khách thì BQL mới tiếp tục triển khai tại các điểm di tích tiếp theo.

Cũng theo bà Hòa, việc cho du khách mượn áo choàng chỉ là việc phụ, cái chính mà các nhà quản lý muốn nhắm tới là việc nhắc nhở du khách tôn trọng tín ngưỡng bản địa. Hiện tại, BQL đền Ngọc Sơn cũng đã bố trí cán bộ nhắc nhở và hướng dẫn du khách ngay từ ngoài phòng vé.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám thông tin, trong ngày 26-4, Trung tâm sẽ chốt các phương án thiết kế mẫu áo cho du khách mượn. Dự kiến, mẫu áo sẽ có màu đỏ đậm, hoa văn Văn Miếu in chìm. Khoảng trung tuần tháng 5 sẽ áp dụng. Toàn bộ kinh phí đầu tư trang phục được lấy từ nguồn thu của di tích.

Một trong những di tích trọng điểm của Hà Nội thời gian tới cũng sẽ áp dụng việc hạn chế du khách ăn mặc phản cảm vào di tích là Hỏa Lò.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Hỏa Lò, hiện di tích cũng đang lựa chọn mẫu thiết kế phù hợp, tuy nhiên cũng cân nhắc vấn đề vệ sinh, giặt giũ trang phục thế nào. Chính vì thế trước mắt, các du khách ăn mặc mát mẻ, sẽ chỉ được vào thăm một số nơi nhất định. Đối với khu vực Đài tưởng niệm sẽ có bảng thông báo, nếu du khách không ăn mặc kín đáo lịch sự thì tạm thời sẽ hạn chế.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, việc hỗ trợ du khách nói trên là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cách này, tuy nhiên đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai.

Ông Tiến nhấn mạnh, việc cho mượn áo, chống ăn mặc phản cảm chỉ là việc "trên ngọn", và Sở VHTT đang tiến hành vận động, tuyên truyền từ gốc, tức là gửi thông báo tới các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, trước khi bán tour nên khuyến cáo du khách nhập gia tùy tục. Sở cũng đã có công văn gửi Sở Du lịch, yêu cầu phối hợp, hỗ trợ việc phổ biến quy định rộng rãi hơn nữa.