"Em ơi! Hà Nội phố" xuất hiện trọn vẹn trong một ấn phẩm đặc biệt

ANTD.VN - Lần đầu tiên, “Em ơi! Hà Nội phố” được xuất hiện trọn vẹn trong một ấn phẩm đặc biệt, đính kèm một số phụ bản do chính nhà thơ Phan Vũ vẽ. Buổi ra mắt và giao lưu nhân dịp ra mắt tập trường ca nổi tiếng về Hà Nội này sẽ được diễn ra vào lúc 19g ngày 4-3 tại Petite Note Coffee, số 351/4 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM.

Nhà thơ Phan Vũ viết "Em ơi! Hà Nội phố" vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom B52 xối xả. Hồi đó, nhà thơ thân với họa sỹ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo ông Phái. Ông Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” không chỉ có 21 câu như ca khúc của Phú Quang phổ, mà là khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn.

Nhà thơ Phan Vũ

Theo nhà thơ Du Tử Lê, “mỗi đoạn là một gam màu, một mảnh ghép khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu”.

Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, trường ca này lưu lạc nhân gian, đi qua bao nứt đổ của thời gian, qua bao thời khắc gắn với vận mệnh của Hà Nội, đến bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị. Nó như một cách diễn giải “tâm hồn người Hà Nội”. Ca sỹ Giang Trang cho rằng, tập trường ca của Phan Vũ “như một bản tình ca sau cùng dành cho Hà Nội. Một Hà Nội loanh quanh, nhỏ hẹp mà bao la quá”.

Phan Vũ đề thơ trên tranh

Còn với nhà văn Trương Quý, tác giả của nhiều tản văn ăn khách viết về Hà Nội, “tập trường ca này dùng nhiều mỹ từ, ở một người sử dụng khác sẽ có thể là thành mòn, nhưng qua tay Phan Vũ, chúng có độ lấp lánh rất hấp dẫn. Chúng như những họa tiết được thêu lên tấm áo dài đẹp đẽ của người thiếu nữ Hà Nội thời xưa cũ, như những diềm mái trang trí vẫn còn hiện diện đầy kiêu hãnh trên những mặt tiền nhà phố cổ sót lại, như những dáng cây đầy ắp vẻ nên thơ bên những mặt hồ. Có chút gì huyền hoặc như sương khói, giống như một sớm mùa đông lạnh giá, đột nhiên vang lên từ môi những câu như tự nhủ, như ngóng chờ… “Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya…”.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008, tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến.

Trong lần trở lại mới nhất do NXB Hồng Đức phát hành này, bên cạnh bản “Em ơi! Hà Nội phố” trọn vẹn nhất, còn có 7 phụ bản do nhà thơ Phan Vũ vẽ và 8 bức chân dung tự họa trầm mặc mang tên Phan Vũ. Thơ và tranh, thơ và nhạc, cộng hưởng vào nhau, làm nên một tác phẩm “sống mãi cùng thời gian”, làm nên một tập trường ca giản dị, xúc động về Hà Nội.

Trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" do NXB Hồng Đức phát hành, sẽ xuất hiện trong một diện mạo mới

Nhà thơ Phan Vũ sinh ở Hải Phòng vào năm 1926. Bên cạnh là nhà thơ, ông còn được biết đến với các vai trò khác như tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sỹ.

Trong một lần chia sẻ, ông nói, thơ ông khó phổ nhạc. Đến nay, ngoài “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời của ca khúc “Tình ca cho em” của nhạc sỹ Nguyễn Nam, được biết đến qua tiếng hát Hồng Hạnh - người đàn bà ôm đàn hát tình ca một thời. Đầu những năm 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, lui về ở ẩn và có một số triển lãm chung và riêng tại TP.HCM.