"Đọc tôi bên bến lạ": Dấy lên nhiều tranh cãi

ANTD.VN - Phải nói đã khá lâu, văn học Việt Nam mới có một tác phẩm phê bình văn học được để ý như “Đọc tôi bên bến lạ” của Đoàn Cầm Thi. 

"Đọc tôi bên bến lạ": Dấy lên nhiều tranh cãi ảnh 1Cuốn sách gợi mở những góc nhìn tương đối táo bạo về văn học Việt Nam đương đại

1. Trước hết bởi đây là tập hợp những bài viết “mổ xẻ” về những tác phẩm được xem là đáng đọc nhất của Việt Nam đương đại với các tên tuổi: Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Bằng cách chọn chủ điểm mang tính tập trung - đó là cái “tôi”, PGS.TS Đoàn Cầm Thi đã đưa ra được cái nhìn khá khúc triết, với nhiều lập luận chặt chẽ nhưng không kém phần táo bạo. Một trong những phát hiện đầu tiên của Đoàn Cầm Thi đó là cái tôi - nhà văn xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm. Chị nhận định, việc xây dựng một nhân vật - nhà văn báo hiệu một hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại. Đó là nhân vật phản anh hùng nổi tiếng - Hoàng trong “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà, Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, hay Phùng trong “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương… Sự hiện diện rõ ràng và đậm đặc của cái tôi nhà văn trong các tác phẩm được nhiều tác giả sử dụng như một nghệ thuật “tung hỏa mù”, cũng đã mở ra thời kỳ mới mà văn học viết về văn học, nơi “hậu trường” sáng tạo văn học lần đầu tiên được hé lộ tới công chúng. 

Riêng về tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Cầm Thi đã tinh tế nhìn ra mô típ khá nghiệt ngã trong những tác phẩm của ông. Đó là hình tượng “những đứa con giết cha”. Từ “Tướng về hưu”, “Không có vua” cho đến “Tội ác và trừng phạt”, độc giả thoáng rùng mình khi nhận ra các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đều bị buộc phải đặt vào tình huống bi kịch là mất cha để bộc lộ, để nói lên cái “tôi” của mình. 

"Đọc tôi bên bến lạ": Dấy lên nhiều tranh cãi ảnh 2Quan điểm “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn “tự truyện bất thành” của Đoàn Cầm Thi
gây nhiều tranh cãi

2. Bên cạnh những quan điểm được nhiều người đồng tình, cuốn “Đọc tôi bên bến lạ” của Đoàn Cầm Thi cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Cụ thể trong bài viết về tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Đoàn Cầm Thi đã cho rằng thực chất đây là một cuốn “tự truyện bất thành”. Đại ý, vì “cái bóng kiểm duyệt” đã khiến Bảo Ninh không dám nói thẳng “tôi chính là Kiên”, nhân vật được cho là có nhiều điểm tương đồng bất thường. Theo TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV, “đây là một nhận định có phần khiên cưỡng” và chưa đầy đủ cơ sở. Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, việc nhà văn Bảo Ninh quyết định không để “Nỗi buồn chiến tranh” dưới dạng tự truyện mà chọn thể loại tiểu thuyết, rất có thể do ý đồ riêng của ông, chứ không nên vội vàng kết luận vì né tránh, vì sợ không “viết ra không in được” để làm cái cớ. 

3. Một trong những điểm được đặt dấu hỏi trong những luận điểm của Đoàn Cầm Thi đó là “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng. Nếu đọc những trích đoạn “Trong lòng mẹ”, độc giả có thể nhận thấy tình yêu sâu sắc với tất cả niềm ngưỡng mộ của nhân vật Huyên với người mẹ, được thể hiện qua các trích đoạn gần gũi, gắn bó giữa hai mẹ con. Tuy nhiên, dưới con mắt Đoàn Cầm Thi, nếu thay những tiếng “mẹ” trong những trích đoạn “Những ngày thơ ấu”, độc giả không khó nhận ra bóng dáng một tình yêu nam nữ. TS Phạm Xuân Thạch tiếp tục không đồng tình với cách hiểu này, cho rằng, nếu khi viết về người phụ nữ và đặc biệt khi viết về mẹ, thì tiếng “mẹ” đã triệt tiêu tất cả tính cách xác thịt. Còn khi thay bằng từ khác, thì câu chuyện đã hoàn toàn thay đổi, không nên hiểu như vậy. 

Cũng trong cuốn sách của Đoàn Cầm Thi, có thể nhận thấy ở một số bài viết, tác giả chưa khai phá được tận cùng vấn đề. Chẳng hạn bàn về cuốn “Mình và họ” của tác giả Nguyễn Bình Phương , nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi mới chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa bạo lực và mỹ cảm mà chưa mổ xẻ ý nghĩa của các chiều kích của tác phẩm, vốn tồn tại nhiều ẩn số thú vị chờ được khai mở.