Du lịch Nam Ninh, đi hay không tùy bạn

ANTD.VN - Mặc dù Trung Quốc là một trong những quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới với các tour nội địa đa dạng, song Nam Ninh hoàn toàn không phải là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay khách Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói của thành phố này.

Du lịch Nam Ninh, đi hay không tùy bạn ảnh 1

Học tiếng Việt là thời thượng

Khách du lịch châu Âu, châu Mỹ thường hứng thú với những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu… mà lờ đi Nam Ninh. Còn đối với người Việt thì trong những tour Trung Hoa lục tỉnh, Nam Ninh chỉ được coi là một chặng dừng chân trước khi lên máy bay nội địa (khách Việt thường đi đường bộ sang Nam Ninh rồi lên máy bay nội địa đi tiếp hoặc ngược lại). Lúc này, Nam Ninh bị thiệt thòi khi đem ra so sánh với Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng có sang tới đây mới biết, lượng khách Việt vào Nam Ninh là vô cùng lớn. 

Đa phần người Trung Quốc kém tiếng Anh, người Nam Ninh lại còn tệ hơn, cùng lắm chỉ biết mỗi từ “OK”. Vậy nhưng, từ anh lái taxi đến cô hàng tạp hóa đều có thể bập bẹ vài ba từ tiếng Việt. Như thế đủ biết khách Việt giữ vị trí thế nào đối với họ.

Tôi sang Nam Ninh bằng đường bộ. Thủ tục gọn nhẹ, xem trên bản đồ Nam Ninh chỉ cách Việt Nam có nửa centimet, song cũng phải mất 1 ngày đường mới tới nơi. Ðường tới Nam Ninh buồn tẻ, những cánh đồng mía trải dài đơn điệu, vài ba nếp nhà trên triền đồi thiết kế giống hệt vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Người hướng dẫn báo rằng chỉ còn 5 phút nữa là tới sân ga Nam Ninh, vậy mà vẫn rặt một màu đất đỏ.

Có người phát hoảng vì cho rằng đang bị đưa đến một thành phố nghèo nàn và lạc hậu. Ra khỏi cửa nhà ga thấy đã là 18h, người chưa xuất ngoại lần nào cũng dễ choáng ngợp trước những ánh đèn màu rực rỡ từ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu trên dãy phố sầm uất. Khách sạn Chiều Dương (biển hiệu được ghi bằng tiếng Việt) nằm ngay trước cửa ga sẵn sàng phục vụ khách du lịch Việt Nam.

Mua sắm ở Nam Ninh

Quảng Tây hay còn gọi là khu tự trị của người dân tộc Choang có số dân 45 triệu người. Nam Ninh là thủ phủ của tỉnh này với bề dày lịch sử hơn 1.600 năm. Năm 318 sau Công nguyên, Nam Ninh trở thành một hạt của Trung Quốc với tên cổ là Vĩnh Châu dưới triều Ðường, Vĩnh Ninh dưới triều Tống, và Nam Ninh dưới triều Minh, triều Thanh. Thành phố này chính là một cửa ngõ phía Nam với diện tích 10.029km2, dân số 2,79 triệu người với hơn 60% là người dân tộc Choang, bộ phận người thiểu số đông nhất Trung Quốc. Khoảng 30% số dân còn lại là người Hán và các tộc người khác chiếm thiểu số như người Di, người Mèo, người Tống, người Nội Mông, người tộc Hồi… 

Từ một thị trấn buôn bán nhỏ những năm đầu thế kỷ, Nam Ninh đã nhanh chóng phát triển thành một thành phố công nghiệp hiện đại với mức tăng trưởng chóng mặt. Lợi ích kinh tế của Nam Ninh gắn liền với việc thông thương qua đường biên giới phía Nam, nối liền với Việt Nam bằng đường ray xe lửa được xây dựng từ năm 1952. Trên đường phố Nam Ninh, đặc biệt là khu phố chính gần nhà ga, có thể bắt gặp rất nhiều khách Việt. Họ sang đây để du lịch và buôn bán. 

Chính phủ Trung Quốc hiện đang khuyến khích thông thương và đẩy mạnh du lịch. Luật mới ban hành cho người dân Trung Quốc được nghỉ Quốc khánh hẳn 1 tuần cũng chính nhằm mục đích này. Thực ra thì các điểm tham quan, ngắm cảnh ở Nam Ninh không nhiều, đáng kể nhất vẫn là khu du lịch Thanh Tú Sơn, quảng trường Nam Hồ, triển lãm Quốc tế và Bảo tàng Quảng Tây, nhưng các thú vui giải trí khác thì rất đa dạng. Ðặc biệt thành phố Nam Ninh sôi động về đêm.

Thú vị hơn cả là khu phố đi bộ nằm giữa quần thể siêu thị, trung tâm thương mại và giái trí hiện đại trên phố Chiều Dương. Những cửa hiệu thời trang bạt ngàn hàng hóa dễ khiến những du khách nghiện mua sắm ở lại đến 1h sáng. Trong các siêu thị khổng lồ như Ðại lầu Chiều Dương, hàng hóa thường rất đắt vì là đồ hiệu 100%. Nhưng dân mua sắm thường bị hấp dẫn bởi khu chợ trời bên cạnh, chuyên bán hàng hạ giá 5 tệ/đôi giày, 10 tệ/túi xách và 15 tệ/quần bò.

Hàng hoá nơi này thường không đẹp lắm, nhưng nếu khách có thời gian và sành giá, sành hàng, vẫn có thể mua được một vali hàng với giá rẻ bằng 1/3 so với ở nhà. Người bán hàng ở đây thường là các sinh viên đi làm thêm và dân lao động nghèo. Họ nói thách rất cao, gấp 3-4 lần giá bán.

Ngộ nghĩnh nhất là giữa chợ trời có rất nhiều hàng bán nước hoa. Họ đựng các loại nước hoa xanh đỏ trong những hũ thủy tinh to. Bên cạnh là một loạt lọ không nhỏ xíu, kiểu dáng rất đẹp. Khách phải chọn mùi hương và kiểu lọ, sau đó họ sẽ múc nước hoa từ lọ to chiết vào lọ con. Giá của loại “xa xỉ phẩm” này còn rẻ hơn một cuốc taxi, thứ phương tiện rất bình dân ở Nam Ninh. 

Du lịch Nam Ninh, đi hay không tùy bạn ảnh 2Nam Ninh sôi động về đêm

Ấn tượng ẩm thực

Khu phố giải trí nằm ngay bên cạnh liên hợp siêu thị với các nhà hàng Mac Donald, Pizza Hut, quán bar, karaoke, cà phê, sàn nhảy… Sàn nhảy của Nam Ninh cũng theo gu thời thượng như ở Bangkok, Pattaya, Chiangmai… nên không có mặt sàn rộng, chỉ thiết kế như quán cà phê bình thường cho khách nhún nhảy tại chỗ.

Dưới mỗi bàn nước đều có một bộ xúc xắc và bài tây để khách chơi giải trí. Đặc biệt, ở đây không chỉ có vũ nữ mà còn có cả những người chuyển giới, đồng tính cũng uốn éo nhảy cột trong trang phục thiếu vải. Thứ đồ uống phổ biến nhất trong các sàn nhảy là rượu pha nước trà xanh lạnh, tạo thành một loại cocktail nhạt thếch. 

Người ta có câu “mặc Hàng Châu, ngắm cảnh Tô Châu và ăn ở Quảng Châu”, chứ không ai nhắc đến ẩm thực Quảng Tây. Đồ ăn ở đây rất chán. Khách lạ nhiều phần không chịu nổi thứ đồ ăn sáng phổ biến bán ngoài phố là bánh bao chay, cháo trắng chấm quẩy và mỳ vằn thắn với nước dùng nhạt thếch. Các thức quà vặt cũng đơn điệu, quanh đi quẩn lại có món trái cây dầm, nghĩa là xoài, mận, dứa… cho vào lọ muối, thành thử ăn hoa quả mà lúc nào cũng có vị dưa cà.

Tuy nhiên, Nam Ninh có hẳn một phố ẩm thực rất hoành tráng. Khi màn đêm buông xuống, người đi bộ dọc phố Chiều Dương sẽ khó cưỡng lại mùi thơm từ những món đồ nướng. Tôm, cá, gà, bò, lợn… được tẩm ướp và nướng rất ngon. Phố ẩm thực khá dài với hàng trăm quán nướng ngoài trời như vậy. Người Việt Nam cũng khá nhạy, nhanh chóng bắt chước mô hình quán nướng kiểu này nên mở ngay vài tiệm vỉa hè trên phố cổ Hà Nội. Tối thứ bảy, xe cộ chạy tấp nập tung bụi mù mịt, nhưng nam thanh nữ tú thủ đô vẫn chen chúc trên những ghế nhựa vỉa hè để tận hưởng ẩm thực Barbeque.