Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội viết du ký về Đông Dương

ANTD.VN - Khác với những cuốn sách khác về lịch sử, “Đông Dương ngày ấy” thực sự là một cuốn du ký thời “ông bà tôi” về xứ Đông Dương dưới nhãn quan của một nhà kịch nghệ. Qua lăng kính của một con người làm nên nghệ thuật, thế giới xung quanh trở nên thú vị đến bất ngờ. Tác giả của nó là Claude Bourrin – người từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội (mùa kịch 1927-1928). 

“Đông Dương ngày ấy” là nhan đề cuốn du ký, hồi ức của tác giả người Pháp Claude Bourrin. Tác phẩm đưa chúng ta về thời xưa cũ và chiêm nghiệm cuộc sống của người dân Đông Dương, từ tầng lớp tận cùng như người phu xe, người khiêng cáng, cho đến các quan lại, trí thực, vua Thành Thái…

Tác phẩm có nhiều chi tiết thú vị, hài hước, lối kể chuyện dung dị, hóm hỉnh, nhẹ nhàng thể hiện cái nhìn cảm thông của tác giả với người dân Đông Dương. Không chỉ có vậy, Claude Bourrin còn cẩn thận, tỉ mỉ ghi lại những vùng đất, con người nơi ông đi qua, sinh sống và làm việc, từ Hải Phòng – Đồ Sơn, rồi đến đường sắt ở Thượng du Bắc Kỳ cho đến Lạng Sơn, Sài Gòn…

Tác phẩm "Đông Dương ngày ấy"

Dưới nhãn quan của một con người làm nghệ thuật, Claude Bourrin tỉ mẩn ngay cả những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống hằng ngày. Qua lăng kính của ông, mọi thứ trở nên thú vị và sống động, không còn cái vẻ nhàm chán, cổ xưa mà không hề mất đi cái nét cổ kính, khiến cho con người ta hoài niệm về một thời xa vắng.

Đền Ngọc Sơn (Ảnh trong cuốn sách)

Claude Bourrin là một trong những người có công lớn trong việc đưa nghệ thuật kịch nói tại Đông Dương lên một tầm cao mới. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Lớn tại Hà Nội (mùa kịch 1927-1928), rồi làm giám đốc (đồng thời) của cả ba Nhà hát Lớn Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn các mùa kịch 1928-1930. Ngoài ra, ông cũng là một nhà văn với nhiều tác phẩm "ghi chép" về cuộc sống của người Pháp ở Đông Dương và những sự giao lưu của họ với người bản xứ. Thậm chí vào đầu thập niên 1940, những người Pháp tại Đông Dương còn lên một kế hoạch tổ chức giải thưởng văn học thường niên xứ Đông Dương mang tên ông.

Một đồn ở Lạng Sơn (Ảnh trong cuốn sách)

Tác phẩm Đông Dương ngày ấy được xuất bản đầu tiên vào năm 2008 do NXB Lao Động xuất bản, được dịch từ cuốn “hoses et gens en Indochine 1898-1908”của Claude Bourin, do NXB Aspar ở Sài Gòn xuất bản năm 1940. Phiên bản 2017 do NXB Thanh niên và Công ty Huy Hoàng chỉnh sửa, bổ sung.