Giúp cộng đồng tự chọn "cần câu" hay "con cá"

ANTD.VN - Huyền Châu (SN 1986) - Đồng sáng lập dự án “Xây trường cho em” gây quỹ cộng đồng xây dựng điểm trường Phiêng Cành, Sơn La và điểm trường Lũng Hồ, Hà Giang (năm 2013) mới đây đã cùng các kiến trúc sư trong nước và quốc tế thực hiện dự án phát triển cộng đồng “Action for Lung Tam” với mong muốn xây dựng hợp tác xã dệt lanh và thổ cẩm Lùng Tám (Hà Giang). 

“Action for Lung Tam” (Hành động vì Lùng Tám) là dự án dài hạn, hướng tới việc hỗ trợ sự phát triển bền vững cho làng nghề dệt vải lanh và thổ cẩm tại xã Lùng Tám (gồm thôn Hợp Tiến, Tráng Kìm và các thôn lân cận). Tới năm 2020, dự kiến dự án sẽ hỗ trợ được 400 phụ nữ và hàng trăm trẻ em gái tại đây. Điều mới mẻ là dự án bắt đầu với việc xây dựng nhà cộng đồng - do chính “cộng đồng cùng kiến tạo”. Đây là phương pháp đã được một thành viên chủ chốt trong dự án là kiến trúc sư Alexandre Furunes (Na Uy) triển khai thành công ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, và gần đây nhất là vùng đất bị tàn phá bởi siêu bão Hải Yến - Tacloban.

Nghệ nhân xã Lùng Tám

Ấn tượng con người Lùng Tám

“Năm 2013, tôi cùng một số người bạn thân hình thành dự án Xây trường cho em, với mục tiêu hỗ trợ cơ sở vật chất giáo dục cho trẻ em vùng cao. Trong dự án được thực hiện năm 2014 tại Lũng Hồ, tôi tình cờ dừng chân tại Lùng Tám và có cơ hội tìm hiểu về sản phẩm dệt lanh Lùng Tám, cũng như nghe về quá trình 16 năm vất vả hình thành và phát triển hợp tác xã tại đây”, Huyền Châu kể.

Cuối năm 2016, chị được một người bạn giới thiệu gặp kiến trúc Alexander E. Furunes (Alex) và giới thiệu về phương pháp kiến trúc “đồng kiến tạo”. Sau khi nói chuyện và tìm thấy nhiều giá trị chung trong quan điểm về việc “phát triển cộng đồng”, họ đã đồng ý hợp tác và triển khai khảo sát địa điểm. Hai bên thống nhất lựa chọn Hợp tác xã Lùng Tám là nơi hỗ trợ, với các lý do thuận lợi về con người, địa hình, cũng như tiềm năng phát triển và tạo được ảnh hưởng tới các khu vực lân cận. 

Hợp tác xã Dệt lanh và thổ cẩm Lùng Tám nằm ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, chỉ cách cung đường du lịch lên Đồng Văn khoảng 4km. Địa hình ở đây khá bằng phẳng, đường nhựa đủ thuận tiện cho việc đi lại. Các thôn bản nằm hiền hoà, xen kẽ các ruộng trồng ngô, trồng lanh dọc triền sông, khung cảnh rất đẹp và yên bình. Tuy nhiên, con người của vùng đất này mới là điểm mấu chốt gây ấn tượng khó phai đối với các thành viên của dự án. Bởi lẽ, họ luôn tươi cười và tràn đầy năng lượng, hơn hết lại rất chuyên nghiệp trong công việc và xử lý các vấn đề khó khăn. 

“Vào khoảng tháng 10 khi tôi đưa Alex lên khảo sát địa bàn này lần đầu tiên, anh ấy đã rất hào hứng. Sau 2 lần khảo sát, nói chuyện cùng cộng đồng, cũng như tổ chức thử một buổi đào tạo chuyên đề ngắn, Alex đã nhận định Lùng Tám là địa bàn rất phù hợp để ứng dụng phương pháp xây dựng kiến trúc của anh, vì người dân ở đây toát lên các đặc tính: chịu khó, nỗ lực và đoàn kết. Chúng tôi yêu quý thiên nhiên và con người nơi đây”, Huyền Châu, người đồng sáng lập dự án kể. 

Giúp cộng đồng tự chọn "cần câu" hay "con cá" ảnh 2Người dân Lùng Tám vẽ lên ước mơ của mình về một mô hình kiến trúc cộng đồng

Không phải “tặng”, mà là cùng kiến tạo

Huyền Châu cho biết, trước đó với dự án Xây trường  cho em, nhóm thành lập dự án đã hướng đến những phương án hỗ trợ cộng đồng có tính bền vững và lâu dài.  Việc xây dựng một ngôi trường được kỳ vọng là bước thay đổi đầu tiên về mặt vật chất để tạo thêm những thay đổi sau đó. Tuy nhiên, sau khi xây 2 ngôi trường, họ vẫn tiếp tục luẩn quẩn với những vấn đề khác có ảnh hưởng tới việc khuyến học như: văn hoá gia đình, chính sách khuyến học, hay đôi lúc chỉ đơn giản là… cái mái nhà dột cũng có người gọi tới. Bản thân Huyền Châu, sau khi tham dự học bổng IATSS tại Nhật Bản về phát triển cộng đồng bền vững năm 2016, qua các bài học được chia sẻ từ thành phố Kobe và tỉnh Mie, đã nhìn ra được rằng một cộng đồng không thể phát triển bền vững nếu không được chính những người ở địa phương thụ hưởng trực tiếp cùng gánh vác và chịu trách nhiệm duy trì. 

Vì vậy với dự án này, thay vì tiếp tục trao tặng những “hiện vật” (một công trình mới), Huyền Châu và Alex chia sẻ quan điểm về việc liên kết với người địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm thiết kế, xây dựng và duy trì công trình ngay từ những giai đoạn ban đầu. Họ gọi tóm tắt quá trình này là “phát triển khả năng tự chủ”. 

Dự án với mục tiêu hỗ trợ phát triển nghề truyền thống và tạo được một mô hình kiến trúc cộng đồng. Về việc phát triển nghề truyền thống, bà Vàng Thị Mai cùng các xã viên đã tự lực xây dựng và phát triển hợp tác xã suốt 16 năm qua. Chính từ sự nỗ lực tự thân của họ mà nhóm dự án quyết định góp thêm một phần công sức, nâng cấp cơ sở vật chất để bà Mai cùng Hợp tác xã có thêm điều kiện tạo sinh kế cho 400 phụ nữ tại 3 bản lân cận, góp phần nâng cao đời sống. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 5-2017. 

Huyền Châu bày tỏ quan điểm: “Với tôi, “phát triển cộng đồng” khác với hoạt động từ thiện. Khi nhắc tới “phát triển cộng đồng”, tôi sẽ nghĩ đến một quá trình dài hạn, và do chính cộng đồng đó tự phát triển, với sự hỗ trợ về mặt kỹ năng và thông tin sau khi được nghiên cứu cẩn thận. Ngoài ra, trong các dự án phát triển, tôi sẽ cân nhắc thêm về khả năng lan tỏa từ cộng đồng thụ hưởng tới các cộng đồng lân cận quanh đó. Có một câu mọi người thường nói “Cho cần câu còn hơn là cho con cá”. Nhưng sau khi tham gia làm việc trực tiếp với cộng đồng, tôi lại có suy nghĩ: muốn cần câu hay muốn con cá, hay một cái gì khác, nên khuyến khích và hướng dẫn cho cộng đồng tự chọn.

“Action For Lung Tam” là một dự án mở, để mọi người có thể chủ động tiếp cận và chung tay tại bất cứ thời điểm nào phù hợp, với bất kỳ hình thức nào. Phương pháp cộng đồng “đồng kiến tạo” huy động những kiến thức và kinh nghiệm của chính người địa phương, cũng như tận dụng những giá trị văn hoá tiềm ẩn, và hài hoà nhu cầu chung của người sử dụng. Vai trò của kiến trúc sư và người điều hành dự án ở đây chỉ là giúp người dân hệ thống và sử dụng được chính những khả năng của họ, cũng như tư vấn về các yếu tố an toàn và kỹ thuật.