Du lịch cộng đồng tại Hà Nội nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác

ANTD.VN - Vấn đề xây dựng kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư được nhắc đến liên tục trong thời gian qua trong bối cảnh, chất lượng môi trường, dịch vụ du lịch nước ta bị hạn chế so với hạ tầng du lịch ngày càng phát triển. 

Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại đầm sen Hồ Tây

Mới đây, tại UBND phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức “Lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư năm 2017” và nhận được sự tham gia tích cực của nhiều người dân địa phương.

Tại đây, người dân được hướng dẫn về 5 nội dung cụ thể: “Tổng quan về du lịch”, “Du lịch có trách nhiệm”, “Du lịch cộng đồng”, “Tâm lý khách du lịch” và “Văn hóa ứng xử trong du lịch”. 

Vừa làm, vừa dạy, vừa điều khiển

Nếu đặt ra câu hỏi, du lịch Hà Nội thiếu yếu tố gì để phát triển mạnh hơn, với du lịch cộng đồng, thì yếu tố ấy là con người, chưa có người làm du lịch cộng đồng. Tỉ lệ đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo bài bản vốn đã thấp, khi đến cộng đồng dân cư thì dù trực tiếp tham gia vào du lịch, tiếp xúc với khách du lịch rất nhiều nhưng lại chưa có những kiến thức du lịch cơ bản. Nhiều khi người dân hoạt động một cách tự phát mà không biết rằng họ làm chưa đúng, điều đó có thể khiến khách không hài lòng. 

Mặc dù các cơ quan ban ngành, nhân viên trong ngành du lịch luôn cố gắng nhưng nếu cộng đồng chưa được đào tạo bài bản mà đã làm du lịch thì tác hại rất nhiều. Đôi khi, công lao của các cơ quan quản lý cũng như những người làm trực tiếp bị ảnh hưởng lớn, như đổ xuống sông xuống biển.

Tham gia lớp học, anh Đoàn Xuân Lợi - Hội phó Hội cây cảnh nghệ thuật phường Tứ Liên (Tây Hồ) chia sẻ: “Buổi học khiến tôi rất thích thú vì đó là những kiến thức bổ trợ và góp phần quảng bá cho du lịch phường Tứ Liên có làng nghề trồng quất cảnh của tôi”. Anh ấn tượng nhất với bài học về kỹ năng giao tiếp, cho rằng có thể áp dụng ngay vào thực tế, khiến cho các khách du lịch cảm nhận, yêu thích cây quất cảnh và đưa ra quyết định mua hàng.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng không thể chờ kết quả trong ngày một ngày hai, nó là vài năm, thậm chí chục năm, ngoài truyền đạt kiến thức còn phải truyền đạt thêm kỹ năng để thay đổi thái độ và nhận thức của người dân về du lịch; xuyên suốt một quá trình chứ không thể trong vài buổi tập huấn hay vài năm vận hành.

Tiến sĩ Vũ An Dân, Trưởng Khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh: “Làm du lịch cộng đồng phải vừa làm, vừa dạy, vừa điều chỉnh và vừa song hành với người dân để họ nhận thức đúng và rèn luyện thành hành vi đúng đắn trong cư xử và hoạt động du lịch”. Đặc biệt phải kể đến một yếu tố gây trở ngại cho phát triển du lịch vẫn là khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của người dân với du khách.

Homestay trong lòng Hà Nội

Khi phát triển du lịch cộng đồng, người ta hay nghĩ đến những vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh, nơi có những cộng đồng dân cư mang những nét đặc thù riêng. Nói đến Hà Nội và các đô thị lớn, người ta không biết là khai thác du lịch cộng đồng theo kiểu gì bởi san sát nhà dân, tấp nập nhộn nhịp... Nhưng nếu xét kỹ ra, nếu như ở vùng miền núi có thể gắn với môi trường thiên nhiên, còn ở Hà Nội sẽ gắn với làng nghề truyền thống, làng nghề lịch sử.

Bởi đô thị Hà Nội phát triển theo mô hình những làng nghề của nông thôn, trong lòng đô thị Hà Nội ẩn chứa nhiều các làng nghề khác nhau. Hà Nội hoàn toàn có thể khai thác được du lịch cộng đồng theo cái nền của các làng nghề truyền thống, khách đến nơi người ta có thể tham gia học và tìm hiểu các nghề thủ công, ở cùng với người dân và tham gia vào các hoạt động du lịch khác để trải nghiệm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, Tây Hồ: “Về công tác du lịch, trên địa bàn phường Quảng An phát triển nhiều nhất là hoạt động xây nhà cho người nước ngoài thuê. Với tổng số trên 2.000 hộ dân, hiện có khoảng 700 nhà đang cho người nước ngoài thuê. Những đợt cao điểm, số người nước ngoài cư trú lên tới trên 3.000 người”.

Đáng chú ý, trong khoảng 700 nhà đang cho thuê, có gần 200 nhà chuyển sang xây chung cư mini tức là chuyển sang cho thuê theo căn hộ. Nếu chỉ đơn thuần khai thác nguồn thu từ việc cho khách thuê nhà, nó là mô hình kinh tế chia sẻ: người dân sử dụng một phần diện tích dư dôi của mình để cho khách ở; mô hình homestay phải là du khách ghé đến, ngoài ở ra còn giao lưu với gia chủ: ăn cùng, sống cùng, chia sẻ về văn hóa, đắm mình vào cuộc sống hàng ngày nơi xứ sở.

Ví như trên địa bàn phường Quảng An có 21 hộ gia đình làm chè sen. Thương hiệu chè sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu và  công nhận nhãn mác “Chè sen Quảng An - Tinh hoa chè Việt” năm 2012. Du khách đến đây có thể trải nghiệm ra đầm hái sen buổi sớm, xem người dân làm chè sen và tìm hiểu vì sao chỉ sen trồng ở đất Tây Hồ mới ướp chè ngon được.

Bên cạnh đó, du khách có thể đến các điểm tâm linh để tìm hiểu về các di sản văn hóa Việt Nam trong vùng như phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên. Hay hàng năm, đình Quảng Bá, đình Tây Hồ và đình Nghi Tàm có lễ hội, rất nhiều du khách phương Tây tham gia, nhiều du khách còn xin vào mặc áo the cùng các đội để đi rước vì họ thấy hay và đẹp quá.

Đối với du khách mọi miền, du lịch cộng đồng tại Hà Nội chưa phải một dấu ấn. Tuy nhiên, nó là một hướng phát triển, đòi hỏi khâu truyền thông phải mạnh và hứa hẹn nhiều tiềm năng. Hà Nội đã và đang có những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng môi trường du lịch và ý thức du lịch trong cộng đồng dân cư, song cần thực hiện một cách đồng bộ.

Hiện nay, du lịch Hà Nội vẫn đang mạnh trong các vấn đề thanh tra, giám sát và kiểm soát để đảm bảo các vấn đề đáng buồn không xảy ra. Điều đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, phần gốc nằm ở chỗ toàn bộ cộng đồng dân cư có nhận thức đúng hay không. Nếu như cộng đồng cộng đồng nhận thức đúng thì bản thân họ chính là những thanh tra nhân dân, những người hoàn toàn có thể ngăn chặn được các biểu hiện không đúng trong các hoạt động du lịch.