GS.TS Nguyễn Chí Bền: Ranh giới giữa "tín ngưỡng" và "mê tín" rất mong manh

ANTD.VN -Trong những ngày vừa qua, khi câu chuyện về tục đốt vàng mã ngày càng “nóng” lên bởi dư luận, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với GS. TS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia xoay quanh việc loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Ranh giới giữa "tín ngưỡng" và "mê tín" rất mong manh ảnh 1

GS. TS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo?

GS. TS Nguyễn Chí Bền: Với tư cách một công dân, tôi đánh giá cao thái độ nhập thế của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thực tiễn, việc đốt vàng mã ở các di tích (đình, đền, chùa, phủ…) đã quá nhiều, cần chấn chỉnh. Văn bản của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam chắc có tác dụng trong thực tiễn tại các ngôi chùa.

Có ý kiến cho rằng đốt vàng mã do có từ lâu đời ở Việt Nam nên đã trở thành một tập tục, một nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đứng ở góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, ông nghĩ sao về điều này?

Khó mà khẳng định chắc chắn theo tư duy số học, tục đốt vàng mã có từ khi nào trong lịch sử. Hành trình của các tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở Việt Nam khá dài, chí ít từ thời sơ sử. Trước thiên nhiên, xã hội, cộng đồng và chính mình, con người luôn có niềm tin vào cái thiêng. Lễ vật dâng lên nhân vật thiêng, khởi nguyên là vật thật, sau được chuyển hóa thành vàng mã.

Ông nhận định thế nào về cách nghĩ “trần sao, âm vậy”?

Cách nghĩ của dân gian là “trần sao, âm vậy”, khiến người dân dâng lên nhân vật thiêng vàng mã. Vấn đề đặt ra ở đây là cái “ngưỡng”, bên này là tín ngưỡng, bên này là mê tín, ranh giới là một đường chỉ mỏng manh. Người ta dâng lễ vật cho Thánh, Thần, Mẫu, cũng như tổ tiên, nên nghĩ là một tấm lòng thành. Lễ vật được chuyển hóa thành vàng mã nên dừng lại ở “ngưỡng” cần thiết!

GS.TS Nguyễn Chí Bền: Ranh giới giữa "tín ngưỡng" và "mê tín" rất mong manh ảnh 2

Việc đốt vàng mã tiềm ẩn những rủi ro về cháy nổ, ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của

Liệu có phải do việc đốt vàng mã bị lạm dụng quá đà dẫn đến sự mê tín, mê muội ngày càng cao của nhiều người không, thưa ông?

Hiện tại, việc dâng vàng mã ở một số người, một số nơi đã quá “ ngưỡng”. Đủ loại vàng mã, có loại mà tổ tiên, các vị Thánh,Thần, Phật, Mẫu chưa được nhìn thấy bao giờ: ô tô, máy bay, nhà lầu, máy tính bảng…, thậm chí cả ô sin?! Và rất nhiều loại vàng mã khác nữa. Hậu quả thực sự tệ hại: lượng tiền thật chuyển thành vàng mã đem đốt; môi trường xung quanh di tích luôn có lửa cháy!

Nhìn ở khía cạnh tín ngưỡng, điều ấy là vượt qua ranh giới của tín ngưỡng, là mê tín. Đảng, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, chứ không chấp nhận mê tín! Đáng lo ngại là hiện tượng này diễn ra trong thực tiễn ngày càng lớn.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng như các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý xã hội trong những năm qua đã làm rất nhiều việc để hạn chế tình trạng này, bao gồm cả việc ban hành các quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa… Theo ông, nguyên nhân do đâu khiến việc đốt vàng mã vẫn diễn ra tràn lan, thậm chí nhiều người sẵn sàng nộp phạt để được… đốt vàng mã?

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cơ quan nghiên cứu tư vấn chiến lược cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về văn hóa, nghệ thuật đã làm đề án, tổ chức nghiên cứu, thảo luận với các nhà quản lý, cộng đồng ở đền Bà chúa kho, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Vấn đề cần đặt ra là nhận thức của cộng đồng người đến hành lễ tại đình, đền, chùa, phủ, của những người phục vụ cộng đồng hành lễ (buôn bán vàng mã, “tạo tác” vàng mã nói riêng, lễ vật nói chung) phải thay đổi, để trở về với bản chất ,giá trị của văn hóa, tín ngưỡng.

Đầu xuân năm mới, người dân và du khách đến di tích là trở về với quá khứ, lắng nghe thông điệp của các thế hệ tiền nhân, dâng lên các nhân vật thiêng lòng thành của chính mình, để bước tới tương lai, chứ không phải khoe sự giàu có bằng vàng mã, lãng phí tiền của, hủy hoại môi trường!

Theo ông, cần phải làm gì để đẩy lùi được tình trạng đốt vàng mã quá tràn lan như hiện nay?

Trước một hiện tượng tín ngưỡng đã vượt quá ranh giới mỏng manh, trở thành mê tín như hiện nay, ứng xử của chúng ta là phải thật bĩnh tĩnh, không nóng vội.

Tôi ủng hộ thái độ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản cho các tăng ni, phật tử, cho các vị quản lý các ngôi chùa thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hy vọng văn bản sẽ được thực hiện đầy đủ, có kết quả. Nhưng tôi nghĩ có mấy việc cần kíp:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến để người dân, người đi hành lễ hiểu chân giá trị của việc đốt vàng mã, giới hạn của nó.

Thứ hai, người trụ trì tại di tích đình, đền, chùa, phủ… phải kiên quyết, không chấp nhận người đến hành lễ mang nhiều vàng mã đến để dâng lên cõi thiêng rồi hóa tại di tích. Trách nhiệm của các Ban quản lý di tích, Ban Khánh tiết rất lớn trong việc này.

Thứ ba, tạo ra sự đồng thuận giữa cộng đồng, nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học trong việc ứng xử kiên quyết với việc đốt vàng mã lan tràn, từ việc ban hành văn bản, thực thi văn bản. Có vấn đề thuộc về chính sách, chẳng hạn chính sách với người, làng làm nghề sản xuất vàng mã hiện nay thế nào. Trải nghiệm của những nhà quản lý trước đây khi cấm pháo rất cần cho công việc hóa giải tệ nạn vàng mã hiện nay.

Ngoài ra, có thể còn nhiều các giải pháp khác nữa!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.