Giáo dục di sản bắt đầu từ người làm giáo dục ​

ANTD.VN - Hôm qua 16-5, Sở VH-TT Hà Nội và Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức cuộc tọa đàm về “Giáo dục di sản tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. 

Giáo dục di sản trước tiên phải đem lại niềm yêu thích cho học sinh

Nhiều năm nay, Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với nhiều trường học tổ chức các buổi ngoại khóa tại khu di tích để các em học sinh có được trải nghiệm thực tế bổ ích, phát triển kỹ năng cá nhân.

Sau mỗi chuyến tham quan, nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực qua những bài thu hoạch, các hoạt cảnh, những câu chuyện kể theo trí tưởng tượng của học sinh. Tuy nhiên, cán bộ Trung tâm cũng thừa nhận, việc phổ biến giá trị di sản Văn Miếu đến học sinh tính tương tác chưa rõ nét, cần phải nỗ lực nhiều hơn.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà quản lý góp thêm kinh nghiệm và cách làm hay để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục di sản. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam (nhóm Cánh buồm) nhấn mạnh cần phải dạy đúng phương pháp, lựa chọn giá trị do chuyên gia di sản quyết định, xây dựng, còn truyền cảm hứng thế nào thì phải là người làm giáo dục.

Quan điểm của PGS.TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) là phải tạo được sự hứng khởi say mê cho chính giáo viên các trường trước rồi mới tính tới học sinh sau. Bà Lê Thị Minh Lý (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản) cho rằng, đừng để khi dự án kết thúc là các hoạt động giáo dục di sản cũng kết thúc theo.